Mỗi hành trình mang bầu, vượt cạn của mỗi mẹ lại khác nhau, bởi vậy khi kể lại đều mang đến những cảm xúc riêng biệt. Câu chuyện của Huyền Trân (28 tuổi, hiện đang làm y tá, sống tại California, Mỹ) trong chương trình Chat với mẹ bỉm sữa lên sóng mới đây là một trong số đó.
Mong ngóng để có con, nhưng khi mang thai, cô lại bàng hoàng đối mặt với nguy cơ mất con bất kỳ lúc nào bởi mắc hội chứng ứ mật. Hay ở trên bàn đẻ, khi bác sĩ đang tiêm mũi giảm đau thì kim tiêm bị gãy…
Huyền Trân là bà mẹ 28 tuổi, hiện đang làm y tá tại Mỹ.
Nhưng may mắn là cuối cùng Huyền Trân cũng mẹ tròn con vuông và mỉm cười hạnh phúc khi nhìn lại những thử thách mà gia đình mình đã vượt qua.
Biết tin mang thai và bàng hoàng đối diện nguy cơ thai lưu
Huyền Trân kể lại, hai vợ chồng dự tính có em bé luôn sau khi kết hôn. Dù nữ y tá có kế hoạch sẽ tiếp tục học lên nữa, nhưng vẫn ưu tiên việc thả để có bầu vì không muốn có con ngoài 30 tuổi. Huyền Trân và chồng canh từ tháng đầu đến tháng thứ 2, thường xuyên thử que. Tin vui đến vào tháng thứ 2.
Cô chia sẻ lại: “Bình thường đi làm, em sẽ đẩy một chiếc xe rất lớn để phát thuốc cho bệnh nhân mà không hề thấy mệt. Nhưng đến hôm đó em thấy rất mệt, cảm giác không đủ sức. Em thấy lạ nên chiều hôm đó đi làm về liền mua que thử thai. Khi em thử thì 2 vạch. Mang kết quả ra khoe chồng, hai vợ chồng ôm nhau khóc luôn vì mừng quá”.
Nhưng nếu trước đó Huyền Trân cứ nghĩ chỉ cần mang thai là mọi thứ sẽ diễn ra bình thường thì thực tế lại khiến cô thấy bàng hoàng. “Khi đi khám thai, em được biết mình bị mắc hội chứng ứ mật. Hội chứng này làm cho hormone của người mẹ ảnh hưởng tới gan. Mật tiết ra quá nhiều nhưng không đi vào trong ruột mà lại đi vào trong máu và cả em bé, làm cho nhịp tim em bé bị giảm dần. Sau đó em bé có thể sẽ bị chết lưu trong bụng mẹ”, cô kể lại.
Vì mắc hội chứng ứ mật, nên mỗi tuần đều đặn 2 lần, Huyền Trân đều phải đi siêu âm kiểm tra nhịp tim của con và xem con còn chuyển động hay không. Các bác sĩ liên tục nhắc cô phải theo dõi sát sao và sẽ bắt buộc phải sinh con ở tuần thứ 37, không được muộn hơn vì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của con. Hành trình mang thai vất vả khiến Huyền Trân cảm nhận sâu sắc rằng mang thai là một chuyện, giữ được con trong bụng mình lại là cả một thử thách lớn.
Ngoài ra, trong 3 tháng đầu mang thai, Huyền Trân còn bị dị ứng đến mức nổi mẩn đỏ và ngứa khắp người, sưng cả mặt dù trước đó chưa từng bị dị ứng lần nào. Vì vậy cô phải đi gặp bác sĩ.
Bác sĩ chỉ định tiêm kháng sinh mà lúc đó thai mới được 2 tháng, Huyền Trân phải hỏi bác sĩ: “Có cần thiết phải chích kháng sinh hay không?”. Bác sĩ phải giải thích rằng liều thuốc này nhẹ và không ảnh hưởng gì em bé, cô mới yên tâm. Sau khi tiêm thuốc xong, khuôn mặt của Huyền Trân bớt sưng hoàn toàn.
Cô kể thêm: “Khi được 36 tuần, đi khám thai thì bác sĩ nói chọn một ngày để sinh nhưng phải trong tuần 37. Em muốn chọn ngày 1/1 nhưng bác sĩ nói đó là 37 tuần 1 ngày là không được, phải trước hoặc tròn 37 tuần. Vì trong 1 ngày đó nếu nhịp tim em bé có vấn đề, ảnh hưởng gì thì không ai lường nổi. Em đành chọn đúng ngày 30/12”.
Tiêm thuốc giảm đau gãy luôn kim tiêm, nôn ói ra mật xanh trên bàn đẻ
11h đêm ngày cuối cùng của năm, hai vợ chồng Huyền Trân sửa soạn xách đồ vào bệnh viện. Cô được đưa lên bàn đẻ, truyền nước biển, thuốc kích sinh. Thuốc vào người, Huyền Trân có những cơn đau đến và chịu không nổi. Cô với gọi chồng ở ngay bên cạnh nhưng chồng ngủ say phải hét lớn mới dậy. Cô bảo chồng đi gọi y tá để xin thuốc giảm đau. Nhưng khi bác sĩ tiêm thuốc giảm đau vào xương sống, cây kim bất ngờ bị gãy.
Cuối cùng, Huyền Trân cũng vượt qua được chặng đường gian nan.
“Vì có thể do em gồng mạnh quá, cây kim không vào được. Bác sĩ nói phải vào thuốc lại một lần nữa, cảm giác vừa đau vừa bị tiêm nhiều lần khiến em còn sợ đến tận bây giờ. Ngoài ra em còn bị ói nữa. Khi mở được 8 phân, em bị ói rất nhiều, ra cả mật xanh dù đã được uống nhiều thuốc chống ói trước đó. Lúc đó em mở gần 10 phân, y tá ngó xuống dưới nhìn thấy tóc của em bé lấp ló nên bắt đầu chuẩn bị cho em sinh con”.
Huyền Trân dù mẹ tròn con vuông nhưng lại đối mặt thêm một vấn đề khác: Vì rặn nhiều quá nên rách gần tới hậu môn, phải chịu một đường khâu dài ở phía dưới và gây đau đớn, đi lại khó khăn sau khi sinh xong. Trong một tuần đầu sau đó, cô rất mệt và đau nên việc chăm con phải để chồng phụ trách. Nhưng thi thoảng thương chồng lớ ngớ, cô vẫn gượng dậy để phụ chồng chăm con.
Khó khăn lớn nhất với Huyền Trân trong quá trình làm mẹ là việc kích sữa. Bởi cơ địa cô ít sữa, dù liên tục cho con bú ngay từ trong bệnh viện và sau khi về nhà nhưng cô phát hiện ra lượng sữa hút được còn không đủ tráng bình. Có những lúc căng thẳng tột độ vì mãi mà không kích được sữa cho con, Huyền Trân đã muốn từ bỏ. Nhưng nghĩ đến con, cô lại quyết tâm bằng được. Cuối cùng, cô cũng đủ sữa cho con bú.
Vì vốn tính lạc quan, lại rèn luyện được sự bình tĩnh qua công việc y tá nên Huyền Trân không gặp phải trầm cảm sau sinh. Cô cho biết, việc bản thân ra ngoài làm việc từ sớm sau khi sinh con cũng giúp trạng thái tâm lý được giải tỏa, khiến cô thấy vui vẻ hơn mỗi khi trở về nhà và được chăm con.
Con gái Rachel là niềm hạnh phúc vô bờ bến của vợ chồng Huyền Trân.
Chia sẻ về cô con gái Rachel Nguyễn nay đã 5 tháng tuổi của mình, Huyền Trân cho biết, em bé rất hay cười, thích hóng chuyện, suốt ngày thích ê a nói chuyện… Em bé cũng trộm vía dễ ăn, dễ ngủ, được mẹ rèn vào nếp nên không còn thức đêm mà chỉ cần bú là ngủ. Hai vợ chồng vì vậy chăm con cũng nhàn hơn. Với Huyền Trân, con gái là niềm hạnh phúc vô bờ, chỉ cần nhìn con là mọi muộn phiền tan biến.
Ông xã cũng thương yêu Huyền Trân và tình cảm không hề phai nhạt dù sau khi có con nhỏ. Cô cho biết hai vợ chồng đã có 8 năm bên nhau, ngoài tình yêu còn là tình nghĩa và tình thương nên rất hiểu nhau. Ông xã luôn nhường nhịn vợ trong mọi chuyện, dù vợ giận hay lớn tiếng cũng luôn chủ động mở lời và làm lành trước.
Nhắn gửi đến các chị em khác, Huyền Trân cho biết: “Các mẹ hãy bình tĩnh mà sống. Bất kỳ chuyện gì xảy ra cũng hãy giải quyết từ từ. Đừng lo sợ và tự tạo áp lực, bởi nếu vậy càng khiến mình rơi vào bế tắc”.
Theo phunuvietnam
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC