Tại con phố trung tâm ở một thị trấn nhỏ thuộc huyện Louny, tỉnh Usti, Cộng hòa Séc, cứ vài chục bước chân lại có một cửa hàng thực phẩm của người Việt. Dân số thị trấn chỉ có khoảng vài nghìn người, nhưng đã hơn 10 cửa hàng của chủ người Việt, chưa kể cửa hàng của người Séc và các siêu thị nằm cách đó không xa.
Chúng tôi ghé thăm một cửa hàng thực phẩm của người Việt, quê gốc tại Hà Tĩnh. Chủ cửa hàng cho hay tình trạng buôn bán tại đây khá ế ẩm.
Các cửa hàng của người Việt mở san sát nhau và cố hút khách bằng cách hạ giá đến mức thấp nhất, có mặt hàng thậm chí bán không có lãi.
Sở dĩ các cửa hàng thực phẩm của người Việt còn tồn tại được là do những ông chủ, bà chủ không thuê nhân viên mà vợ chồng, con cái thay nhau làm việc để giảm chi phí. Họ làm từ sáng sớm đến 10, 11 giờ đêm, không nghỉ cuối tuần, ngày lễ. Đó là thực trạng chung của “làng pốt” (nói tắt của từ potraviny - hàng thực phẩm) Việt ở Cộng hòa Séc trong mùa Hè năm nay. Cùng chung cảnh ngộ, các cửa hàng vải vóc cũng gặp khó khăn không kém.
Nghề đang được chuộng trong cộng đồng người Việt và cho thu nhập ổn định là kinh doanh nhà hàng và dịch vụ làm đẹp. Trong một năm trở lại đây có rất nhiều người chuyển từ bán vải và thực phẩm sang hai lĩnh vực này.
Ông Hoàng Đình Thắng, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, chia sẻ: "Người Việt Nam tại Séc chủ yếu sống bằng nghề kinh doanh. Nhìn lại quá trình kinh doanh 20 năm trở lại đây, rõ ràng tình hình kinh doanh ngày càng khó khăn. Mỗi khi khó khăn thì người Việt tại Cộng hòa Séc lại phải thích nghi với khó khăn đó và tìm hướng đi mới.
Cửa hàng thực phẩm của người Việt ở huyện Louny, tỉnh Usti, Cộng hòa Séc. (Ảnh: Trần Quang Vinh/Vietnam+)
Vào những năm 1990, sau “cách mạng nhung,” việc buôn bán rất thuận lợi. Khi đó luật pháp quản lý chưa chặt chẽ như bây giờ. Nhưng càng ngày, việc quản lý chặt chẽ hơn, mạng lưới đại siêu thị phát triển rất nhanh, tạo ra sự cạnh tranh rất lớn trên thị trường kinh doanh. Người Việt Nam bắt buộc phải suy nghĩ để có hướng chuyển đổi mặt hàng, hình thức và địa điểm kinh doanh."
Theo ông Thắng, người Việt ở Cộng hòa Séc có ưu điểm là cần cù, chịu khó, năng động nhưng mỗi khi có một lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ nào mới, "cả làng" lại ào vào, sẵn sàng giẫm chân lên nhau.
Anh Phan Chính, một trong những doanh nhân Việt thành đạt ở Cộng hòa Séc, cũng có nhận xét tương tự về yếu điểm trong kinh doanh của những người đồng hương:
“Cộng đồng cần tránh hiện tượng chạy theo lợi nhuận trước mắt mà không định hướng, không phân tích được bản chất ngành kinh doanh mà mình đang hoặc sắp theo đuổi. Phải nắm rõ yếu tố cần và đủ cho ngành kinh doanh đó. Tôi thấy hiện nay ít người nghĩ sâu xa mà chỉ làm theo phong trào. Thấy ngành nào có lợi nhuận thì họ đổ xô vào mặc dù chưa có sự chuẩn bị thấu đáo."
Chị Nguyễn Thị Thuận, quê Thái Nguyên, từng kinh doanh hàng vải ở quận Praha 9, nhưng từ nhiều năm nay chị chuyển sang một lĩnh vực mới mà ít người Việt để ý là dịch vụ giặt là.
Chị chia sẻ: “Thấy kinh doanh quần áo không có tương lai, tôi quyết tâm đổi nghề, dù đã đầu tư nhiều tỷ đồng vào cửa hàng. Mới đầu gia đình chị chỉ dám mở hai quầy nhỏ trong siêu thị, giờ đã mở rộng lên 22 quầy trên toàn Cộng hòa Séc."
Theo ông Hoàng Đình Thắng, ngoài việc khuyến khích những tấm gương dám nghĩ, dám làm như anh Chính, chị Thuận thì Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc định hướng cho cộng đồng đa dạng hóa ngành nghề, tìm ra những lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ mới. Có như thế thì việc làm ăn mới có hiệu quả lâu dài, bảo đảm sự tồn tại bền vững của người Việt tại Séc./.
Nguồn: vietnamplus
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC