Một nữ lao động cùng nơi làm với tác giả Nghiêm Hương
Tác giả Nghiêm Hương hiện sống ở TP Hồ Chí Minh
Tác giả - một nữ lao động Việt Nam xuất khẩu bằng con đường hợp pháp - chỉ có thể trụ lại được đúng 285 đêm, thay vì hai năm theo hợp đồng lao động, trước khi "bỏ của chạy lấy người".
Hiểm họa luôn rình rập
Sốc vì hôn nhân tan vỡ, Hương quyết định đi xuất lao động. Chị chọn Ả Rập Saudi đơn giản vì không phải đóng tiền thế thân như các nước phát triển khác.
"Miễn phí mà, mọi cái chủ bên đó lo hết. Họ bỏ tiền ra mua vé máy bay, lo visa... Công ty bên này cũng không phải lo gì luôn," Hương kể.
Với bằng cấp của mình, Hương đăng ký làm đầu bếp nhưng thực tế, chị phải làm tất cả những gì chủ muốn.
Hương chưa nghe nói đến trường hợp lao động Việt thiệt mạng tại Ả Rập Saudi.
Nhưng bản thân chị đã suýt bị cưỡng hiếp chỉ sau hơn nửa tháng tới đây. Việc cưỡng hiếp của người chủ thứ nhất không thành là nhờ chị mặc quá nhiều quần áo để chống lạnh và "cái khóa quần bò bị mắc vào quần len bên trong"- chị phỏng đoán.
Các nữ lao động nước ngoài ở Ả Rập Saudi
Từ đó trở đi, Hương luôn dùng kim băng ghim quần vào áo len để phòng xa.
Hương cũng bị bà chủ thứ hai rắp tâm nhốt và bỏ đói, chỉ vì chị dám đòi ông chủ số tiền lương lâu không được trả. Luật đạo Hồi không cho phép phụ nữ nói chuyện với đàn ông lạ.
"Bà ấy nhốt tôi vào căn phòng ở tầng trệt. Tôi phải cuộn những cái thảm vào để đi vệ sinh. Cảnh sát đi tuần cách một bức tường, tôi nghe thấy và tôi đập cửa, gào lên. Họ vòng ra đằng trước, bấm chuông, nhưng không ai mở, lại thôi. Nếu chồng bà ấy không về bất thình lình thì tôi cũng lả đi vì đói khát," Hương kể.
Suốt tháng chay Ramadan, Hương và nhiều người làm khác phải phục vụ liên tục trên 21 giờ mỗi ngày. Chị phải lén trải khăn xuống sàn bếp để chợp mắt 15 phút rồi dậy nấu nướng tiếp.
Theo Hương, không có chuyện công ty đưa người sang Ả Rập Saudi lao động có thể đưa ra một quy ước về hành xử giữa chủ và người làm, mà chỉ có sự tuân phục một chiều từ phía người lao động.
"Nói chung, giới chủ bên đó cũng bị lúng túng trong cư xử với mình," chị nói.
Quang cảnh ở Ả Rập Saudi nơi tác giả làm việc
"Thấy mình nhiệt tình, phục vụ đến nơi đến chốn, họ cũng muốn bày tỏ tình cảm. Nhưng do luật đạo Hồi, họ không thể hiện ra. Họ tự cho họ ở một địa vị không cho phép mình đồng đẳng với họ. Họ dùng bạo lực với mình không hẳn vì ghét, mà do thói quen trong đối xử. Còn nếu họ tức giận thực sự thì không biết chuyện gì xảy ra…"
Hương cũng gặp một gia đình cư xử với chị rất tử tế, nhưng họ lại không đủ tiền để thuê chị. Để tránh bị ngược đãi, một số người lao động đã đồng ý theo đạo Hồi và sẽ bỏ đạo khi hồi hương, theo lời Hương.
"Đánh bẫy" người lao động
Sau khi được thưởng thức món Việt, nhà chủ thứ ba đâm mê và Hương được cất nhắc lên vị trí nấu chính. Nhưng không vì thế mà chị được nương tay.
Một lần, chỉ vì xếp các kệ đựng gia vị của bà chủ trên xe đẩy không đúng vị trí, Hương bị chủ nhà hắt cả lọ tiêu bột mới xay vào mặt.
Không kiềm chế được, Hương xô bà ta ngã khỏi ghế. Đó là lần phản kháng duy nhất của chị.
Tuy nhiên, hành động này có vai trò khá quan trọng để Shaira - chị giúp việc người Philippines làm cùng Hương - dựng lên một "màn kịch," giúp Hương "thôi việc" thành công.
Việc Hương phải tự trốn về nước cũng do Đại sứ quán và công ty xuất khẩu lao động không giúp gì được cho chị.
Tác giả Nghiêm Hương hiện sống ở TP Hồ Chí Minh
Những người bị chủ đánh đập khi thoát ra đều được đại lý khuyên hòa giải với chủ cũ.
Cũng có trường hợp chủ cũ sẽ bán người giúp việc của mình cho chủ mới với giá cao gấp 3-4 lần số tiền họ đã mua lao động từ đại lý.
Người lao động về tay chủ mới do đó sẽ càng bị bóc lột thậm tệ hơn cho đáng với đồng tiền họ đã bỏ ra.
Chỉ khi nào chủ đồng ý, người giúp việc mới được hồi hương- đó là điều khoản trong hợp đồng lao động mà Hương chỉ được biết khi đã ở Ả Rập Saudi. "Điều khoản này rất bất lợi cho người lao động. Họ bỏ một số tiền lớn lắm để mua mình thì đời nào họ chịu cho mình về trước thời hạn," chị phân tích.
Theo Hương, chỉ đến trước khi ra sân bay để rời Việt Nam khoảng 30 phút, người lao động mới được đại lý xuất khẩu lao động gọi vào xem bản hợp đồng bằng tiếng Việt, Anh và Ả Rập. Mọi người chỉ kịp liếc qua nội dung, lăn tay và ký luôn, nếu không muốn lỡ chuyến bay.
Ả Rập Saudi qua con mắt tác giả Nghiêm Hương
"Đó là một kiểu 'đánh bẫy,' nhưng cũng không thể nói là họ lừa mình được, vì mình có quyền được lựa chọn và đã chọn con đường ra đi. Nếu họ lừa thì đã không được cấp phép hoạt động như thế. Đến giờ họ vẫn tồn tại đấy. Có ai làm gì được đâu," chị nói.
Lúc mới về nước, sau khi đến trụ sở công ty này tại TP. HCM đòi lương không được, sau đó, Hương không còn liên lạc gì với họ nữa.
Nhưng chuyện với Hương không dừng ở đó, bởi chị còn phải một mình tự vượt qua những hậu quả tâm lý sau chuyến ly hương. Cách duy nhất là làm việc.
"Tôi làm như điên và hiện tại vẫn như thế," Hương kể.
"Mình vượt qua rồi, nhưng một số ám ảnh vẫn còn nguyên đấy. Ví dụ đi qua Thủ Đức, gặp những kiến trúc giống như bên kia, lập tức tôi cảm thấy bị lấn cấn, khó chịu.
"Thỉnh thoảng và mới đây thôi, tôi lại mơ thấy bà mama (người chủ thứ ba của Hương tại Ả Rập Saudi - NV) mặc áo choàng đuổi mình, mình chạy. Nhưng khi tỉnh dậy, tôi bình thường lại ngay. Hồi mới về thì sợ kinh khủng…," Hương tâm sự.
Viết như một cách giải tỏa bản thân
Hơn hai năm sau khi về nước, Nghiêm Hương mới đủ bình tĩnh để kể lại những gì đã trải qua tại Ả Rập Saudi với… máy ghi âm, như một cách giải tỏa bản thân.
Nhân một người họ hàng làm báo hỏi thăm về chuyến đi, chị gửi ghi âm. Và việc viết sách được kích hoạt.
Cuốn sách được Nghiêm Hương viết trong gần tám tháng vào ban đêm, sau ngày làm việc tại một trung tâm Anh ngữ ở Sài Gòn. Khi sách xuất bản, mẹ Hương mới biết con gái mình đã trải qua những gì.
Hương khẳng định, chị đã không còn thấy hận những người chủ đã hành hạ mình. "Nếu còn thù hận, tôi sẽ không thể nào kể lại một cách khách quan được," chị nói.
Điều thú vị là song song với công việc hiện có, Hương đang có thêm những dự định mới với văn chương.
Đồng thời, đầu tháng 12/2019 vừa qua, Nghiêm Thị Hương được vinh danh là một trong 5 Hiệp sĩ Công lý vì những đóng góp tích cực trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em năm 2018-2019, tại Hội nghị quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 4, diễn ra ở Hà Nội.
Đây là sáng kiến của Mạng lưới ngăn ngừa và ứng phó bạo lực giới tại Việt Nam (GBVNet), bao gồm 17 tổ chức xã hội.
TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS), Trưởng Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam:
"Một đại lý dù tốt đến đâu cũng không có những thông tin chi tiết cụ thể để cung cấp cho người lao động. Tại vì những người lao động trở về đâu có kể lại những chi tiết đấy. Chỉ có chị Hương rất dũng cảm đã kể lại câu chuyện của mình rất chi tiết trong sách thì mọi người nắm được.
Qua những nghiên cứu của chúng tôi trong mười mấy năm về vấn đề lao động di cư, những người lao động được trở về cũng nói đến những khó khăn, trở ngại, thách thức, nhưng ít khi nói lên những chi tiết cụ thể như vậy. Cho nên những người sắp đi không biết, những đại lý cũng không nắm được tường tận những nguy cơ rủi ro mà người lao động phải đối mặt ở nước ngoài."
Đường phố Ả Rập Saudi qua ống kính tác giả Nghiêm Hương
Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, nguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý Lao động ngoài nước, hiện có trên 40 nước nhận lao động Việt Nam. Trong số lao động Việt Nam xuất khẩu, có gần 35% là phụ nữ.
Ông Tân cho rằng, những vấn đề mà Nghiêm Thị Hương gặp phải không phổ biến và tập trung chủ yếu trong mảng lao động giúp việc tại Đài Loan và Ả Rập Saudi. Ông cho biết, từ 2007 đến tháng 11/2019, Việt Nam đưa sang Ả Rập Saudi 3,6 vạn lao động. Số người Việt sang nước này lao động giảm dần trong hai năm gần đây. Hiện có khoảng 1.100 người Việt lao động tại Ả Rập Saudi.
Trong 2 vạn người Việt đang lao động xuất khẩu, có khoảng 30% làm giúp việc gia đình. Nhưng riêng năm 2019, có khoảng 80% lao động Việt Nam đi xuất khẩu để làm công việc này.
Bài viết thể hiện văn phong của cây bút Nguyễn Mạnh Hà, hiện đang sống ở Hà Nội.
Nguồn: Nguyễn Mạnh Hà/ BBC
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC