Gần 30 năm trước, khu ngoại ô Cabramatta, phía tây thành phố Sydney là một ổ ma túy khét tiếng với các khu chợ ngoài trời công khai buôn bán heroin, những cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các băng nhóm xã hội đen, theo New York Times.
“Thề có Chúa, lúc đó khu Cabramatta như vùng chiến sự”, sĩ quan cảnh sát Scott Cook, hiện là chỉ huy của đội chống tội phạm có tổ chức của bang New South Wales, nhớ lại cuối những năm 1980 của thế kỷ trước.
Trước khi người di cư gốc Việt đến đây, đa số dân Cabramatta là người bản địa thuộc tầng lớp lao động và người nhập cư từ châu Âu. Giáo sư xã hội học Andrew Jakubowicz giảng dạy tại trường đại học Công nghệ Sydney cho biết trong những năm 1970, lính Mỹ tuồn heroin tới Sydney từ các nước Đông Nam Á. Vốn là địa bàn hoạt động của các băng nhóm tội phạm Italy, Cabramatta nhanh chóng biến thành trung tâm phân phối ma túy cho cả thành phố.
Thời kỳ này, nhiều thanh thiếu niên Việt Nam cơ nhỡ nhập cư vào Australia. Số khác có gia đình nhưng thường xuyên không được chăm lo vì cha mẹ còn bận kiếm sống. Bị cô lập cả về kinh tế lẫn văn hóa, một số tụ tập thành băng đảng, dính líu vào buôn bán ma túy và các hoạt động phạm pháp khác.
“Cái cảm giác được coi là một phần của một nhóm yêu thương lẫn nhau thật hấp dẫn”, mục sư Tony Hoang, 35 tuổi, nhớ lại những năm tháng vị thành niên nổi loạn, lặn ngụp trong cảm giác bất an, sự giận dữ và nhu cầu được “thuộc về”.
Bà Hue Kim, tiểu thương bán các loại lá gia vị tại phiên chợ cuối tuần, kể rằng 37 năm trước đây, bà đặt chân đến Australia lúc bụng mang dạ chửa. Ngay sau khi sinh con, bà tham gia một khóa học tiếng Anh. Giáo viên để ý thấy trên ngực áo bà có vết sữa nên bảo bà đợi con cứng cáp hơn rồi hẵng đi học tiếp. “Thế là tôi không bao giờ quay trở lại đó nữa”, người phụ nữ 75 tuổi nói bằng tiếng Việt.
Theo khảo sát dân số năm 2016, người nhập cư gốc Việt vẫn chiếm đa số ở Cabramatta, chiếm tới 33% tổng dân số 22.000 người, kế đó là người Trung Quốc chiếm 24% và Campuchia 8%.
Tuy nhiên, giờ đây, Cabramatta đã hoàn toàn thay đổi. Ngoài nỗ lực trấn áp tội phạm của chính quyền và cảnh sát địa phương, sự xuất hiện của cộng đồng người nhập cư gốc Việt đã giúp ổ ma túy khét tiếng một thời “lột xác” thành một trong những khu ẩm thực có tiếng ở thành phố Sydney.
Ngày nay, con em của thế hệ người Việt Nam đầu tiên di cư tới Australia đang được hưởng thành quả của những năm tháng lao động miệt mài của cha mẹ đồng thời cố gắng tạo ra bản sắc của riêng mình.
Trên con phố chính John Street, hoạt động kinh doanh buôn bán diễn ra nhộn nhịp. Các dãy cửa hàng, đa số thuộc sở hữu của người Việt, mọc lên san sát. Một quán trà sữa treo biển hiệu màu vàng tươi nằm cạnh cửa hàng kinh doanh điện thoại di động, sát nách là một tiệm burger trang trí hiện đại, liền kề đó là một dãy quầy bán nước mía. Chưa kể khu chợ bán vải và những siêu thị chuyên thực phẩm Việt Nam.
“Khu Cabramatta luôn là một nơi tốt với tôi”, Quynh Nguyen, chủ cửa hàng bán trà sữa 33 tuổi, cho biết. “Ở đây, tôi có cảm giác như ở nhà”. Quynh, vốn sinh ra ở thành phố Hồ Chí Minh, chuyển đến sống ở Sydney khi còn thiếu nữ.
Theo thống kê, người da trắng bản địa chiếm chưa tới 10% dân số khu Cabramatta. Tuy nhiên, không cần đến số liệu, người ta vẫn có thể nhận thấy điều đó qua những quán cà-phê được thiết kế với những nét đặc trưng của văn hóa phương Đông hoặc qua không khí náo nhiệt của những khu chợ của người Á.
Corey Nguyen và Jenny Ngo, đồng sở hữu quán cà phê Usual, cho biết họ có tham vọng biến khu Cabramatta, hiện tập trung rất nhiều quán bán cà-phê Việt Nam truyền thống, trở thành một nơi trải nghiệm văn hóa cà-phê được nâng lên tầm nghệ thuật.
“Các quán cà-phê ở chưa bao giờ cạnh tranh với nhau”, Corey Nguyen, 28 tuổi, nói. “Họ mở quán của họ. Chúng tôi có quán của chúng tôi. Tôi cũng mong họ làm ăn tốt”.
Ở một góc phố yên tĩnh trên đường John Street, khách hàng xếp hàng dài bên ngoài nhà hàng Pho Tau Bay. Bên trong, ông chủ Chi Giang, 36 tuổi, đeo kính trắng, phong thái điềm đạm, luôn chân luôn tay ở quầy thu ngân trong khi nhân viên cũng làm việc như con thoi, bưng qua bưng lại những bát phở bốc khói nghi ngút.
Sinh ra trong một trại tị nạn ở Indonesia, Giang cho biết anh tiếp quản nhà hàng này từ mẹ. Mẹ anh bắt đầu kinh doanh ẩm thực từ chính căn bếp của gia đình vào năm 1980. Với công thức nấu phở bò gia truyền, nhà hàng của anh Giang luôn được giới phê bình ẩm thực đánh giá là một trong những nhà hàng Việt Nam ngon nhất ở Sydney. Tiệm phở đã và đang nuôi sống cả gia đình anh Giang.
“Nhiều khách hàng của tôi lần đầu tiên đến nhà hàng vẫn còn là những đứa trẻ nằm nôi. Năm tháng trôi đi, chúng dần cao hơn tôi và giờ chúng vẫn đến đây ăn phở”, anh Giang vừa nói vừa chỉ về hướng một gia đình trẻ.
Nguồn: vnexpress
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC