Hành trình làm mẹ đầy thiêng liêng, hạnh phúc nhưng cũng chứa đựng không ít thử thách, khó khăn. Các mẹ bỉm vẫn thường hay nói với nhau rằng làm mẹ ở Việt Nam khó 1 thì khi nuôi dạy và chăm sóc con ở nước ngoài thì khó khăn còn nhân lên gấp nhiều lần. Không chỉ có môi trường, ngôn ngữ mà còn rất nhiều điều khác biệt nữa khiến cho không ít mẹ bỉm cảm thấy stress.
Cùng lắng nghe một chút tâm sự của chị Thu Ngân (hiện đang sống tại thành phố Toulouse, Pháp) chia sẻ về hành trình làm mẹ ở nước ngoài. Chị Ngân hiện đang là giáo viên trẻ nhỏ 0-6 tuổi ở Pháp, đồng thời là Cố vấn Giáo dục cảm xúc của một blog về nuôi dạy con cái. Hiện chị là mẹ của 2 em bé Beo (6 tuổi) và Bon (3 tuổi).
Cốt lõi gia đình, giáo dục trẻ và tình người thì ở nơi đâu cũng vậy
Ở Pháp tròn 10 năm, chị Thu Ngân đã hoàn toàn quen với cuộc sống nơi đây. Với bà mẹ 2 con, Pháp nếu nói một cách ngắn gọn thì là ''môi trường sống hoàn toàn khác biệt'' so với cuộc sống ở Việt Nam: Văn hóa, ngôn ngữ, tư duy, cách sống, cách làm việc,... đều khác cả. Tuy nhiên điều không khác chính là những giá trị cốt lõi về gia đình, giáo dục trẻ và tình người thì ở nơi đâu cũng như vậy.
Nhiều người lo ngại rằng các bé người Việt sống ở nước ngoài lâu ngày sẽ quên đi ngôn ngữ quê hương nhưng với gia đình chị Ngân thì không như vậy. ''Hai bé nhà mình sử dụng nhuần nhuyễn hai ngôn ngữ Pháp, Việt và có biết 1 chút tiếng Anh. Ở nhà mình, cả nhà nói chuyện với nhau 100% bằng tiếng Việt nên môi trường cũng như ở Việt Nam thôi. Cho đến hiện tại thì mình chưa thấy có bất kì vấn đề gì.
Chị Ngân và 2 con gái của mình.
Ngoài việc nghe và nói tốt, con gái lớn của mình đã biết đánh vần và đọc được 1 số từ đơn giản bằng tiếng Việt, hai mẹ con cũng hay viết tiếng Việt để chú thích trong các bức tranh hoặc postcard của con. Bé em thì học theo chị nên cũng bập bõm biết khá nhiều âm và đánh vần được các từ có vần đơn trong tiếng Việt'', bà mẹ trẻ tâm sự.
Dịch Covid-19 ập đến khiến gia đình bà mẹ trẻ chưa có cơ hội về Việt Nam thăm người thân, tuy nhiên từ trước đến nay, tuần nào cũng vậy, chị Ngân và các thành viên trong nhà đều đặn gọi về cho ông bà nội ngoại ít nhất 1 lần. Hai cô bé Beo và Bon cũng rất thích trò chuyện với ông bà, kể chuyện và khoe ông bà những bức tranh hoặc các trò chơi vừa nghĩ ra.
Các em bé được trải nghiệm thiên nhiên.
''Nhà mình cách 2-3 năm lại về Việt Nam một lần nên bé lớn đã được về 2 lần và bé nhỏ được về 1 lần. Hai đứa thích về Việt Nam lắm, thường có trò chơi yêu thích là giả làm bố mẹ đưa các em búp bê lên máy bay về Việt Nam. Mình cũng in ảnh về Việt Nam thành 1 album riêng để các con có thể mang ra xem ôn lại kỉ niệm bất kì khi nào thích'', chị Ngân tâm sự.
Bố mẹ cần tự chủ, tự lập trên hành trình dạy con: Nuôi con tự lập, Mẹ nhàn - Con an
Dạy con là một hành trình vô cùng khó khăn, và với bà mẹ 2 con, mọi phương pháp dạy các bé đều phụ thuộc nhiều vào tính cách của từng bạn: ''Hai bé nhà mình giống các bạn nhỏ khác, hồn nhiên, yêu đời, dễ khóc dễ cười, thích nghịch ngợm, khám phá. Bé lớn thì cần nhiều thời gian quan sát khi gặp người lạ và cần nhiều thời gian suy nghĩ trước khi thử cái mới. Bé nhỏ thì đang bước vào thời kì nhạy cảm về cảm xúc, dễ bị khó chịu buồn bực hay hét lớn và khóc.
Hai bé yêu trường yêu lớp, thích chơi với bạn bè ở trường và cũng hay được bạn bè mời đến nhà chơi. Mình cũng hay mời bạn bè của con đến nhà trong các kì nghỉ. Nói chung hai bạn nhà mình đi học rất suôn sẻ và hòa nhập môi trường khá nhanh nên cũng không có vấn đề gì''.
Với quan điểm ''Không ở đâu bằng ở nhà'' nên hai vợ chồng chị Ngân sớm hay muộn cũng sẽ trở về Việt Nam. Dẫu vậy trước giờ bà mẹ trẻ chưa từng so sánh hay lo nghĩ quá nhiều về sự khác biệt của cuộc sống gia đình giữa hai đất nước.
Hai em bé nhà chị Ngân rất tự lập và hào hứng khi tham gia giúp đỡ mẹ các công việc trong gia đình.
''Mình chưa từng nghĩ về ưu hay khuyết điểm khi hai vợ chồng ở nước ngoài. Mình chỉ nghĩ là ở đâu thì hòa nhập với nơi đó, sống thật vui vẻ. Mình chưa từng trải qua cuộc sống có gia đình ở Việt Nam thì làm sao so sánh được nên mình không nghĩ gì cả. Bên cạnh đó dù ở Việt Nam hay ở nước ngoài thì những giá trị cơ bản của đời sống gia đình cũng không thay đổi.
Vợ chồng mình cho rằng nuôi dạy các con nên là công việc của bố mẹ và bố mẹ phải tự chủ, tự lập trên hành trình đó. Việc xây dựng gia đình và tổ ấm giá trị ở những phút giây hiện tại và hạnh phúc cả gia đình trải qua cùng nhau, cũng như mỗi thành viên đều cần đóng góp xây dựng. Dù ở Việt Nam hay ở Pháp hay trong bất kì môi trường nào thì cả gia đình mình vẫn luôn theo đuổi những giá trị đó'', chị Ngân tâm sự.
Con gái chị Ngân đọc sách chăm chỉ.
Không bao giờ mong chờ ông bà hay bất kì ai sẽ trợ giúp gì trong việc chăm sóc các con
Chăm con ở nước ngoài không đơn giản, cũng là một người mẹ, chị Ngân gửi gắm một số tâm sự tới các bà mẹ giống như mình: ''Mình thường viết là Nuôi con tự lập, Mẹ nhàn - Con an. Tự lập ở đây không chỉ là hỗ trợ các con biết tự lập trong cuộc sống hằng ngày mà chính là bản thân mình và chồng phải biết tự lập trong hành trình nuôi dạy các con. Chính vì vậy mình thấy việc "không có người thân trợ giúp" thực sự không ảnh hưởng gì đến quá trình nuôi dạy các con của hai vợ chồng.
Với mình thì ông bà nội ngoại đều đã dành cả đời nuôi con ăn học, đã đến lúc ông bà được sống thật vui và làm những điều mình thích. Nếu ông bà ở bên các cháu thì chính là để cùng nhau trải qua những kỉ niệm thật đẹp, vui chơi thật nhiều. Mình không bao giờ mong chờ ông bà hay bất kì ai sẽ trợ giúp gì trong việc chăm sóc các con.
Các bé được bố mẹ đưa đi trải nghiệm ở nhiều nơi.
Mình cũng có một khoảng thời gian khá stress và mệt mỏi do khủng hoảng trong công việc và do vợ chồng không hiểu nhau. Mình dành nhiều thời gian tự tìm hiểu về chính bản thân và cũng may mắn trong khoảng thời gian đó biết đến Giáo dục cảm xúc, nên cuối cùng đã suôn sẻ vượt qua được. Bây giờ thì mình coi việc viết và chia sẻ các kinh nghiệm của bản thân là cách để cân bằng và xả stress mỗi khi căng thẳng.
Việc viết lách cho phép mình giải tỏa suy nghĩ, tự nhìn nhận và cân bằng lại bản thân rất nhiều. Mình không nghĩ tới sẽ đưa ra lời khuyên cho ai vì mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, chỉ có ở trong hoàn cảnh đó, môi trường đó, mảnh đời đó mới biết cần phải làm gì và làm như thế nào. Mình chỉ chia sẻ với các bố mẹ về những kinh nghiệm và giá trị của bản thân mà thôi. Biết đâu những gì mình trải nghiệm sẽ có thể giúp cho một ai khác.
Những thước ảnh đáng yêu trong tuổi thơ của em bé.
Chính mình tự thấy bản thân không phải là một người mẹ đảm và cũng không làm nổi một người mẹ đảm nên mình làm ''mẹ lười''. Ví dụ như mình tạo điều kiện cho các con tự lập hết mức có thể, muốn tự làm gì là cho làm cái đó rồi hướng dẫn dần dần để con làm đúng, vậy là sau đó con tự làm mẹ được nhàn.
Mình cũng khá lười trong công việc nhà, cơm nấu một lần ăn hai ba bữa. Bát đũa thì dọn gọn rồi cho máy rửa bát 1 lần. Nhà cửa cũng mua robot về hút bụi. Thậm chí trong nhà mình cũng quẳng hết đồ đi mà vui sống, chỉ để lại những thứ thực sự cần thiết để bớt phải lau chùi, dọn dẹp. Mình cũng áp dụng giáo dục cảm xúc và sống chậm lại để giảm bớt các sự vụ cãi nhau căng thẳng giữa cha mẹ, con cái. Nhờ có tiết kiệm thời gian mỗi nơi một tí như vậy, cộng thêm một chút sắp xếp công việc hợp lý, mình cảm giác bản thân làm mẹ cũng ''nhàn''.
Cuộc sống ở bên Pháp của gia đình chị Ngân có lúc khó khăn nhưng luôn hạnh phúc.
Vậy đó, nếu ai đó cảm thấy mình làm mẹ quá tải, có quá nhiều thứ phải lo lắng gồng mình, thì hãy ''lười'' đi, sống chậm lại, bớt vội vã, có lẽ bạn sẽ đỡ stress và có được thời gian cân bằng lại chính mình. Chúng ta không thể trao đi điều mà mình không có. Chỉ khi bạn hạnh phúc bạn mới có thể trao cho tổ ấm và các con của mình niềm hạnh phúc.
Hiện tại, mình và hai bạn giáo viên mầm non tại Úc đang thực hiện một chuỗi Workshop - Thời gian chất lượng bên con - chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ con chơi tự lập để mẹ có thời gian làm việc nhà và cách chơi với con thật chất lượng để con luôn được đầy đủ yêu thương và dỡ bám dính mẹ'', bà mẹ 2 con tâm sự.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC