Bài viết dưới đây là chia sẻ của Ngọc Ánh, 23 tuổi, quê ở Phú Thọ, sang Mỹ với hình thức Au Pair được 8 tháng. Trước khi đi cô là giáo viên dạy trẻ tại Hà Nội. Ánh đang sống không lỡ một phút giây để tranh thủ khoảng thời gian một năm được ở Mỹ.
Tôi hiện là Au Pair ở Mỹ. Đây là chương trình giao lưu Văn hóa Quốc tế đã có lịch sử gần 60 năm trên thế giới. Tôi ở cùng một gia đình người Mỹ và giúp họ trông con, đổi lại sẽ nhận một số quyền lợi như trải nghiệm cuộc sống Mỹ, ăn uống, tiền học part-time, tiêu vặt… Chuyến đi của tôi khoảng một năm, nhưng tôi dự định sẽ ở lại thêm một năm nữa để học hỏi thêm.
Từ khi còn là sinh viên Đại học Hà Nội, ngành ngôn ngữ Anh, tôi luôn có khao khát được ra nước ngoài khám phá và trải nghiệm. Tình cờ biết đến chương trình Au Pair năm 2015, đọc qua các điều kiện, chi phí, quyền lợi, tôi như vỡ oà vì đã tìm ra cơ hội cho mình. Tôi háo hức làm hồ sơ từ năm 2015 nhưng tận 6/2018 mới sang được Mỹ.
Tôi bay qua New York, được gia đình nhận nuôi cho tham gia đào tạo Au Pair 3 ngày trước khi về nhà họ ở bang Ohio. Đang ở quê nhà Phú Thọ, giờ đặt chân đến một trong những thành phố hoành tráng nhất thế giới khiến tôi choáng ngợp.
Gia đình nuôi tôi có 2 bạn nhỏ, bạn lớn 9 tuổi đi học cả ngày, nên tôi chủ yếu chỉ trông em nhỏ 2 tuổi. Công việc chính là cho em ăn, ngủ, đưa em đi chơi… trong khoảng thời gian từ 7h sáng đến 4h chiều.
Sau thời gian này tôi được đi học các lớp buổi tối. Ngày cuối tuần đi học bơi, lái xe… và hoàn toàn do host (chủ) chi trả. Một trong những yêu cầu của chương trình là Au Pair phải được đi học tối thiểu 6 tín (khoảng 80 giờ) ở một trường đại học, cao đẳng gần nhà, host sẽ trả 500 đôla/năm cho việc đi học. Tôi đã chọn một lớp học Tiếng Anh miễn phí cho sinh viên quốc tế nên chưa dùng đến số tiền host cho. Vì thế thời gian này sẽ đăng ký một lớp Yoga để dùng tối đa quyền lợi của mình.
Hai ngày cuối tuần rảnh rỗi tôi thường ở nhà thư giãn, làm đẹp, thi thoảng lượn lờ trung tâm thương mại hoặc gặp bạn. Thời gian đầu tôi hay giao lưu các bạn Au Pair khác trong khu vực, tuy nhiên sau đó các bạn về nước, hoặc phải chuyển đi chủ khác thì ngày càng ít bạn nói chuyện hơn. Tôi cố gắng kết bạn khi học thêm buổi tối, nhưng thật sự người Mỹ có một sự “thân thiện rất khó hiểu”. Họ niềm nở và dễ làm quen lắm nhưng để thân thiết thì không hề dễ.
Lúc mới sang tôi chưa có bằng lái xe, muốn đi đâu cũng nhờ ông chủ nhà. Kể cả đi học, mỗi tuần 2 buổi tối, ông đều đưa tôi đi và đón tôi về. Một hôm, vì quá mệt sau giờ trông trẻ mà tôi ngủ quên, khiến ông phải đợi 15 phút. Thế là cả đường đi ông càm ràm một tràng dài. “Nên nhớ đây là ở Mỹ, cháu phải đúng giờ. Nhà chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất để cháu được vui vẻ ở đây, nhưng tôi không phải bố cháu, cháu cũng không phải con gái tôi. Mối quan hệ giữa chúng ta là chủ và người làm thuê. Tôi không thể bỏ thời gian ra chờ đợi đưa đón mãi được…”
Những lời của ông không sai nhưng lúc đó tôi vẫn hụt hẫng. Cả tối hôm đó tôi buồn và khóc. Thâm tâm tôi coi họ như một gia đình nuôi thật sự nhưng thực tế không phải vậy. Họ đối xử với tôi tốt thật đấy nhưng “host family” ở đây không hẳn là gia đình nuôi rồi mình sẽ gọi họ là bố, là mẹ như kiểu nhận con nuôi ở Việt Nam. Đơn giản chỉ là sự trao đổi hai bên cùng có lợi. Giờ thì tôi đã nhận ra chân lý đó và suy nghĩ thoải mái hơn rất nhiều.
Ánh thường xuyên đi du lịch cùng gia đình ‘host family’. Ảnh: NVCC.
Đồ ăn Mỹ không quen, thời gian đầu tôi bị đau bụng và sụt cân liên tục. Nỗi nhớ gia đình cũng cồn cào ruột gan mỗi khi chiều về. Được cái bà chủ rất tâm lý. Bà thường mua cho tôi nhiều món ăn Việt Nam. Dịp tôi thi bằng lái đậu, gia đình còn mở tiệc ở nhà hàng Việt để chúc mừng.
Giáng sinh vừa qua, mọi người quây quần tại nhà host. Dù tôi chỉ là Au Pair nhưng tất cả thành viên khác như ông bà nội ngoại, cô dì chú bác đều tặng quà cho tôi. Host tặng tôi nào máy làm tóc xoăn, bộ sơn móc, một chiếc áo thu đông và đặc biệt còn cho một phong bì 200 đô với lời nhắn rất đáng yêu: “Hope this help you get your computer soon”, vì họ biết tôi đang tích cóp mua một chiếc máy tính.
Mỹ đang trải qua những ngày lạnh kỷ lục, có hôm xuống -20 độ C. Cái lạnh khiến tôi hầu như sáng nào dậy cũng có cục máu đông cứng trong mũi, hai bàn tay đỏ ran, nứt nẻ. Nếu như trước đây, ở Hà Nội 10 độ là tôi thấy lạnh chẳng dám ra đường. Nhưng giờ tôi vẫn lao ra ngoài nghịch tuyết, trong tâm thế sẵn sàng đối mặt với những khắc nghiệt thời tiết cũng như những nỗi niềm tinh thần.
Au Pair cũng cho tôi cơ hội mở rộng kết nối và gặp gỡ bạn bè bốn phương, tôn trọng sự đa dạng văn hoá của mọi cá nhân/ vùng miền khác nhau. Trước đây ở Việt Nam, tôi hay các bạn sẽ thấy ngạc nhiên, thậm chí còn xì xào khi gặp một người béo phì tới mức không thể đi bộ một cách vững chân, hay khi gặp những người da đen với đủ kiểu tóc dị nhất trên đời… thì ở đây mọi người đều bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau. Mình không bao giờ có quyền và cũng không có lý do gì để đi bình phẩm ngoại hình, lối sống của người khác, kể cả là anh em trong nhà.
Ngọc Ánh ngày đầu đến Mỹ tháng 6/2018. Ảnh: NVCC.
Mọi người nói “Cảm ơn” hoặc “Xin lỗi” rất nhiều. Cách ông bà chủ nói chuyện, cách họ giao tiếp với những đứa con, cho tôi thấy họ rất thoải mái mở lòng nói với nhau những lời yêu thương, dành cho nhau lời khen và khích lệ. Tôi đã bắt đầu nói lời yêu thương nhiều hơn, quan tâm mọi người xung quanh ở mức vừa đủ chứ không soi mói quá sâu về đời tư cá nhân. Đây là một trong những lối sống quý giá mà tôi học được ở đây và đang dần thay đổi để tốt lên.
Mỹ không có khái niệm về lịch âm, song từ vài tuần trước ông bà chủ đã hỏi Tết sẽ vào ngày nào. Cả nhà đã lên lịch mùng 3 Tết sẽ đi nghỉ dưỡng ở một resort để tôi bớt nỗi nhớ nhà.
Xác định đi là sẽ có khó khăn, vất vả, tôi biết mình đã cố gắng thế nào, hạnh phúc ra sao khi đạt được mục tiêu của mình nên dù nhiều lúc có nhớ nhà cũng không cho phép bản thân được nản chí. Đời người tuổi trẻ có một lần, tôi đang trong hành trình chạy nước rút để khoảng thời gian đó học hỏi được nhiều nhất.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC