Quyết định ra đi thật không dễ dàng, thậm chí còn khó hơn tính chuyện... trăm năm. Bắt đầu lại ở tuổi gần U50 chẳng khác gì thử thách của chàng trai 18 đi tìm lá diêu bông.
Ra đi và... trở về
Bản thân tôi vốn lạc quan, thích khám phá mới lạ nên đã dệt mộng tương lai xứ người. Đem mộng ấy bàn bạc với chồng, ổng... giội ngay gáo nước lạnh: "Qua Canada làm gì? Bưng phở cũng không nổi, tô phở bển nặng gấp đôi bên này. Còn làm nail hả? Đeo kiếng lão xin nghề có ma nó thuê!". Chồng tôi đã đi công tác và thăm thân nhân nhiều. Anh hiểu xứ họ, người lao động phải làm việc cật lực mới xứng đồng lương được lãnh. Nhiều người Việt đã không chịu nổi cú sốc cường độ làm việc gấp mấy lần quê hương mình. Nhưng những buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm người đi trước lại thúc tôi tiếp tục dụ chồng: "Chúng mình có một đời thôi. Có cơ hội thay đổi sao không thử?". Chồng tôi làm thinh. Tôi cố thu thập chuyện người Việt thành đạt, trẻ Việt học hành giỏi giang xứ người. Có lẽ, thấy tôi dai quá và khó có khả năng bỏ cuộc, anh ấy bực bội: "Em muốn làm gì thì làm, khổ ráng chịu".
Trần Kiều Dung, bạn thân tôi, cũng "lắm chiêu" dụ chồng. Cô là sếp một công ty dầu khí có tiếng của nước ngoài ở VN. Chồng sở hữu công ty riêng, con gái du học. "Mình lên kịch bản cho con trai út cưng diễn với ổng, chứ mình thuyết phục không nổi. Ổng không muốn đi" - Dung kể thêm mỗi ngày một "chiêu", rằng con út thích đi học nước ngoài, rằng các CLB bóng đá của trường họ hấp dẫn, rằng chuyện đi học mà không phải học thêm... Và mẹ con Dung đã hoàn thành kịch bản. Con trai cô hiện đang học hành và chơi bóng đá ở Canada. Còn cặp bác sĩ Phạm Linh - Đỗ Giang đồng vợ đồng chồng. Đang làm bệnh viện lớn và có phòng mạch "hái ra tiền" ở TP.HCM, họ vẫn quyết đi. Thế nhưng, sau ít tháng tận hưởng cuộc sống xa xứ, người chồng không thể lao động tay chân. Anh lại không đủ kiên nhẫn học bác sĩ lại ở Canada. "Trong nước, hai sim điện thoại bận liên tục, lịch khám bệnh kín mít. Còn bên này thấy mình vô dụng, chỉ biết lên mạng giết thời gian" - Linh tâm sự.
Tiến thoái lưỡng nan, anh quyết định về VN làm việc, để vợ ở lại chăm con. Chuyện này không hiếm, nhiều ông khó hội nhập cuộc sống mới, nên có cả những "xóm vọng phu" ở Canada vì chồng hồi hương. Vợ chồng mỗi người một nơi, toàn online là chính.Cô bạn Kim Lê than thở: "Mình bên này phải gắng rất nhiều vì không có đàn ông. Nhiều lúc cào tuyết mà tủi rơi nước mắt. Bão tuyết vẫn phải lái xe đưa con đi học. Ổng bên đó chỉ có việc làm và gửi tiền qua thôi". Thật đời không như mơ. Cái giá cho sự ra đi rất lớn. Nhiều vợ chồng phải đánh đổi cả hạnh phúc họ gầy dựng nhiều năm.
Những rào cản
Trước khi đi, tôi đã chuẩn bị đối diện khó khăn mới. Rào cản đầu tiên: ngôn ngữ! Canada sử dụng hai ngôn ngữ Anh - Pháp. Riêng vùng tôi sống, thành phố Montréal, tỉnh Québec với tiếng Pháp là ngôn ngữ chính. "Mình được rào đến 2 cái, mà cái rào tiếng Tây nó kiên cố như đá tảng vậy đó" - tôi cười như mếu với bạn bè.
Các nhân viên hành chính ở đây rất thân thiện và nhẫn nại. Đặc biệt với người nhập cư, họ hỏi han và động viên ân cần. Thế nhưng người dân bình thường không phải ai cũng biết tiếng Anh, nhiều người thậm chí còn không thích nói tiếng Anh vì họ muốn gìn giữ tiếng Pháp."Cái rào" này làm tôi nhiều phen chán nản tưởng không thể vượt qua. Tất cả thông tin công cộng, bảng hiệu, tên đường... đều tiếng Pháp. Mỗi lần nhận giấy tờ, hóa đơn hay thông báo từ trường học, tôi lại phải "nhờ chú Google" chuyển ngữ vô cùng hại não. Một hôm, tôi ở nhà chờ người giao máy giặt, trong lòng lo lắng vì chủ nhà tôi thuê dặn: "Không được cho người lạ vô nhà, ai hỏi gì chỉ cần lắc đầu và nói Pardon je sais pas - xin lỗi tôi không biết là xong".
Chú giao hàng lắp đặt máy giặt xong, quay qua tôi xổ tràng tiếng Tây. Tôi chẳng hiểu gì, chỉ đoán chú đòi thêm tiền giao hàng nên lắc đầu nguầy nguậy. Chú ấy lại xổ một tràng nữa với giọng điệu gấp gáp. Tôi lại tiếp tục lắc đầu. Lần thứ ba, chú vừa hét lên "toilet" vừa chạy tìm phòng vệ sinh. Trời ơi, tôi chỉ muốn chui xuống đất mà trốn trong lúc chú "xả nước cứu thân".
Cái khó người Việt mới qua hay gặp phải nữa là cái gì cũng quy từ CAD (đôla Canada) sang VND và dè sẻn từng đồng. Tôi xin nói đây là những người cùng "tầng lớp" với tôi, chưa có việc làm mà chỉ có ít vốn lận lưng từ ngôi nhà ở Việt Nam đã đứt ruột bán để đi. Chúng tôi xong các thủ tục qua đến đây và tìm được chỗ ở là coi như trắng tay, phải vật vã mưu sinh từ đầu, chứ không như các "đại gia" lắm bạc chỉ qua đây hưởng thụ. Nơi ở mới, những thứ thiết yếu phải sắm như bếp, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy, giường ngủ. Nếu hên mua trúng đợt giảm giá, xui thì mua nguyên giá vẫn phải nhắm mắt mà mua. Các thứ còn lại cứ ngắm nghía giá cả, quy ra tiền Việt rồi... lặng lẽ bỏ đi!
Bịch ớt hiểm nhỏ xíu cỡ Co.op Mart Việt Nam bán khoảng 2.000-3.000 đồng thì bên đây bán 2-3 CAD. Hành, ngò, rau thơm... thứ nào cũng đắt gấp... 10 lần. Tự nấu ăn đã thế, ăn bên ngoài còn tốn kém hơn nhiều. Thành phố tôi sống nhiều nhà hàng Việt, phục vụ khách ta lẫn khách Tây nên đa số chế biến hợp khẩu vị chung. Nhưng cũng có một số quán nấu "rặt" kiểu Việt Nam dành cho dân ghiền ăn mùi mắm đậm đà như hương vị quê nhà. Các món phở, bún bò, bún chả cá, bún mắm... 10-12 CAD/tô, chưa kể 15% thuế và tối thiểu 10% tiền tip.
Nhiều tối mùa đông, thèm tô phở nóng, nhưng cả nhà đi ăn cũng mất đứt 60-70 CAD (hơn cả triệu bạc) nên lại thôi, sợ "mẻ" cục tiền sinh tồn duy nhất lận lưng từ Việt Nam. Mỗi lần thèm ăn, giấu nước mắt với con nhỏ mà hẹn lòng: "Có việc làm đã, con tha hồ ăn cũng không muộn".Trong suy nghĩ người Việt "an cư lạc nghiệp". Nếu có điều kiện, ai cũng muốn mua nhà vì ở thuê dù đẹp mấy cũng cảm giác không thoải mái như nhà mình. Ở Canada, giá nhà cao nhất là Vancouver với mỗi căn tối thiểu trên dưới 1 triệu CAD (khoảng 18 tỉ VND).
Nghe nói ai có nhà ở Vancouver là tự động biết... triệu phú. Các khu lân cận cách Vancouver khoảng 1 giờ lái xe như Langley, Surrey, Abbotsford... giá nhà còn khoảng một nửa. Giá nhà cao thứ nhì là Toronto với mỗi căn khoảng 800.000 CAD (14,5 tỉ VND). Ngược lại, cũng có những thành phố nhà rất rẻ như ở New Brunswick, một căn có giá từ 150.000 - 200.000 CAD (3 tỉ VND). Giá mềm đến nỗi nhiều người hay đùa: "Bán một căn biệt thự Phú Mỹ Hưng mua được cả chục căn ở đây". Hiện nơi đông người Việt nhập cư và mua nhà là PEI (Prince Edward Island), với 250.000 CAD (4,5 tỉ VND) đã có ngay nhà khang trang.
PV
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC