Phía sau những mùa Vu lan của Việt kiều Mỹ: Đắng cay viện dưỡng lão

Phía sau những mùa Vu lan của Việt kiều Mỹ: Đắng cay viện dưỡng lão

Cũng như nhiều người lớn tuổi khác ở Việt Nam, Việt kiều Mỹ chẳng ai muốn cuối đời lủi thủi vào viện dưỡng lão nhưng cay đắng thay, đó lại là truyền thống của người Mỹ.

132 1 Phia Sau Nhung Mua Vu Lan Cua Viet Kieu My Dang Cay Vien Duong Lao

Khu nhà trợ giúp sinh sống ở Chillum, Maryland

Con nuôi cha mẹ già ở Mỹ là điều... không tưởng

132 2 Phia Sau Nhung Mua Vu Lan Cua Viet Kieu My Dang Cay Vien Duong Lao

Ở Mỹ, sinh con ra, nuôi trưởng thành tới 18 tuổi vào đại học coi như đủ lớn để rời vòng tay cha mẹ. Con xong đại học, đi làm, lấy vợ/chồng, đẻ con thì khái niệm gia đình của họ chỉ quanh quẩn ở vợ chồng và con cái. Cha mẹ, anh chị em trở nên xa lạ.

Xã hội Mỹ chuyển động không ngừng. Những người trẻ tuổi thích đi học, đi làm ở thành phố, tiểu bang khác, thay vì ở gần cha mẹ. Các dịp lễ tết hằng năm, con cái gửi tấm thiệp, ghé lại nhà ăn bữa cơm gia đình, cũng là quý lắm rồi.

Cũng có thể gọi cách hành xử với nhau như vậy là... quả báo vì ngày trước họ cũng làm y chang thế với cha mẹ mình.

132 3 Phia Sau Nhung Mua Vu Lan Cua Viet Kieu My Dang Cay Vien Duong Lao

Một khu viện dưỡng lão ở Hyattsville, Maryland

Nếu như người Mỹ biết “thân phận” của họ thì Việt kiều Mỹ lại nghĩ khác. Nhiều người cả đời làm rát mặt, gói ghém từng đồng để nuôi con ăn học, mai sau cũng trông mong cháu con bưng cơm vừa nước. “Đãi nhi dưỡng lão” - nuôi con ngàn ngày nhờ cậy về sau. Nhưng họ lại quên mất con cái lớn lên ở Mỹ, đi làm cho Mỹ, ăn đồ Mỹ riết tụi nó cũng... Mỹ luôn nên chuyện nuôi mẹ cha khi về già là điều không tưởng.

Bảy tám chục tuổi đầu, già yếu lụm khụm, về quê cha đất tổ đâu còn ai thân cận nên cứ nghĩ vô dưỡng lão ở cho nhàn. Nhưng họ đâu có biết, được vào đây thì thủ tục rắc rối vô cùng. Để đặt chân vào thị trường chăm sóc người già chiếm tới 74 tỉ đô la mỗi năm, nhiêu khê không biết bao nhiêu mà kể.

132 4 Phia Sau Nhung Mua Vu Lan Cua Viet Kieu My Dang Cay Vien Duong Lao

Một cụ già ngồi nghỉ trong công viên

Theo thống kê của US Census Bureau, vào năm 2015, có khoảng 47,8 triệu người Mỹ trên 65 tuổi (khoảng 15% dân số). Dự đoán tới năm 2060, con số này sẽ lên tới 98,2 triệu người và trong đó có 19,7 triệu người trên 85 tuổi.

Có khá nhiều kiểu nhà ở cho người cao niên ở Mỹ, nhưng có hai loại chính là Nursing home (viện dưỡng lão) và Assisted living home (nơi trợ giúp sinh sống). Nếu như viện dưỡng lão giống như bệnh viện dành cho người hoàn toàn không có khả năng chăm sóc bản thân, tất cả phải nhờ cậy y tá chuyên nghiệp suốt 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày thì nơi trợ giúp sinh sống dành cho người vẫn còn khỏe, minh mẫn, chỉ cần trợ giúp chút đỉnh. Ở đó người ta sẽ cung cấp phòng, thức ăn và giúp đỡ y tế khi cần.

Theo USNews, vào năm 2016, có khoảng 15.600 viện dưỡng lão với 1.7 triệu giường và khoảng 29.000 nhà trợ giúp sinh sống hay tương tự trên toàn nước Mỹ.

132 5 Phia Sau Nhung Mua Vu Lan Cua Viet Kieu My Dang Cay Vien Duong Lao

Trước cổng vào viện dưỡng lão ở Hyattsville, Maryland có dòng chữ "Heros work here - Những người hùng làm việc ở đây" để cảm ơn y tá và bác sĩ

Nhiêu khê nơi dưỡng lão

Trên cái paycheck mỗi một hay hai tuần (ở Mỹ hiếm khi trả lương tháng), ngoài một nùi thuế liên bang, tiểu bang, social security (tiền hưu trí), chắc chắn sẽ có một dòng nho nhỏ Medicare – chương trình bảo hiểm liên bang dành cho người trên 65 tuổi.

Ba tháng trước và ba tháng sau tháng sau tuổi 65, khi đã làm được 10 năm và đóng đủ 40 credit (tín chỉ), bạn có thể nộp đơn xin vào Medicare dù có còn đi làm hay không. Nếu còn đi làm và có bảo hiểm sức khỏe, Medicare sẽ là nguồn số hai. Còn không, bạn có thể ngừng mua bảo hiểm cá nhân, chuyển qua xài Medicare.

Medicaid là chương trình trợ cấp y tế của chính phủ liên bang và tiểu bang dành cho người nghèo có thu nhập thấp, không có khả năng lao động, bị mất việc bất thình lình, hay gia đình dưới chuẩn nghèo của Mỹ. Họ có thể mang giấy tờ tới Bộ xã hội (Department of Social Services) để xin trợ cấp tem phiếu (Foodstamp), tiền mặt khẩn cấp (Temporary Cash Assistance) hay Medicaid. Thường thì sau khi kiểm tra giấy tờ, hồ sơ sẽ được thông qua ngay trong ngày. Và cứ mỗi 6 hoặc 12 tháng phải điền lại hồ sơ hay phỏng vấn để xem xét lại việc trợ cấp.

Nhiều người cứ nghĩ mai sau già không ai nuôi, vô viện dưỡng lão thì Medicare hay Medicaid sẽ thanh toán, chính phủ lo hết cho. Đây là một điều cực kỳ sai lầm.

Medicare và Medicaid không trả cho người ở nơi trợ giúp sinh sống. Họ phải tự bỏ tiền túi hay thanh toán bằng bảo hiểm cá nhân đã mua khi còn trẻ. Bảo hiểm cũng không mắc lắm, khoảng 2.700 USD/năm nhưng không phải muốn ở đâu cũng được. Trước khi vô ở, phải kiểm tra coi thử nơi ấy có nhận bảo hiểm của mình không? Nếu có thì được trả hoàn toàn hay bao nhiêu phần trăm? Chứ không tới ở rồi mai mốt họ gửi hóa đơn về, lại nhồi máu cơ tim mất.

Medicare thì chỉ trả tiền phục hồi chức năng chứ không trả cho cho dưỡng lão. Nôm na thế này, cứ mỗi 30 ngày, nếu người già bệnh nặng phải nằm viện ít nhất 3 bữa, sau đó chuyển qua viện dưỡng lão để được y tá chăm sóc, Medicare sẽ chi trả đầy đủ cho tới ngày thứ 20. Qua ngày thứ 21, Medicare chỉ thanh toán 170.50 USD/ngày, phần còn lại sẽ được chuyển qua Medigap. Tới ngày thứ 100, bệnh nhân sẽ tự bỏ tiền túi hoặc xin chuyển qua Medicaid. Cho nên, khi gần tới kỳ hạn, nếu tình hình không được cải thiện, gia đình phải viết đơn xin trợ giúp liền. Riêng chi phí thuốc men dù nằm bao lâu vẫn được Medicare chi trả.

Trong thời gian chờ đợi, viện dưỡng lão sẽ không tính tiền. Nhưng nếu bị từ chối, thì lúc này một là tiền túi, hai là bảo hiểm, ba là Medicaid chi. Nhưng không phải viện dưỡng lão nàonào cũng nhận Medicaid. Và không phải viện dưỡng lão nào cũng có chỗ trống để nhận thêm khách. Chính vì thế, người nhà bệnh nhân phải tìm chỗ trước từ rất sớm để không phải chạy ngược chạy xuôi khi lỡ có chuyện không may.

Nếu như mỗi tháng ở nơi trợ giúp sinh sống chỉ dao động 2.000 - 7.000 USD tùy theo từng bang hay thành phố (bình quân khoảng 4.000), thì viện dưỡng lão lại là một con số khổng lồ, bình quân gần 8.000 USD/tháng (khoảng 80.000 đến 100.00 USD/năm). Mắc nhất phải kể đến Alaska (907 USD/ngày), Connecticut (452 USD) và Hawaii (449 USD). Rẻ nhất là Oklahoma (174 USD), Louisiana và Missouri (đồng giá 182 USD).

Theo thống kê của tờ USNews, có khoảng 70% người sống trong viện dưỡng lão được nhận trợ giúp từ Medicaid. Tùy từng bang, điều kiện để được Medicaid giúp cũng khá rắc rối. Nếu bạn có nhà cửa, xe cộ, viện dưỡng lão sẽ nắm giữ phần tài sản này và trừ dần vào chi phí, khi nào không còn nữa thì Medicaid sẽ chi.

Thực tế, tính tới khi bạn nhắm mắt xuôi tay về lòng đất lạnh, thì tài sản ấy phần lớn không đủ để trả cho những ngày tháng nằm viện dưỡng lão. Còn nếu bạn không có gì ngoài hai bàn tay trắng, chính phủ vẫn phải yêu cầu bạn có không quá 2.000 USD tiền mặt trong tài khoản ngân hàng. Nếu hai vợ chồng còn sống, một người ở viện dưỡng lão thì người còn lại phải có tài khoảng ít nhất là 132.900 USD, phòng khi đau yếu.

Nhằm “né” yêu cầu này, nhiều người cuối đời chấp nhận mức thuế thừa kế lên đến 40%, đem tài sản tích góp giao lại hết cho con cháu, rồi sau đó 5 năm nộp đơn xin hưởng Medicaid. Nhưng đời đôi lúc không như mơ. Thỉnh thoảng tôi vẫn đọc báo thấy vài chuyện kiểu con cháu nhận gia sản xong đẩy cha mẹ ra đường. Chưa đủ 5 năm sau khi cho tài sản đã sinh bệnh tật, người thân không ngó ngàng gì và chẳng được Medicaid trợ cấp.

Theo thông tin của tờ USNews, bình quân thời gian ở viện dưỡng lão hay nhà trợ giúp sinh sống là 835 ngày. 50% người ở viện dưỡng lão bị lẫn. Chưa kể viện dưỡng lão còn nhức nhối nạn bạo hành. Thỉnh thoảng xem tivi, đọc báo, vẫn thấy người ta nói chuyện con cháu vô thăm thấy người cha mẹ bầm đỏ bầm đen, áo quần hôi hám, người đầy cáu bẩn cả tuần không tắm. Đặt camera mới phát hiện bị y tá đánh đập, chửi mắng, không cho uống thuốc.... Báo cáo, kiện tụng rồi cũng không được gì. Mang cha mẹ về nhà thì không thể. Chuyển sang chỗ khác cũng chẳng tốt đẹp hơn nên đâu rồi cũng vào đấy.

Và khi Covid-19 tấn công nước Mỹ, người cao tuổi bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề, không gì đong đếm được. Hơn một triệu người Mỹ sống trong các viện dưỡng lão hay nhà trợ giúp sinh sống phải đối mặt với tình trạng nhiễm v ir us và có thể qua đời bất cứ lúc nào mà không được gặp gỡ người thân, thậm chí một cái đám tang đàng hoàng cũng không có. Theo tờ New York Times, gần nửa số người qua đời vì Covid-19 là từ viện dưỡng lão.

Cũng có người vẫn chấp nhận mang cha mẹ mình về nuôi dưỡng lúc tuổi già. Phần lớn họ là người giàu có hoặc cha mẹ vẫn còn của cải. Liên hệ với một công ty chăm sóc, thế là được y tá có bằng cấp tới nhà chăm sóc 24/7, ở gần con cái mà không bị xa lánh. Tất nhiên, chi phí cũng không phải là rẻ, có thể lên tới 100.000 USD/năm.

Lolita, cô nhân viên da màu vui tính của tôi hay cười mỗi khi nhắc tới viện dưỡng lão. Cổ bảo tôi nói với bốn đứa con rằng: "Nuôi tụi bây khôn lớn tới chừng này, cuối đời nhớ thay phiên chăm sóc tao. “Don’t put me into that god damn nursing home!” (tạm dịch: Đừng có bỏ tao vào cái viện dưỡng lão ấy!)".

Về già, quan trọng nhất là niềm vui và năng lượng tích cực để sống. Nhưng làm sao bạn có thể tìm được nguồn năng lượng vui vẻ ấy khi chung quanh bạn toàn những người có cùng hoàn cảnh: lớn tuổi, bệnh tật đủ đường, chồng hay vợ đã mất, con cái ở xa chẳng ghé thăm.

 

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan