Sinh viên Việt Nam đón Giáng Sinh thời Covid tại Pháp

Sinh viên Việt Nam đón Giáng Sinh thời Covid tại Pháp

Sinh viên Việt Nam năm nay đón Noel ra sao, vào thời điểm phong tỏa chống dịch mới chỉ được nới lỏng?

132 1 Sinh Vien Viet Nam Don Giang Sinh Thoi Covid Tai Phap

« Không khí như Tết âm lịch »

Linh là sinh viên năm thứ hai ngành kinh tế, tại thành phố Toulouse. Khi đại dịch Covid bùng lên hồi đầu năm, Linh buộc phải về Việt Nam. Linh có cơ hội tiếp tục nhập học năm nay, nhưng lịch học có nhiều thay đổi bất thường. Lịch học của Linh chỉ chính thức chấm dứt đúng vào ngày Noel – Giáng sinh 24/12. Trả lời RFI tiếng Việt, Linh chia sẻ cảm nhận vừa lạ, vừa quen về ngày Tết cổ truyền của nước Pháp :

« Thực ra, ở Việt Nam, dịp lễ này cũng không quá đặc biệt. Chỉ có các bạn trẻ, em thấy hay chào mừng ngày Noel này, nhưng người lớn thì ở Việt Nam gần như không có. Nhưng sang bên này, nó quan trọng như ngày Tết âm của Việt Nam vậy. Em cũng thấy có không khí, thấy mọi người đi mua sắm, để chuẩn bị trang trí cho Noel. Những bạn ở cùng em ở đây đi các nơi xem thế nào. Từ Toulouse cũng lên Paris, để chào mừng Noel, thì em cũng thấy có không khí, nhưng mà năm nay chắc là do dịch, nên trang trí ở ngoài đường ít hơn, nhưng thật ra thấy mọi người tất bật đi chuẩn bị, thì thật sự cũng thấy là có không khí, cũng khác ngày bình thường thật ».

Đón Noel trong gia đình người Pháp

Minh là nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành tài chính, sống tại vùng ngoại ô Paris. Trả lời RFI, Minh chia sẻ về cảm nhận Noel tại Pháp năm nay:

« Em bên đạo Công giáo. Ở Việt Nam, em lại đi nhà thờ vào mỗi dịp Giáng sinh, nhưng mà ở Việt Nam, thì với những bạn trẻ như em, thì Noel chỉ là ngày tụ tập đi chơi. Chứ thực ra không phải ngày hội gia đình gì hết. Nhưng qua bên này, em thấy ở Pháp, đối với người Pháp, thì đó là cái ngày tụ hội gia đình. Trước đây, cái năm đầu tiên em sang đây, em có nhận học bổng của đại sứ quán Pháp. Họ có một chương trình để mình đăng ký, và mình sẽ cho mình đến với gia đình nào đó sẵn lòng mời mình tới dự vào đêm Giáng sinh. Em thấy cái kỷ niệm đó rất là hay. Nhưng mà tới năm nay, không thấy đại sứ quán Pháp gửi email gì hết, chắc là hủy rồi. Vì Covid nên chắc là không có ».

Đón Noel trong gia đình người Pháp là một trải nghiệm đầy ý nghĩa. Năm nay, đại dịch không cho phép Minh tiếp tục được đến với một gia đình Pháp, cũng không có điều kiện tham quan trong dịp hội này, như những năm trước. Đổi lại, anh có cơ hội sống với ngày Tết Noel truyền thống trong chính căn hộ của anh, với cây thông mà anh tự trang hoàng. Trong cái rủi có may, mùa Covid cho phép bạn bè hội ngộ. Minh vui mừng khi chính trong dịp Noel đặc biệt này, anh có cơ hội tổ chức nhiều cuộc gặp với bè bạn, gần như không thiếu một ai, bởi không ai có kế hoạch đi xa. Mỗi cuộc gặp không quá 6 người tham gia, theo đúng quy định của chính phủ.

Háo hức

Hằng là một sinh viên năm cuối ngành quản lý khách sạn, nhà hàng tại Paris, đang trong giai đoạn thực tập. Hằng cũng là người Công giáo. Với Hằng, mùa Giáng sinh không phải là điều lạ, nhưng kỳ Noel năm nay đối với Hằng có ý nghĩa đặc biệt. Đón Noel trong gia đình một bạn thân, biết nhau từ Việt Nam, người bạn lập gia đình với người Pháp, thì quả không phải là ai cũng có cơ hội như vậy. Hằng chia sẻ :

« Cái không khí Noel bên này họ tổ chức hơi khác Việt Nam mình. Ví dụ như ăn uống cùng nhau, ở trong nhà thờ có tổ chức các hoạt động văn nghệ, hát hò, nhảy múa. Ở bên này, họ không làm như thế. Có một thứ mà em rất thích, đó là văn hóa tặng quà trong ngày này. Hôm tới đây, em sẽ tới gia đình của bạn em, cả nhà sẽ quây quần ăn uống, sau đó sẽ tặng quà cho nhau, và bóc quà trước mặt mọi người, chúc mừng nhau. Điều đấy khiến em rất là vui và háo hức ».

Cánh cửa hội nhập

Thời sinh viên là cánh cửa cho hội nhập văn hóa, hội nhập với các truyền thống trong xã hội Pháp, mà Noel là một truyền thống đặc biệt. Vy đã ra trường từ nhiều năm, nhưng vẫn rất gắn bó với lối sống sinh viên. Định cư tại Paris, Vy quyết định chọn sống cùng căn hộ với một số bạn bè sinh viên người Việt. Chính trong môi trường chung sống này, Vy có cơ hội chia sẻ với các bạn bè Việt Nam những trải nghiệm văn hóa Pháp, văn hóa ngày. Tổ chức một bữa ăn giao thừa ngày Noel theo kiểu Pháp là điều Vy rất trân trọng.

« Năm nay, bọn em làm hai lần Noel, vì bọn em cũng có khá nhiều bạn. Bọn em cũng làm tương tự như một bữa ăn truyền thống của Pháp, từ apéritif (khai vị) cho đến dessert (tráng miệng) và buche (bánh đặc biệt kỳ Noel). Bọn em cũng trang trí cây thông từ ba tuần trước, đấy cũng là một niềm vui nho nhỏ. Trang trí cây thông cũng giống như mình mua cành đào, cành mai trang trí Tết ở Việt Nam. Mọi người cùng nhau chọn những quả cầu, để gắn lên cây thông. Bọn em thường chụp một tấm hình khi thắp đèn cây thông, để kỷ niệm cho mỗi năm ».

Tết Giáng sinh – « Ông già Noel bí mật »

Đại dịch Covid năm nay khiến ít người có cơ hội ra ngoài, cũng là dịp để nhiều sinh viên Việt Nam có cơ hội hội ngộ nhiều hơn. Các cuộc gặp được khống chế với số lượng 6 người là tối đa, theo quy định của chính phủ, cũng là cơ hội cho phép những giao lưu dường như diễn ra trong không khí thân mật nhiều hơn. Bình, một sinh viên trong nhóm sinh viên sống chung căn hộ với Vy, chia sẻ về không khí đặc biệt của năm nay :

« Năm nay ở Paris không có chợ Noel nào cả. Như mọi năm, bọn em thường đi chợ Noel ở vườn Tullerie. Thực sự là năm nay đi trên phố cảm thấy khá là trống trải. Mọi năm bọn em khi đi chợ, thường thưởng thức cái vị rượu vang nóng trong tiết trời se lạnh, thì thấy rất ngon. Năm nay, chắc mình sẽ nấu ở nhà và quây quần cùng nhau. Em nghĩ rằng cái cảm giác ấm áp cũng như kiểu ngày Tết âm lịch mình chờ đợi nồi bánh chưng vậy. Rất là thú vị !

Bọn em ở ‘‘coloc’’ (nhiều người thuê một căn hộ), có 5 bạn với nhau. Bọn em có những hoạt động ví dụ như tổ chức một trò chơi tặng quà cho nhau. Bọn em sẽ chơi bốc thăm. Khi bốc thăm, thì mỗi người sẽ nhận được một cái tên ngẫu nhiên của người mà mình sẽ tặng quà. Chuyện ai tặng ai sẽ được giữ bí mật cho đến ngày hôm ấy. Cái việc ấy em cảm thấy rất thú vị. Thứ nhất là tặng quà, mình được một cơ hội, một dịp để mình hiểu người ta như thế nào. Mình cảm nhận, mình đặt tâm tư vào món quà. Ngoài ra cũng là sự bất ngờ, khi người tặng mình, mình không biết là ai. Em thấy đó cũng là một điểm thú vị trong năm nay.

Như mọi năm, bọn em thường mua quà chung chung, sau đó gói vào, đặt dưới cây thông Noel, rồi bốc thăm. Vì bốc thăm, nên mình cũng không biết là sẽ tặng ai cả, nên mình sẽ mua những cái gì đó chung chung, mà tất cả mọi người đều có thể sử dụng được, thì nó hơi khác ».

Giáng sinh – Noel 2020 thật đặc biệt. Một mùa Noel không có chợ Noel, một ngày hội gia đình lớn nhất trong năm, nhưng không được quá 6 người tham dự. Tuy nhiên, nhiều sinh viên Việt Nam, dù mới đến Pháp hay đã sống lâu năm, vẫn có được những trải nghiệm khác nhau về ngày Tết truyền thống của nước Pháp, của một dịp hội lễ đặc biệt, một ngày Tết mà nhiều người ví như Tết nguyên đán.

Tuyết : món quà của Thiên nhiên

Noel năm nay, cũng như những năm gần đây thiếu tuyết. Tạp chí Xã hội của RFI về Noel xin khép lại với chia sẻ của bạn Minh về cảm giác thiếu tuyết :

« Có thể tuyết với nhiều người hơi bất tiện. Đi lại trơn trượt, phương tiện giao thông có thể bị ngừng, bị tắc nghẽn. Nhưng với em, nếu không có tuyết lại hơi buồn. Em nhớ ngày đầu tiên khi em sang Pháp, em rất ấn tượng về trời tuyết. Một đêm bất ngờ, mở facebook ra, thấy mọi người chia sẻ : Trời tuyết rơi ! Nhìn ra thấy những bông tuyết rớt xuống rất là thú vị. Nhìn qua bên đối diện, thấy mọi người cũng đang mở đèn, nhìn ra tuyết. Gương mặt họ rất là thích thú. Họ mỉm cười với trời tuyết đó. Năm nay, chưa có tuyết, thì hơi thiếu cái cảm giác đó một chút.

Có thể là do biến đổi khí hậu. Có thể mình đã tác động đến thiên nhiên và khí hậu quá nhiều rồi, nên bây giờ mùa đông trở nên không còn lạnh như xưa, hoặc thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn. Đó là một dấu hiệu khiến mình cũng nên coi lại ».

Covid có thể qua đi, nhưng Minh cũng hiểu rằng rất có thể tuyết sẽ không còn đến với Noel. Tết Noel truyền thống cũng giảm bớt phần hương vị, nếu thiếu tuyết. Biến đổi khí hậu khiến Thiên nhiên không còn hào phóng ban tặng cho con người món quà vô giá ấy.

Nguồn: rfi.fr


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan