Chính phủ Sri Lanka ngày 12/4 tuyên bố vỡ nợ, trong bối cảnh nền kinh tế của nước này gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và chính sách vay nước ngoài trong thời gian dài. Khủng hoảng kinh tế khiến người dân địa phương gặp nhiều khó khăn vì lạm phát leo thang, thiếu nhiên liệu trầm trọng.
Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng tới cộng đồng người Việt tại Sri Lanka. “Việc kinh doanh những ngày này gặp nhiều khó khăn khi nguyên vật liệu tăng giá và ngày càng khan hiếm, điện ở nhà hàng bị cắt ít nhất 8 tiếng mỗi ngày”, chị Phùng Huyền Nga, chủ nhà hàng Pho Vietnam tại thủ đô Colombo, nói với VnExpress.
Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Hồ Thị Thanh Trúc cho biết cộng đồng người Việt tại quốc đảo tương đối nhỏ, gồm khoảng 80 tăng ni Phật tử đang theo học Phật pháp, 150 công nhân cùng khoảng 30 phụ nữ Việt lập gia đình ở đây.
Sri Lanka, đảo quốc ở Ấn Độ Dương, đang vật lộn với cuộc suy thoái tồi tệ nhất từ khi giành được độc lập, khi chính phủ không còn ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng cần thiết. Tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và mất điện diện rộng trong thời gian dài đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình chống chính phủ.
Sri Lanka từ lâu đã ký nhiều thỏa thuận vay của nước ngoài nhằm đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, chính sách quản lý tài chính yếu kém cùng tác động từ đại dịch Covid-19 với ngành du lịch, vốn mang lại nguồn thu lớn cho đất nước, đã khiến Sri Lanka ngập trong “núi nợ”, mất khả năng thanh toán với các nước và tổ chức quốc tế.
Trong tình cảnh khó khăn, cộng đồng Việt không chỉ đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau mà còn sẵn lòng san sẻ cho người dân nước bạn. “Người Việt nơi đây luôn đề cao tinh thần tương thân tương ái và nhường cơm sẻ áo”, Đại sứ Trúc nói.
Sư thầy Thanh An, nghiên cứu sinh tiến sĩ Phật giáo tại trường đại học Kelaniya, Colombo, cho biết nhận thấy tình cảnh thiếu thốn của người dân Sri Lanka ở các địa phương lân cận thủ đô, cộng đồng người Việt tại đây đã triển khai nhiều chương trình quyên góp, hỗ trợ.
“Người có nhiều giúp nhiều, người có ít giúp ít, chủ yếu là hỗ trợ thực phẩm”, sư thầy Thanh An chia sẻ. “Một số người tu tập tại thủ đô Colombo chú trọng hỗ trợ các em nhỏ, đặc biệt là giấy vở và bút”.
Ông cho biết khi nhận được các khoản hỗ trợ của cộng đồng người Việt, người dân địa phương đã “cảm ơn rối rít” vì sự giúp đỡ kịp thời này.
Tại khu vực cố đô Kandy, thầy Pháp Quang, trụ trì Thiền viện Trúc Lâm, cho biết dân bản địa chủ yếu thuộc dân tộc thiểu số Kamin. Họ gặp khó khăn về mọi mặt, với mức lương trung bình khoảng 70 USD/tháng tính cả tăng ca, không đủ tiền ăn và đi lại.
Sư thầy Pháp Quang (mặc áo cà sa) phân phát gạo và lương khô cho dân địa phương gặp khó khăn tại cố đô Kendy, Sri Lanka, ngày 13/4. Ảnh: Facebook/Truc Lam Monastery.
“Họ thường là những người đến cúng dường, ít khi nhờ chùa giúp đỡ”, thầy Pháp Quang cho biết. “Tuy nhiên, sau hai năm Covid-19 hoành hành, giờ họ đến xin từng lon gạo. Chùa đã vận động cộng đồng trong và ngoài nước tặng họ hơn 2.000 phần quà”.
Trong dịp Tết năm mới Aluth Avurudda truyền thống của người Sri Lanka diễn ra ngày 13-14/4, Thiền viện Trúc Lâm đã chuẩn bị hơn 100 phần quà, chủ yếu là nhu yếu phẩm như gạo, dầu, và dụng cụ học tập cho trẻ em, để hỗ trợ người dân địa phương.
Theo Đại sứ Trúc, cuộc sống của người Việt ở Sri Lanka dù chịu một số ảnh hưởng vẫn ổn hơn rất nhiều so với người dân địa phương. Vấn đề khó khăn nhất với cộng đồng người Việt chủ yếu liên quan đến thiếu điện, nhiên liệu, song đồng bào đều tìm cách khắc phục bằng cách sử dụng máy phát điện, đun củi hoặc năng lượng Mặt trời.
Chị Huyền Nga cho hay để đối phó tình trạng cắt điện thường xuyên, nhà hàng của chị đã sắm máy phát điện cũng như quạt, đèn tích điện. “Mọi người đều cố gắng khắc phục khó khăn trước mắt và hy vọng Sri Lanka thân yêu nhanh chóng vượt qua khủng hoảng”, chị nói.
Nguồn: Vnexpress
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC