Trong khó khăn, hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, nghĩa đồng bào, tình tương thân tương ái và đoàn kết quốc tế vốn là truyền thống của người Việt, được thể hiện rõ ràng, sinh động, thông qua những hành động cụ thể ở mỗi người dân, mỗi cộng đồng.
Trong cuộc tọa đàm do VOV tổ chức giữa tuần qua, kiều bào tại 9 điểm cầu trên thế giới một lần nữa xúc động khi kể lại những ngày tháng “không thể nào quên” khi phải đối mặt với đại dịch ơ xứ người. Và ngay cả lúc này, khi nhân dân trong nước đã trở lại trạng thái “bình thường mới” thì bà con ở hải ngoại vẫn trong hoàn cảnh “ngặt nghèo” khi dịch bệnh chưa qua.
Thật đáng mừng là bà con lấy chính kinh nghiệm chống dịch trong nước để vượt lên khó khăn, từng bước đầy lùi dịch bệnh.
Tại Đức, phong trào may khẩu trang rộng khắp trong các hội đoàn và cá nhân. Chị Vũ Mai Phương, một thành viên trong nhóm người Việt tại CHLB Đức đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Việt và người Đức trong phòng chống Covid ở địa phương.
“Khi bệnh dịch tràn sang Đức, lúc đó nước Đức hầu như không có khẩu trang. Tôi muốn mình làm được điều gì đấy cho người Việt và người dân Đức. Anh em kêu gọi mọi người trong gia đình làm được điều gì tốt thì nên làm. Chồng tôi rất nhiệt tình, cả đại gia đình nhà tôi cùng làm. Tôi đi mua nguyên liệu về để may khẩu trang. Đó là tâm huyết của mình, mệt nhưng vui vì chia sẻ được cho bà con cộng đồng cũng như người Đức”
Chị Mai Phương cho biết, trong thời gian đó, nhà chị làm khoảng 200 chiếc khẩu trang một ngày. Ngày nào chồng chị cũng mang tới công sở, siêu thị, đồn cảnh sát để làm từ thiện. Mọi người ai cũng động viên nhau cố gắng. Thời điểm đó nước Đức rất hiếm khẩu trang. Người dân không biết mua ở đâu. Gia đình chị chỉ nghĩ, mình làm thật nhiều, thật nhiều để giúp đỡ bà con. Chồng chị vừa đi phát khẩu trang miễn phí vừa xem các thư xin khẩu trang gửi đến để đáp ứng.
Vợ chồng chị Mai Phương tặng khẩu trang cho người Việt ở Đức
Bà Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam, Chủ tịch hội phụ nữ Việt Nam tại Hungari
Từ điểm cầu Hungary, bà Phan Bích Thiện - Ủy viên Ủy ban trung ương MTTQ VN, Phó chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary cho rằng: “Trong “cuộc chiến” chống dịch này, Chính phủ Việt Nam đã nói đi đôi với làm. Điều đó đã nhận được sự đồng lòng của người dân. Chính phủ đã đặt sự an toàn, sức khỏe người dân lên trên hết, thậm chí trên cả lợi ích kinh tế, điều mà ở nhiều nước chính phủ còn băn khoăn, do dự. Tôi nghĩ, đó là quan điểm rất nhân văn”.
Theo bà Thiện, những thông tin cụ thể đã được đưa đến từng người dân, những người Việt ở nước ngoài cũng cập nhật được những thông tin này.
“Đó là yếu tố quan trọng làm nên thành công và chúng tôi rất tự hào về Việt Nam. Báo chí Hungary thời gian qua cũng viết nhiều về Việt Nam. Có bài báo viết với tựa đề “Có một đất nước ở ngay sát Trung Quốc với gần 96 triệu dân nhưng đến nay, không có ai tử vong do Covid”- bà Thiện xúc động nhớ lại.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết: “Người bản địa Ba Lan đánh giá rất cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Thời điểm dịch bắt đầu xuất hiện ở Ba Lan, có bài báo viết một đất nước rất “khiêm tốn” về kinh tế, hệ thống y tế; sống gần Trung Quốc mà không để trường hợp nào tử vong vì Covid 19.
Họ kết luận: Việt Nam là một trong những nước trên thế giới phòng chống dịch có hiệu quả nhất và được xem là hình mẫu chống dịch, để người dân bản địa Ba Lan học làm theo. Đó là những nhận xét chân thực của người dân Ba Lan về công tác phòng chống dịch của Việt Nam.”
Nhóm tương trợ người Việt tại Liên bang Nga
Từ Liên bang Nga, bà Vũ Thị Mai Liên và ông Đinh Khắc Long, Phó Chủ tịch hội đồng hương Hải phòng ở Moscow, đại diện cho Nhóm tương trợ người Việt tại Liên bang Nga cho biết, tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Nga vẫn nghiêm trọng.
Bà Vũ Mai Liên thành viên Nhóm tương trợ người Việt ở Liên Bang Nga
“Người Nga nhìn nhận chúng ta như thế nào? Ở Nga, chúng tôi đứng giữa tâm dịch, đã có lúc một tuần có 2, 3 người Việt bị chết vì Covid- 19 cho nên nỗi đau ấy sẽ kéo dài, ám ảnh suốt cuộc đời chúng tôi.
Người Nga có những bài báo, phóng sự ca ngợi cách chống dịch của Việt Nam, họ nói rằng chúng ta đã tổ chức rất tốt, huy động cả quân đội, công an, y tế và người dân. Điều quan trọng cuối cùng là toàn dân tham gia chống dịch. Về điều này, không chỉ người Nga và thế giới đều ngưỡng mộ Việt Nam.” – bà Vũ Thị Mai Liên khẳng định.
Đơn vị Bác sĩ tình nguyện phối hợp cùng các bác sĩ Slovakia
Anh Phạm Thanh Tùng ở Slovakia, thành viên của Trung tâm cứu hộ, cứu nạn khu vực Bratislava - Slovaki cho biết, là nước nghèo của Châu Âu, nền y tế Slovakia không phát triển lắm. Anh là người gần gũi và thân cận với ông Chủ tịch tình trạng khẩn cấp của Chính phủ. Ông này có hỏi anh rằng “Việt Nam có kinh nghiệm gì”.
Anh Tùng trả lời “Người Châu Âu không chấp nhận đeo khẩu trang và coi thường việc đó, nên theo tôi, việc đầu tiên là tuyên truyền và phát động mọi người đeo khẩu trang”. Sau đó, qua lời kêu gọi của ông Chủ tịch, các nhà lãnh đạo đã tiên phong trong việc đeo khẩu trang. Và một điều ngạc nhiên đã xảy ra: Ngày hôm sau, toàn bộ dân Slovakia nghiêm túc đeo khẩu trang”.
Người Việt ở Ba Lan cung cấp suất ăn nóng cho các y bác sỹ Ba Lan, những chiến sỹ trên tuyến đầu chống dịch
Chính việc phòng chống dịch có hiệu quả của Chính phủ Việt Nam nên cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã học hỏi các biện pháp phòng ngừa để giúp đỡ, hỗ trợ bà con ở nước sở tại.
Với khoảng 30 ngàn người, cộng đồng người Việt ở Ba Lan là một trong những hình mẫu hoạt động ứng phó với đại dịch có bài bản, có chủ trương, kế hoạch nhất quán, có những biện pháp chủ động ngay từ khi chính quyền sở tại chưa có biện pháp quyết liệt.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Ba Lan cho biết, dù kinh tế tương đối mạnh nhưng Ba Lan chưa từng có kinh nghiệm đối phó với đại dịch.
“Chúng tôi đề ra nhiều chương trình hoạt động. Chúng tôi kêu gọi quyên góp mua được 4100 kit thử lúc cấp thiết nhất. Sau đó, phát động phong trào rộng khắp toàn Ba Lan để ủng hộ cung cấp suất ăn nóng hàng ngày cho các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch. Chúng tôi cũng phát động phong trào may khẩu trang cung cấp cho những nơi cần thiết như bệnh viện, các cơ quan chính quyền, công an. Những việc làm này đều được phía Ba Lan ghi nhận”- ông Tuấn Anh chia sẻ.
Hội người Việt Nam đã thành lập Ban hỗ trợ người Việt tại Ba Lan phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đưa ra khuyến cáo theo từng thời điểm, thành lập tiểu ban y tế và tiểu ban trực tổng đài 24/24. Những người bị bệnh được vào bệnh viện, được cấp cứu kịp thời, được trợ giúp.
“Người Việt sống tập trung trong gia đình. Một người bị nhiễm thì cả gia đình thành F0. Không có địa điểm cách ly, chúng tôi tự tìm chỗ để cách ly. Chúng tôi cũng thành lập đội tình nguyện, đưa thức ăn đến cho các gia đình nhiễm bệnh. Đến giờ phút này, cộng đồng người Việt tại Ba Lan thành công bước đầu trong phòng chống dịch. Hơn nửa tháng qua, cộng đồng không có ai nhiễm mới. 71 người thì một nửa khỏi hoàn toàn. Số còn lại khỏi nhưng chờ hết thời hạn cách ly, không có trường hợp nào tử vong và không còn trường hợp nào phải vào viện. Chúng tôi chuẩn bị tinh thần khả năng dịch sẽ quay trở lại, từ đó, chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ phương án dự phòng, để hỗ trợ bà con cộng đồng” – Ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.
Tổ Phản ứng nhanh Kharkiv (Ukraine) làm công tác tặng quà hỗ trờ tài chính cho các gia đình đi làm xét nghiệm Covid-19
Ở nhiều nước, cộng đồng người Việt còn hạn chế về ngôn ngữ bản địa nên khó cập nhật tình hình dịch bệnh cũng như và các chính sách của nước sở tại. Vì thế, các hội đoàn, các tổ chức cộng đồng đã hình thành các nhóm thiện nguyện để cung cấp thông tin cũng như liên hệ với các cơ sở y tế để có những hỗ trợ cụ thể
Ông Vũ Đình Thiềng, đại diện nhóm tương trợ người Việt ở Kharkov(Ukraine) cho biết: Dịch ở Ukraine tương đối muộn so với các nước khác nhưng lây lan mạnh.
“Ukraine chiến tranh liên tục trong bảy năm qua nên cộng đồng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay có 50 ngàn ca nhiễm, 1300 ca tử vong. Hằng ngày có khoảng 800 ca nhiễm mới. Cộng đồng người Việt có khoảng 15.000 người, đến hôm nay có khoảng 30 ca nhiễm bệnh. Ngay từ đầu, Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã có nhiều văn bản hướng dẫn và, thành lập ban phòng, chống dịch. Ngoài ra, những nhóm thiện nguyện cũng được hình thành. Trong công tác phòng dịch, quan trọng nhất với người Việt ở đây là phải được đảm bảo về thông tin.”
“Chúng tôi nghiên cứu cách phòng chống dịch của Việt Nam, làm theo mô hình như vậy, ngay lập tức khoanh vùng các đối tượng F1, F2, hướng dẫn bà con đi kiểm tra, cung cấp những thông tin rất cụ thể, như hướng dẫn cách gọi xe cứu thương thế nào.
Hướng dẫn cho bà con cách mua thuốc khi có đơn của bác sĩ…, khẩn trương thành lập nhóm thiện nguyện, hình thành các tổ phản ứng nhanh để hỗ trợ cho từng gia đình, từ phiên dịch đến làm xét nghiệm, gọi xe cấp cứu, rồi mang đồ ăn đến bệnh viện... Với những việc làm này, mọi người ai cũng cảm thấy yên tâm” – Ông Vũ Đình Thiềng cho biết thêm.
Bà Nguyễn Thúy Hà, Trưởng Ban liên lạc Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore
Bà Nguyễn Thúy Hà - Trưởng ban liên lạc Cộng đồng người Việt Nam tại Singapore cho biết, người Việt tại Singapore bao gồm lao động, thăm thân, đi du lịch và bệnh nhân kẹt lại.
“Ngay từ khi ngay có dịch, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore Tào Thị Thanh Hương đã chỉ đạo Ban Liên lạc thu thập danh sách những người lao động hiện đang làm việc tại đây, điện thoại hỏi thăm để hỗ trợ việc sinh hoạt, ăn ở cũng như cung cấp nhu yếu phẩm. Hầu hết người Việt đang sinh sống tại đây đều có gia đình, có công việc và được hỗ trợ từ Chính phủ Singapore. Tuy nhiên, những lao động khi không còn việc làm thì ngay lập tức bị cắt thẻ. Vì vậy, rất khó khăn nên đại sứ quán ưu tiên hàng đầu. Hiện đã có 3 chuyến bay hỗ trợ đưa bà con người Việt ở Singapore về nước”.
Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch Hội người VN tỉnh Odessa, Chủ tịch Hội doanh nhân Việt Nam tại tỉnh Odessa, Ukraine khẳng định, thành công trong công tác chống dịch của Việt Nam đã tác động trực tiếp đến cộng đồng người Việt ở các nước, trong đó có Odessa.
“Chúng tôi đã phát động phong trào may khẩu trang, không chỉ cho bà con người Việt mà còn giúp cả người dân địa phương; may những bộ quần áo bảo hộ y tế cho các bệnh viện để tạo mối quan hệ. Bởi vì, Odessa cũng giống như ở Slovakia, cơ sở vật chất của đất nước Ukraine chưa được tốt lắm.
Ông Hải Anh cho biết, khoảng gần 20 ngày trước, tức là hôm 19 tháng 6, phát hiện 2 trường hợp đầu tiên nhiễm bệnh tại một khu chung cư của người Việt.
“Chúng tôi đã cách ly ngay và phân loại F1, F2. Rất may mắn sau khi được cách ly kịp thời và làm xét nghiệm, tất cả đều âm tính. Đến nay, tình hình tại Odessa vẫn kiểm soát được là vì bà con tuân thủ quy định phòng chống Covid-19 của Hội người Việt Nam và Nhóm tương trợ người Việt Nam tại Ukraine”.
Chị Thu Hương, ca sĩ- thành viên Hội Văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại CH Séc cho biết, phong trào may khẩu trang được hình thành ngay khi có dịch. Hầu như nhà nào cũng tham gia may khẩu trang. Riêng người Việt mình có dịch là tất cả đeo khẩu trang.
“Chúng tôi vừa làm, vừa hát. Tất cả mọi người đều chung một tinh thần là giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau để làm sao vượt qua được mùa dịch.”
Cộng đồng người Việt ở Hungari tặng khẩu trang cho các bệnh viện, công sở
Cuộc họp online của Ban hỗ trợ, tiểu ban y tế, tiểu ban tình nguyện và trực đường dây nóng của cộng đồng bàn về tình hình dịch bệnh trong cộng đồng ở Hungari
Sau khi nghe chia sẻ của cộng đồng người Việt khi đối mặt với đại dịch Covid-19, Đại sứ Lương Thanh Nghị- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao vừa xúc động, vừa tự hào bởi những nghĩa cử cao đẹp của người Việt ở hải ngoại.
“Qua đại dịch lần này, chính cộng đồng 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài đã làm đẹp hơn hình ảnh Việt Nam trong mắt bạn bè và thế giới. Đặc biệt những nghĩa cử như may khẩu trang, mang thức ăn đến bệnh viện rồi cung cấp khẩu trang, các vật dụng y tế cần thiết cho người dân sở tại… đã thể hiện hình ảnh một Việt Nam nhân văn, yêu thương và chia sẻ”
Đại sứ Lương Thanh Nghị xúc động cho biết như vậy, đồng thời chia sẻ những khó khăn, thách thức mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã và đang đối mặt.
“Kể từ ca nhiễm đầu tiên tại Việt Nam ngày 23/1, Bộ Ngoại giao đã phát hành gần 100 bản tin bảo hộ công dân, trong đó cập nhật diễn biến dịch ở trong nước, những biện pháp y tế cũng như các quy định khi mà người ở bên ngoài nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ. Bộ Ngoại giao cũng chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên liên hệ thăm hỏi động viên, chia sẻ những khó khăn của cộng đồng người Việt Nam của chúng ta ở bên ngoài. Thứ ba, chúng tôi cũng cập nhật thường xuyên những biện pháp phòng chống dịch mà do Bộ Y tế Việt Nam quy định ở trong nước để các anh các chị tham khảo bằng rất nhiều các hình thức khác nhau, thông qua mạng xã hội, thông qua các bản tin mà chúng tôi gửi cho gần 1.000 hội đoàn của người Việt trên thế giới và thông qua rất nhiều kênh khác”- Đại sứ Lương Thanh Nghị cho hay.
Cũng theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, Bộ Ngoại giao cùng với các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đặc biệt quan tâm tới đối tượng người Việt sinh sống bất hợp pháp, những du học sinh đã hết hạn visa hoặc những người lao động đã hết hạn hợp đồng.
Điểm cầu tọa đàm tại Hà Nội
“Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với lãnh đạo các nước thường xuyên điện đàm trao đổi để tạo điều kiện hỗ trợ cho cộng đồng người Việt, gia hạn visa, thị thực cho số đã hết hạn. Thậm chí nhiều quốc gia đã tiến hành trợ cấp cho du học sinh như Nhật, Australia, Mỹ…Chính phủ cũng giao cho Bộ Ngoại giao, các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp đưa công dân về nước kịp thời, tránh bị ảnh hưởng nặng nề do tác hại của dịch bệnh gây ra. Cho đến nay, Bộ Ngoại giao đã tiến hành khoảng 40 chuyến bay đến rất nhiều các quốc gia khác nhau, đưa về nước hơn 10.000 người Việt”- Đại sứ cho biết.
Hiện nay nhu cầu người Việt về nước rất lớn. Tuy nhiên, theo Đại sứ Lương Thanh Nghị, việc đưa công dân về nước còn phụ thuộc vào diễn biến dịch bệnh của các quốc gia, chính sách của các nước trong việc đóng hay mở cửa biên giới, phụ thuộc vào năng lực cách ly ở trong nước. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ có chủ trương mở cửa một số đường bay thương mại đến những địa bàn có đủ điều kiện. Ví dụ như trước mắt có thể là Nhật Bản, Hàn Quốc. Công dân Việt Nam có thể dễ dàng hơn trong việc di chuyển về nước.
Một lần nữa, Đại sứ Lương Thanh Nghị đánh giá rất cao ý thức, trách nhiệm công dân của cộng đồng người Việt ở nước ngoài trong việc phòng, chống dịch. Ông Nghị cũng cảm thấy rất mừng khi số người Việt bị nhiễm bệnh rất ít. (Có lẽ chỉ có ở Nga là tương đối nhiều). Còn ở Ba Lan, Slovakia hiện nay chưa có trường hợp nào./.
Nguồn: Hoàng Hướng- Phòng Việt Kiều/VOV5
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC