Một gia đình gốc Việt trong lễ tuyên thệ để trở thành công dân Mỹ
Bởi phần lớn người Mỹ tin rằng, mỗi cá nhân là một chủ thể riêng biệt, có những giá trị, niềm tin và hành xử khác nhau. Mặt khác, họ sống một cách tự nhiên với những giá trị này nên có thể không chú tâm cho câu trả lời mang tính hệ thống và đầy đủ.
Nhưng mỗi cá nhân dẫu có khác biệt thế nào thì người Mỹ cũng có một số giá trị khá chung họ đã hấp thụ được và sống theo nền văn hóa của mình, một cách ý thức hay vô thức.
Nhân kỷ niệm lễ Độc Lập Hoa Kỳ, chúng ta thử xem lại xem những giá trị cốt lõi đó là gì? Và chúng liên quan hay khác biệt gì với cộng đồng gốc Việt tại Mỹ?
Giá trị đầu tiên có thể kể là quyền tự do cá nhân mà người Mỹ cổ súy và tôn trọng. Được bảo vệ bằng hiến pháp, người Mỹ có xu hướng suy nghĩ, nói và hành động theo chọn lựa của mình. Họ có những lối sống rất riêng biệt, từ thời trang, thị hiếu cho đến các thói quen, hành xử hàng ngày, nên sẵn sàng bảo vệ, phản kháng một khi họ tin rằng những quyền tự do cá nhân này bị xâm phạm. Đó là lý do mà những quyền tự do mang tầm vóc lớn hơn như tự do ngôn luận và tự do báo chí là điều rất quan trọng trong văn hóa Mỹ.
Người Việt ngược lại, có xu hướng xem sự phục tùng, thỏa hiệp là điều quan trọng. Quyết đoán thay con cái, xem sự vâng phục của con cái là khuôn mẫu gia đình. Nên ngoài xã hội, họ thiếu sự tôn trọng quyền tự do của người khác. Một chiếc váy dẫu khó xem của cô người mẫu nào đó cũng tạo nên cuộc tranh luận cộng đồng ồn ào. Hay việc số đông tấn công vào một vài nhân vật cộng đồng trong thời gian qua chỉ vì những người này nêu dăm dữ liệu hay quan điểm cá nhân ôn hòa và khác biệt, là vài ví dụ về điều này.
Giá trị thứ nhì là tính độc lập và tự lực. Đây là giá trị kéo theo từ giá trị tự do. Người Mỹ xem trọng sự độc lập và tự hào về sự tự lực của mình, chính điều này đã làm họ trở nên tự do, không bị phụ thuộc. Họ mong đợi người khác cũng có sự độc lập và tự lực, bắt đầu từ chính trong gia đình. Người Mỹ là xã hội nơi việc con cái ra riêng khi đến tuổi trưởng thành khá phổ biến.
Trong khi đó, người Việt thiếu thói quen khuyến khích và huấn luyện con cái tinh thần độc lập. Không ít người còn phụ thuộc, lạm dụng hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội nếu hội đủ điều kiện trên giấy tờ hơn là hoàn cảnh thực sự. Điều lớn hơn, họ mong đợi và kỳ vọng vào ngoại nhân trước những vấn đề dân tộc cần sự tự lực, tự cường.
Giá trị rất quan trọng khác trong văn hóa Mỹ là sự bình đẳng, điều được xác quyết trong Tuyên ngôn Độc Lập Hoa Kỳ: "mọi người sinh ra đều bình đẳng". Sự bình đẳng này không mặc nhiên hiện diện theo như tuyên ngôn mà đã trải qua nhiều tranh đấu bằng máu và nước mắt của người dân Mỹ trong thời gian dài để đạt đến những điều mà người di dân được mặc nhiên thừa hưởng khi đến nước Mỹ. Quyền bình đẳng để thăng tiến, để đạt được thành công. Quyền bình đẳng trong pháp luật, hãng sở, học đường, giới tính...
Người Mỹ gốc Việt tại một buổi lễ nhập tịch Hoa Kỳ hồi tháng 7/2018
Đây là một trong những giá trị được trân trọng nhất tại Mỹ và khác biệt nhiều với văn hóa Á Đông. Bởi không ít người gốc Việt còn đặt nặng, phân biệt đối xử theo vị thế xã hội, mức độ thành công hay sự giàu nghèo, ngoại hình... của người khác. Cộng đồng Việt nhìn chung mang dấu hiệu xem thường các cộng đồng bạn nên tình trạng xúc phạm, mạ lỵ cộng đồng người da đen, Mỹ La Tinh… khá phổ biến hiện nay.
Một giá trị quan trọng khác trong văn hóa Mỹ có thể ghi nhận là tính khai phá, thích cạnh tranh và đề cao việc tự do kinh doanh. Đây là đặc tính và giá trị đã tạo ra sự thành công của giới trẻ Hoa Kỳ cho đến sự phát triển của các tập đoàn đa quốc gia. Luôn sáng tạo tìm tòi, không đi theo khuôn mẫu truyền thống, nhiều bức phá kỹ thuật cống hiến cho nhân loại hiện nay là do giới trẻ Mỹ tạo nên. Người Việt xem ra thiếu tinh thần khai phá, thích không gian an toàn và dễ thỏa mãn với thành công giới hạn.
Người Mỹ trực tính, thẳng thắn nhưng cởi mở và chân thật. Quan hệ giữa chủ-nhân viên, vợ-chồng, cha mẹ-con cái cùng các mối quan hệ xã hội thường đặt trên nền tảng những giá trị này. Bởi chúng có lợi cho các bên và nhắm đến mục tiêu tích cực cuối cùng. Người Việt ngược lại hay vòng vo, thường né tránh vấn đề trong giao tiếp hay công việc nếu chúng gây bất lợi cho mình.
Người Mỹ xem sự đúng giờ là điều quan trọng. Bất cứ mọi sự kiện quan trọng hay hàng ngày đều diễn ra đúng giờ và nhanh gọn, chính xác theo thời gian biểu. Đây là đặc tính của xã hội phát triển cao vì nó thể hiện năng suất, hiệu quả công việc cùng tính khoa học, kỷ luật. Liệu điều này có khác biệt nhiều với việc luôn vội vã, hấp tấp, chen lấn cắt hàng thường diễn ra nhan nhãn nhưng lại hay trễ nãi, rườm rà trong mọi sinh hoạt của cộng đồng Việt?
Và cuối cùng, nhưng ắt còn có thể kể thêm, người Mỹ luôn nhìn đến tương lai với tinh thần lạc quan. Nước Mỹ không phải không từng trải qua những thử thách, nhưng chính sự phát triển của quốc gia đã làm người dân Mỹ tin rằng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Tự lực và tin vào cá nhân để hướng về tương lai hơn là tin vào số phận, định mệnh. Đó là điều giúp họ luôn chuẩn bị, hoạch định tương lai, ngắn hay dài hạn.
Người Việt thì hay nhắc chuyện xưa và thường lấy quá khứ để xét đoán hiện tại và tương lai. Lo xa nhưng tùy tiện, không hề có kế hoạch ngắn hay dài hạn, cả trong đời sống cá nhân, vấn đề công việc cho đến dự án, chiến lược mang tầm mức quốc gia.
Có thể chưa so sánh đầy đủ, nhưng những niềm tin, giá trị, suy nghĩ, hành xử chính yếu kể trên đã tạo nên một văn hóa Mỹ như hiện nay. Kể ra và so sánh không nhằm mục đích tôn vinh hay hạ thấp giá trị của nền văn hóa nào. Bởi phạm trù văn hoá của một dân tộc không mang tính đúng-sai rõ ràng vì chúng có những mặt tích cực lẫn tiêu cực, thích hợp hay không thích hợp với nền văn hóa khác.
Tuy nhiên khi tiếp xúc hay đã sống trong một văn hóa và xã hội có những giá trị như vậy, người ta cần biết và hiểu để có thể hành xử thích hợp. Để nhìn các vấn đề xã hội và người chung quanh bằng sự tôn trọng và công tâm, công bằng hơn, không bị thiên lệch hay mang tính bài bác, cực đoan.
Nhầm lẫn giữa vài thành công cá nhân với sức mạnh cộng đồng, nếu không thẳng thắn nhìn nhận, học hỏi và thay đổi theo các giá trị trong văn hóa Mỹ kể trên thì cộng đồng gốc Việt tại Hoa Kỳ không chỉ lạc lõng mà còn sẽ khó bắt kịp các cộng đồng bạn nơi mình đang cư ngụ.
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một chuyên viên Công nghệ Thông tin, và là một nhà báo tự do từ Dallas, Texas.
Nguồn: Nhã Duy/ BBC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC