TS Tô Thanh Phương, PGĐ Bệnh viện Tâm thần trung ương 1 (Hà Nội), cho biết ông đã từng chứng kiến nhiều phụ huynh đưa con vào điều trị vì hóa điên sau khi đi du học.
TS Phương kể ông vừa điều trị cho bệnh nhân bị trầm cảm nặng sau khi đi du học Mỹ.
Nữ sinh này tên Hà Linh (tên nhân vật đã thay đổi) sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Bố mẹ Hà Linh là chủ vựa thực phẩm, đồ khô. Kinh tế gia đình khá giả, con gái học hành giỏi là niềm tự hào của cha mẹ.
Hà Linh tự tìm được học bổng và cô được cha mẹ cho đi du học từ khi học xong lớp 12. Những tháng ngày sang Mỹ, Hà Linh còn bỡ ngỡ rất nhiều nhưng được gia đình ở quê hương động viên và bản thân Linh cũng cho rằng mình là đứa con duy nhất trong dòng họ có thành tích học tập cao như vậy.
Hai năm đầu, Linh nhớ nhà, buồn bã vì phải xa gia đình. Mỗi dịp Tết, cô lại nhớ nhà, muốn về nhà, thèm về quê ăn Tết. Bố mẹ Linh tìm mọi cách gửi những món quà sang cho con gái và không quên động viên cô là niềm tự hào của cả gia đình.
Sang bên Mỹ, phương pháp học hành khác, bạn khác, môi trường khác. Ở Hà Nội, Hà Linh quen với cảm giác ồn ào, sôi nổi thì bên Mỹ là môi trường yên tĩnh, rời trường về cô chẳng biết làm gì. Muốn cười to cũng sợ bị ảnh hưởng tới người khác.
Linh yêu chàng trai ngoại quốc. Linh nghĩ sẽ vun đắp cho tình yêu của mình và cô hy sinh tất cả cho tình yêu. Sau một năm yêu nhau, bạn trai của Linh cho rằng hai người không hợp, vậy là cô và bạn trai đường ai nấy đi.
Cú sốc tan vỡ tình yêu và những buồn tẻ, cuộc sống nhạt nhẽo, không có người chia sẻ, Hà Linh rơi vào trạng thái trầm cảm.
Ban đầu, cô mất ngủ liên miên, ăn uống chán. Hà Linh không ngủ được. Kỳ nghỉ hè năm đó về Hà Nội, thấy con khác, bố mẹ gặng hỏi Linh chỉ nói do học hành áp lực.
Mẹ cô nhanh chóng là thủ lĩnh tinh thần cho con gái nhưng khoảng trống cô đơn ở xứ người không thể ai bù đắp. Từ cô gái nhanh nhẹn, Linh trở thành người lầm lì, ít nói. Bạn bè thấy Linh thay đổi, bố mẹ cô cũng cảm thấy không yên tâm về con gái.
Họ sang Mỹ thăm và muốn đưa Linh về nước nhưng cô gái không về. Linh xin bố mẹ ở lại học tiếp. Tuy nhiên, 3 tháng sau, gia đình lại nhận được tin con gái dùng dao rọc giấy c.ắt vào mạch tay t.ự t.ử. Bố mẹ Linh lại tức tốc sang Mỹ chăm sóc cho con. Vết thương cả mấy tháng mới lành nhưng tổn thương về tinh thần của Linh không bao giờ hết.
Sau khi điều trị tạm ổn, Linh ở lại Mỹ đi học tiếp và 6 tháng sau, cô khiến bạn bè tá hỏa khi tự t.ử bằng thuốc cảm. Thời điểm cấp cứu, bác sĩ phỏng đoán cô đã uống số lượng lớn thuốc. Lúc này, bố cô sang Mỹ một lần nữa, cho con nhập viện điều trị suốt 3 tháng, viện phí lên tới cả trăm nghìn đô la nhưng tình hình không khả quan.
Linh luôn muốn tìm đến cái chết.
Điều này khiến bố mẹ cô lo lắng nên đưa con về quê chữa bệnh. Ở Mỹ, chữa trầm cảm chi phí sẽ rất lớn và bất đồng ngôn ngữ đôi khi cũng khó có hiệu quả cao.
Tìm đến bác sĩ Phương, bố của Linh hy vọng con có thể trở thành cô gái bình thường. Ông không cần con học giỏi, không cần con phải đi du học.
Bố mẹ của Linh luôn hối tiếc. Nếu ở Việt Nam, cô bị thất tình chắc chắn cũng không đến mức hóa điên vì vẫn còn gia đình, bạn bè còn sang xứ người cô trở nên cô đơn, lạc lõng rồi mắc trầm cảm.
Bác sĩ Phương cho biết hiện nay, bệnh nhân được điều trị trầm cảm bằng phương pháp kích từ xuyên sọ, sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị. Gia đình của Linh thương con gái và luôn mong muốn con khỏi bệnh. Bác sĩ cũng tư vấn kỹ các yếu tố từ gia đình, bạn bè rất quan trong. Được sự động viên, khích lệ của gia đình, sức khỏe Linh cải thiện hơn. Con đường quay về Mỹ du học Linh cho rằng cần có thời gian và cô sợ cảm giác cô đơn ở Mỹ.
Nguồn: Tri thức trực tuyến
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC