Người Việt ở Pháp: Nước Pháp đang ‘bình thường mới‘ trong đại dịch Covid-19

Người Việt ở Pháp: Nước Pháp đang ‘bình thường mới‘ trong đại dịch Covid-19

Người Pháp có hơn một tháng làm quen với trạng thái 'bình thường mới'. Bình thường vì mọi hoạt động kinh tế xã hội gần như khôi phục như cũ nhưng mới là nhiều thói quen sinh hoạt không còn như trước nữa vì dịch Covid-19.

Dịch Covid-19 được coi tạm thời đã được kiểm soát nhưng mỗi ngày vẫn có tầm vài trăm đến hơn một ngàn ca lây nhiễm mới. Covid-19 khiến đời sống tại Pháp gần đây đã thay đổi.

Khẩu trang là phụ kiện thời trang

Sau thời gian có những người kỳ thị với người gốc Á về việc đeo khẩu trang, người Pháp nay đã tuân thủ nghiêm túc việc đeo khẩu trang tại tất cả những nơi công cộng như tàu điện ngầm, trung tâm mua sắm, điểm du lịch, bảo tàng, phòng gym... Cái giá của việc không tuân thủ ngoài 135 euro tiền phạt là sự từ chối phục vụ và ánh mắt dè bỉu của cộng đồng.

132 1 Nguoi Viet O Phap Nuoc Phap Dang Binh Thuong Moi Trong Dai Dich Covid 19

Người Pháp đeo khẩu trang nơi công cộng để phòng dịch

Tuy nhiên, là một đất nước tôn sùng cái đẹp, các hãng thời trang giờ đây đã xem khẩu trang như một phụ kiện quan trọng không kém những chiếc khăn choàng cổ tôn nét quý phái của chị em hay những cravat làm nên sự lịch lãm của cánh mày râu.

Khẩu trang thời trang phong phú về kiểu dáng và màu sắc nhanh chóng được tung ra thị trường mùa hè này. Về điểm này phải công nhận rằng khó ép người Pháp làm xấu bản thân họ. Tuy nhiên, việc đeo khẩu trang đã làm mất đi cơ hội để nhìn thấy những nụ hôn Pháp giữa lòng phố thị.

Sau nước hoa là dung dịch rửa tay

Nếu như vào đầu mùa dịch, dung dịch rửa tay là một món hàng khan hiếm đến mức bị liệt vào diện phân phối có quản lý và bán có giới hạn thì nay bạn có thể tìm thấy nó miễn phí nó khắp nơi ở Pháp, từ các trạm xe buýt cho đến từng lối vào siêu thị hoặc cửa hiệu thời trang.

Tại những nơi sử dụng những thiết bị chung như thư viện hoặc phòng tập thể hình, bạn luôn được nhắc nhở rửa tay sau mỗi lần đổi chỗ ngồi hoặc khi chuyển sang sử dụng thiết bị khác. Các hãng mỹ phẩm thì luôn có những dung dịch rửa tay kiêm dưỡng da của riêng mình.

132 2 Nguoi Viet O Phap Nuoc Phap Dang Binh Thuong Moi Trong Dai Dich Covid 19

Nước rửa tay được trang bị khắp nơi để người dân sử dụng phòng dịch

Nếu như ngày trước dạo các trung tâm mua sắm người ta có thói quen test các mẫu nước hoa mới thì nay có lẽ là lượn một vòng các thương hiệu như L’Occitane, The Body Shop, Sephora... để thử các loại dung dịch “dưỡng da” mới này.

Mua hàng sale vẫn được đối xử như mua hàng hiệu

Xếp hàng vốn là thói quen của người Pháp. Người Pháp xếp hàng mọi lúc mọi nơi nhưng việc xếp hàng mua sắm cũng chỉ xuất hiện ở một vài thương hiệu cao cấp để các thượng đế được nhân viên phục vụ chăm sóc chu đáo hơn.

Thế nhưng giờ đây, gần như tất cả các cửa hiệu đều như vậy. Mùa sale năm nay đang diễn ra, lượng khách tuy không nhiều như trước nhưng không khí mua sắm không hề kém náo nhiệt. Bởi lẽ, trước từng cửa hàng đều là những hàng dài khách xếp hàng chờ vào trong do giới hạn số lượng khách. Còn bên trong, có lẽ là lần đầu tiên người đi săn hàng đại giảm giá không bị áp lực giành mất món hàng ưa thích.

132 3 Nguoi Viet O Phap Nuoc Phap Dang Binh Thuong Moi Trong Dai Dich Covid 19

Mùa sale năm nay đang diễn ra náo nhiệt

Chính quyền cho phép... lấn chiếm vỉa hè

Những quán cà phê có chỗ ngồi dưới mái hiên vốn làm nên nét văn hóa độc đáo ở những đô thị trên toàn nước Pháp. Giờ đây không chỉ cà phê mà hầu như mọi hoạt động đều được mang ra ngoài trời nếu có thể: quán ăn, nhà hàng, triển lãm và thậm chí cả rạp chiếu phim.

Chính quyền cho phép các nhà hàng... lấn chiếm vỉa hè làm nơi mua bán. Ở các khu vực tập trung đông các nhà hàng, bạn khó thể tưởng tượng đó là nước Pháp từng nổi tiếng với không gian ẩm thực lãng mạn vì không khí ăn uống ngoài trời chẳng khác gì chợ đêm Bangkok hay phố đi bộ Hà Nội.

Biểu tượng mới: Chàng hoàng tử và chiếc scooter điện

Khi các phương tiện công cộng như tàu điện ngầm hay xe buýt tiềm ẩn nhiều mối e ngại lây nhiễm, cộng thêm sự khuyến khích của chính phủ bằng việc trợ giá lên đến 500 Euro, hiện nay các loại xe cá nhân (xe đạp, xe đạp điện, scooter điện) xuất hiện ngày càng nhiều trên các con phố.

Các địa phương trên toàn Ile-de-France (Paris mở rộng) quy hoạch lại đường xá và mở thêm nhiều lối đi cho các loại xe cá nhân này. Những anh chàng soái ca cao to diện vest đứng trên những chiếc scooter điện lao băng băng đi làm có lẽ sẽ là điểm nhấn mới hút hồn các nữ du khách khi đến nước Pháp xinh đẹp sau này.

132 4 Nguoi Viet O Phap Nuoc Phap Dang Binh Thuong Moi Trong Dai Dich Covid 19

Chính phủ khuyến khích sử dụng phương tiện cá nhân vì phương tiện công cộng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh

 

 

Từ "chỗ ở" sang "môi trường sống"

Thật ra người Pháp từ bao đời nay luôn có suy nghĩ “sống ở nông thôn nhưng phải làm việc trong thành phố”. Giãn cách xã hội và làm việc từ xa đã hé lộ rõ hơn mong muốn từ bao lâu nay ấy của họ. Đó là một giấc mơ cũ được dịch Covid-19 xới lên dưới sự hỗ trợ của công nghệ làm việc qua mạng.

Giới trẻ Pháp đang có xu hướng tìm kiến một không gian rộng rãi và nhiều cây xanh và sẵn lòng đi xa khỏi đô thị để xây tổ ấm cho mình. Xu hướng này được giải thích bởi lý do rằng télétravail (làm việc từ xa) sau một thời gian được “huấn luyện bắt buộc” bởi dịch Covid-19 cho thấy nhân viên đi làm ba ngày một tuần thay vì năm ngày vẫn đảm bảo tốt chất lượng công việc.

Télétravail lại càng đòi hỏi có một không gian sống thoải mái. Từ đó người ta sẵn sàng nhượng bộ một tiếng rưỡi cho việc di chuyển từ nơi ở đến nơi làm việc để đạt được khao khát đó.

Có thể nói Covid-19 không chỉ làm người Pháp thay đổi bấy nhiêu hành vi, còn vô vàn những thứ thay đổi khác làm nên sự “bình thường mới”. Chỉ thấy rõ rằng trong mỗi sự thay đổi, người Pháp đã dẹp qua nỗi sợ và sự bất tiện để tìm ra giải pháp và niềm vui.

Winston Churchill có nói: "Người bi quan nhìn thấy khó khăn trong mỗi cơ hội, còn người lạc quan nhìn thấy cơ hội trong mỗi khó khăn". Người Pháp không chủ quan nhưng vẫn lạc quan sống chung với con virus quái ác này một thời gian dài.

 

Nguồn: thanhnien

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan