Trần Tuyết Nhung (SN 1997, quê Thái Nguyên), từng trải lòng những ngày tháng đầu làm du học sinh tại xứ sở kim chi đã nhận được nhiều sự quan tâm của các bạn trẻ. Những dòng tâm sự của “cô rửa bát yêu nghề”, đã mô tả lại một sự thật trái ngược với vẻ xa hoa và thơ mộng mà nhiều người vẫn nghĩ về cuộc sống nơi xứ người.
Khi Nhung còn học lớp 11 cũng là lúc tập đoàn điện tử tại Hàn Quốc đặt nhà máy lớn nhất Đông Nam Á tại quê hương cô. Nhìn thấy nhiều bạn trẻ học xong 12 vẫn mông lung về tương lai, đa số tốt nghiệp THPT, cao đẳng đại học ở Việt Nam cũng ra làm công nhân, nhân viên sản xuât, Nhung đề ra cho mình kế hoạch sẽ đi du học tại xứ Hàn. Cô muốn rèn giũa mình với một cuộc sống tự lập. Gia đình hoàn toàn ủng hộ quyết định của cô và lo cho cô làm thủ tục, chu cấp chi phí năm học đầu tiên.
Tuyết Nhung - du học sinh Hàn Quốc.
Rửa bát thuê 7.000 won/h, tiền học đã hết 6.500won/h
Từ lúc đầu du học, Nhung đã xác định phải du học tự túc, cố gắng làm thêm tự chăm lo cuộc sống của mình. Sau 5 tháng đầu đến xứ sở kim chi, vì chưa rành ngoại ngữ chỉ ú ở được vài chữ, Nhung đi theo các anh chị làm lắp vỏ hộp cho một xưởng gia công vỏ hộp mỹ phẩm. Công việc chỉ là ngồi và lắp nhưng phải làm nguyên buổi chiều, buổi tối và cả ngày cuối tuần. Những lần đầu đi làm công việc chân tay khiến Nhung không thể nào quên được cảm giác đau lưng, nhức mình.
Mãi sau cô xin được làm rửa chén thuê cho một quán ăn. Mỗi buổi làm, Nhung rửa trung bình khoảng 2.000 cái đĩa, chưa kể cốc, chén, thìa, đũa. Nhung kể lại, “Lương 7.000 won/g (142.000 đồng) thì tiền học đã là 6.500won/g (132.000 đồng) rồi. Mỗi lần đến kì đóng tiền thì mình vay mượn các kiểu để chứng minh tài chính rồi đóng học phí.
Mình cứ vay rồi làm tháng sau trả lại, thế chả biết bao giờ mới hết nợ. Đi làm về mệt là chỉ kịp tắm rửa không động nổi đến bài vở. Cuối tuần không phải đến trường cũng là chính là ngày phải làm từ sáng sớm đến đêm. Cực nhất là mùa đông, dù tuyết dày cỡ nào cũng phải mò dậy đi làm trong khi bạn cùng phòng vẫn đang yên giấc".
Những chia sẻ đầy xúc động của cô gái trẻ.
"Chủ quán hỏi tôi là có muốn ra chạy bàn cho nhàn hơn không chứ rửa bát mệt lắm, tôi lắc đầu ngay bảo không thích, phần vì lương của tôi bây giờ cao hơn lương chạy bàn, phần vì đã làm công việc này 4-5 tháng rồi, dù lúc đông khách mệt kinh khủng, áp lực lắm, nhưng nghĩ thấy mình gắn bó được với nó mấy tháng trời rồi bỏ đi lại tiếc".
“Du học tự túc là gì? Với riêng tôi, là mỗi sớm mai thức dậy bằng tiếng chuông báo thức của điện thoại và cứ thế lao thẳng đến trường với cái bụng đói meo chứ chẳng phải có mẹ ở bên đánh thức và chuẩn bị bữa sáng như ngày nào. Là sau giờ học lại vội vã sấp ngửa về nhà ăn tạm một bữa trưa đơn giản để kịp giờ làm buổi chiều. Là sau khi kết thúc công việc làm thêm thì trời cũng đã khuya với đôi chân mỏi dã rời và cái lưng chẳng còn cảm giác. Là về với căn phòng trống trải chỉ có một mình với bốn bức tường lặng lẽ đứng đó qua bao tháng ngày. Là đôi khi chẳng thèm tắm rửa mà đánh luôn một giấc tới sáng hôm sau. Là những tháng ngày quen với đồ ăn chính là mì gói hay mấy món đồ hộp đóng sẵn giản đơn...Là những tháng ngày tiêu tiền bắt đầu tính toán, là ăn bữa này đã nghĩ đến việc bữa sau ăn gì? Là khi đi siêu thị chăm chăm nhìn vào những món hàng giảm giá. Là mỗi cuối tháng nhận lương, chia tiền làm nhiều món, nào thì tiền nhà, tiền điện tiền nước tiền gas, tiền ăn, tiền nạp thẻ xe bus, và một món tiết kiệm cho kì học sau nữa,...”, Nhung chia sẻ tâm sự của mình.
Về nước không người mừng chỉ thấy đòi quà, hỏi thu nhập
Làm thêm cực khổ để duy trì cuộc sống không làm Nhung chạnh lòng bằng những câu nói vô tâm, thờ ơ của bạn bè và hàng xóm, họ hàng. Nhung nhớ mãi lần đăng thông báo sắp về Việt Nam ăn Tết, không nhận được lấy được lời hỏi thăm cuộc sống, thương nhớ mà chỉ toàn nhắn gửi nhắc mua quà.
Về đến nhà lại còn khổ hơn, hàng xóm họ hàng đến thăm không ai hỏi han chuyện học hành đời sống mà chỉ chăm chăm hỏi “Có mang được nhiều tiền về không cháu?”. Nghĩ lại lúc ấy, Nhung chỉ muốn khóc.
Về nước là một nỗi mong chờ nhưng đôi lúc còn là niềm lo sợ của không ít du học sinh.
Đó cũng là tình hình chung của nhiều du học sinh với cuộc sống du học bươn chải nơi xứ người. Duy trì thành tích học bằng ngoại ngữ đã khó, cân bằng với công việc làm thêm để sống còn khó hơn. Ngay sau khi Nhung trải lòng liền nhận được hàng ngàn lượt bình luận chia sẻ của các bạn.
Một người dùng facebook đồng cảm: "Mình cũng là du học sinh nhưng ở Nhật đây ạ. Lịch đi làm đi học kín mít, chỗ nào cũng lăn ra ngủ gật được. Đấy là còn có bát để mà rửa, bạn mình đầy đứa nợ nần chồng chất, chán nản vì thất nghiệp, đi học cũng chả được chữ nào vào đầu vì thấy tương lai mù mịt, còn chẳng có tiền mua vé về nhà".
Chi phí sinh hoạt ở Hàn và Nhật khá cao, mỗi bữa ăn phải bỏ ra tối thiểu 5.000 - 7.000 won (khoảng hơn 100 nghìn tiền Việt), nếu ở thành phố lớn hoặc ở thủ đô Seoul thì còn cao hơn con số ấy. Đồ ăn cũng đắt, muốn mua một mớ rau thơm nhỏ xíu cũng phải bỏ ra 40 nghìn đồng, gấp 40 lần ở Việt Nam, đi siêu thị hay chợ đều phải tính toán chi tiêu rất cẩn thận. Học phí ở Hàn một năm trung bình khoảng hơn 100 triệu nếu không có học bổng. Vì vậy, làm thêm dù được 20 triệu đồng một tháng thì cũng chỉ đủ trả góp học phí, dè sẻn sinh hoạt, đối với những người phải gửi tiết kiệm trả nợ ở Việt nam thì còn phải tính toán kĩ hơn.
Hàn Quốc không chỉ thơ mộng như phim mà còn là thử thách với những du sinh.
Thế nhưng, nói thế không có nghĩa Hàn Quốc thật sự là một địa ngục với các du học sinh Việt. Khó khăn vẫn đầy rẫy ở đó nhưng trên hết, các bạn trẻ đang tạo cho mình cơ hội để thử thách bản thân và trải nghiệm nền văn hóa mới: "Hàn quốc đẹp lắm, nếu để đi du lịch thì đáng để là 1 đất nước nên đặt chân đến ít nhất 1 lần trong đời. Còn phận du học sinh thì vất vả hơn, tuy vậy không có nghĩa tất cả đều tối tăm. Nhiều khi mình áp lực, cả nhớ nhà nữa, nhưng bên cạnh cũng có bạn bè để chia sẻ. Thi thoảng chúng mình cũng cùng nhau đi chơi đây đó, dã ngoại, hay nếu không có nhiều thời gian thì đi ăn uống, đi hát với nhau 1 buổi để xả stress" - Tuyết Nhung chia sẻ.
"Áp lực là điều mình phải đối mặt hằng ngày một phần cũng vì mình không muốn nhận trợ cấp từ bố mẹ nữa, mà muốn tự mình trang trải được việc học, sinh hoạt phí. Tuổi trẻ mà, xông pha một chút, sau này đỡ tiếc thanh xuân" - cô gái trẻ bộc bạch.
Nguồn: yan.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC