Tâm sự của một Việt Kiều về cuộc sống ở trời tây

Tâm sự của một Việt Kiều về cuộc sống ở trời tây

Với mức vật giá đồ ăn người Việt ưa thích tương đối đắt đỏ: 8 USD cho một kg rau muống, 1,29 USD cho 3 nhánh sả hoặc rau thơm các loại, 12 USD một kg nhãn tươi, 3,99 USD một trái đu đủ, hoặc thơm, 20 USD cho một hộp chôm chôm 36 trái… thì với mức lương khiêm tốn 1500-2500 USD/tháng chưa xài đã hết.

Dù ở Việt Nam bạn đã tốt nghiệp cao đẳng, đại học hay hơn thế nữa, nhưng khi tới Mỹ thì bạn như là người mù chữ.

Việc tìm được một công việc phù hợp với bằng cấp đã học ở Việt Nam sẽ là điều không thể, vì vậy khi đặt chân tới mảnh đất thiên đường này, việc bạn phải trở thành thành phần lao động chân tay sẽ là điều tất yếu.

132 1 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Ve Cuoc Song O Troi Tay

Đối với thành phần lao động này ở Mỹ thì phải nói là vô cùng vất vả. Tất nhiên, ở Mỹ không ai ép buộc mình phải làm việc nhiều giờ cả, nhưng vì cuộc sống và bạn muốn có tất cả mọi thứ nên phải làm việc cộng lái xe 11-13 giờ/ngày, 7 ngày/tuần.

Vì vậy đa số thành phần lao động chi tiêu hết sức tiết kiệm và dĩ nhiên là rất nhiều người không dám bỏ tiền để mua bảo hiểm y tế.

Bảo hiểm ở Mỹ rất mắc. Ngay bản thân tôi, gia đình gồm 8 người và nhiều bạn bè của tôi hầu như không ai có bảo hiểm. Cũng vì điều này nên tôi đã chứng kiến nhiều cảnh đau lòng.

Chẳng may bạn mắc bệnh, đi khám bác sỹ dù bác sĩ không chữa được bệnh cho bạn nhưng cũng lấy 120-150 USD và bác sĩ đó giới thiệu tới một bác sĩ khác mà bác sĩ đó cũng bó tay luôn thì cũng lấy một khoảng tương tự.

Ở Mỹ chữa bệnh vô cùng đắt đỏ, một ca phẫu thuật nhiều khi trả cả đời không hết. Cũng vì lý do này nên nhiều người dù mang bệnh trong người nhưng điều kiện kinh tế eo hẹp nên cứ chịu đựng để lâu ngày dẫn đến bệnh nặng và tử vong cũng là chuyện thường xảy ra.

Hầu hết ở Mỹ ai cũng phải làm việc nhiều giờ, nên không còn thời gian để chăm sóc bản thân, gia đình và con cái. Đi làm về đến nhà đã đau nhừ toàn thân, ăn cũng không muốn ăn chứ đừng nói là làm cơm tối cho gia đình và tất nhiên là cũng chẳng còn mặn mà tới chuyện chăn gối nữa vì phải giữ sức để mai đi cày.

Đối với chị em, khi đến Mỹ cứ nghĩ mình là số một, nhưng tôi thấy chị em chẳng sung sướng tí nào cả. Nhiều khi họ còn phải làm việc vất vả hơn cánh đàn ông ấy chứ. Chỉ đơn cử việc sinh đẻ thôi cũng đã là một thiệt thòi lớn.

Thông thường ở Mỹ sau khi sinh, chỉ ở lai bệnh viện 48h. Chồng thì cũng chỉ nghỉ 2-3 ngày sau đó là chị em phải tự lo cho bản thân và con nhỏ, 1-2 tuần nhiều lắm là 4 tuần lại phải đi làm. Con nhỏ chưa đầy tháng tuổi phải gửi trẻ 11-12h/ngày.

Nhiều khi nhìn con còn quá bé mà phải đưa đi gửi cả ngày ứa cả nước mắt, nhưng biết làm sao bây giờ. Nghỉ ở nhà để lo cho con ư? Lấy tiền đâu ra để mà sống? Ai lo cho đống hóa đơn hàng tháng? Đến khi con đi học thì cả tuần không thấy mặt con ấy chứ.

132 2 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Ve Cuoc Song O Troi Tay

Ở Mỹ, hầu hết thực phẩm đều là đông lạnh có khi hàng tháng. Đồ ăn thì nấu một lần cho 2-3 ngày. Ăn thì chẳng bao giờ đúng bữa, mà cũng chẳng còn kịp nhai nữa, nuốt cho đầy bụng để mà làm việc.

Bữa sáng thì ăn ở trên xe, bữa trưa thì ăn ở chỗ làm, rỗi lúc nào thì ăn lúc đó, nhiều hôm bận quá chẳng có thời gian để mà ăn phải uống sữa trừ cơm. Rất nhiều hôm bữa tối, cơm canh đổ đầy một tô, hâm nóng bằng lò vi sóng, chồng lái xe vợ vừa ăn vừa đút cho chồng ăn vội vã tới đón con kẻo trễ bảo mẫu than phiền. Đọc đến đây thôi thì nhiều bạn đã đặt câu hỏi: Tại sao không về Việt Nam mà sống?

Xin thưa với các bạn, có rất nhiều nguyên nhân.

Khi đi thì tìm mọi cách đi cho bằng được giờ về sợ xấu hổ, con cái học hành dở dang, khả năng kinh tế không cho phép, nhà ở Việt Nam giờ quá mắc. Nếu ngày xưa ai có nhà mặt phố bán để ra đi thì đừng bao giờ về tìm hiểu xem căn nhà đó bây giờ bao nhiêu, nếu không bạn sẽ không ngủ được đâu. Về Việt Nam lại phải bắt đầu lại từ đầu…

Riêng bản thân tôi thì, mình đã quá hèn mọn, không làm được gì cho dân tộc thôi thì hy sinh chút sức mọn này cho gia tộc. Chỉ mong những người thân trong gia tộc tôi nói riêng và những người ở Việt Nam có thân nhân ở nước ngoài nói chung thực sự hiểu được giá trị của đồng tiền mồ hôi nước mắt mà người con tha hương gủi về.

Nói chung, người Việt chúng ta rất cần kiệm. Đa số sau khi định cư ở nước ngoài 2-3 năm thì ai cũng bắt đâu dư dả 40.000-50.000 USD hay hơn thế nữa. Nhưng những ngày đen tối lại bắt đầu từ đây. Lúc đã có tiền , bạn bắt đầu nhìn lại cuộc sống.

Với suy nghĩ, mình không thể ở mãi trong một căn hộ chật hẹp, phức tạp, đi một chiếc xe cũ kĩ như thế này được… Một ngày, bạn tới gặp chuyên viên ngân hàng, người nhân viên này đã từng ăn học ở trường hàng năm để dụ dỗ mọi người. Nào là: bạn không phải ở nhà mướn, thực sự làm chủ căn nhà của mình, là tài sản lớn, là khoản đầu tư sinh lời cao, sau khi bạn trả xong căn nhà bạn sẽ có một khối tài sản lớn…

Sau khi gặp môi giới xem một loạt nhà và tất nhiên là bạn không thích một căn nhà cũ, nhỏ trên dưới 100.000 USD. Kết quả là bạn quyết định mua trả góp 30 năm cho một căn nhà 300.000-400.000 USD ở cho sướng tấm thân. Lúc này bạn cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Đất nước Mỹ đã cho mình quá nhiều cơ hội. Rõ ràng là,132 3 Tam Su Cua Mot Viet Kieu Ve Cuoc Song O Troi Tay

chỉ cần 5000 USD để mua một chiếc xe 40-50.000 USD; 10-20.000 USD để mua một căn nhà 400.000 USD. Thậm chí bạn chỉ cần có công việc ổn định chẳng cần đồng nào cũng mua được nhà, xe…

Nhưng theo sự hiểu biết của tôi thì bạn đã chui vào một cái bẫy tài chính hết sức tinh vi mà các chuyên gia kinh tế hàng đầu tạo ra. Tại sao vậy? Vừa ký mua căn nhà thì bạn đã mất đi 6% giá trị của căn nhà cho “tiền môi giới”, mà nhiều người cho rằng người bán trả, nhưng theo tôi thì người mua đưa tiền cho người bán trả.

Nếu không tin thì bạn bán ngay căn nhà vừa mua thì sẽ biết là mình mất bao nhiêu %. Chẳng hạn, bạn mua một căn nhà 400.000 USD, cứ cho là trả trước 100.000 USD thì ngân hàng phải trả cho chủ đầu tư 300.000 USD, tức bạn mượn 300.000 USD tiền mặt thế chấp bởi căn nhà với lãi suất 4,99-7,99 %/năm tùy tín dụng từng người. Bên cạnh đó, bạn phải trả thuế tài sản 1,75-4 %/năm tùy từng khu và thành phố mình ở.

Những ngôi nhà được bán với giá 500 hay 1.000 USD đăng tải trên báo chí Việt Nam rất phổ biến tại Mỹ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không am hiểu luật pháp của Mỹ, nhà đầu tư có thể bị mất cơ hội và… mắc cạn.

VD: với một căn nhà 400.000 USD trả trước 100.000 USD thì phải trả hàng tháng: tiền gốc 1000-1200 USD, tiền lời ngân hàng 1500-2000 USD, tiền thuế tài sản 600-800 USD cộng tiền vệ sinh khu vực 300-600 USD/năm, tiền bảo hiểm… Tính ra mỗi ngày ngủ dậy thì có một ai đó đã rút ra từ hầu bao của bạn 100-150 USD/ngày, sau 30 năm bạn phải trả 1,2 – 1,5 triệu đô cho một căn nhà 400.000 USD.

Sau khi dọn tới căn nhà mới, bạn thấy căn nhà trống trơn, lúc này thì túi tiền cũng đã vơi và bạn lại nhớ tới “lệnh bài ” mà Hoàng Đế Obama ban tặng. Mà nó cũng giống lệnh bài thật, cứ tới bất cứ trung tâm mua sắm nào, chỉ cần kéo cái rẹc là có thể khuân về bất cứ thứ gì, từ cái mở nắp chai rượu đỏ tới TV, tủ lạnh…

Bạn lại thấy vô cùng sung sướng là mình không còn thiếu bất cứ thứ gì chỉ có thiếu nợ đến mức không thể thiếu nhiều hơn được nữa. Đến thời điểm này thì bạn và vợ con đã nhiễm loại virus mua sắm, loại virus này ở Mỹ chưa có thuốc chữa.

Nhưng xin thưa với các bạn là loại thẻ tín dụng mua trước trả tiền sau này chẳng khác gì một lưỡi dao cắt cổ. Với lãi suất 14,99-24,99 % năm, tính ra cũng xấp xỉ mượn tiền nợ nóng ở tiệm cầm đồ ở Việt Nam. Khoảng 20 ngày sau thì hóa đơn đòi nợ tới gõ cửa nhà bạn mà không bao giờ biết mệt mỏi.

Tôi cam đoan là sau khoảng 2-3 năm lo trả tiền nhà, thẻ… tóc của bạn không còn kịp bạc nữa mà nó rụng ráo trọi. Có nhiều anh chàng kỹ sư, chuyên gia theo được 5-7 năm nhưng đùng một cái mất việc. Bạn thử nghĩ những người này trụ được bao lâu? 3-6 tháng là mất nhà => mất vợ, con.

Vì vậy cho nên, lâu lâu lại nghe tin, có một anh chàng tầm 35-40 tuổi vác súng tới chỗ làm sát hại đồng nghiệp, vợ con rồi đặt dấu chấm hết cho cuộc đời. Mà cứ cho là có nhiều người leo đến 30 năm để trả hết nợ nhà đi chăng nữa thì lúc này bạn cũng sắp trở thành người của thế giới bên kia, còn nhà thì sắp sập.

Nếu bạn muốn sang căn nhà cho con cái thì con của bạn lại phải đóng một khoản thuế rất cao. Nếu chẳng may bạn qua đời thì tất cả chủ nợ, đặc biệt là nợ tiền bệnh viện đến phong tỏa căn nhà và toàn bộ tài sản của bạn kể cả tiền tiết kiệm trong ngân hàng.

Lúc này chủ nợ sẽ bán đấu giá từ căn nhà đến đôi bông tai, cho đến khi đủ số tiền bạn nợ mới thôi. Nếu không đủ, họ có quyền thu hồi những tài sản mà trước đây bạn đã cho tặng con cái trong vòng 7 năm. Đau quá phải không các bạn? Tôi nghĩ, ở Mỹ họ áp dụng chính sách “xẻo dần”, người có nhiều xẻo nhiều, kẻ có ít xẻo ít, xẻo đến chết thì thôi không xẻo nữa, mà bưng sạch luôn.

Cũng vì những lý do kể trên, dù tôi đã ở Mỹ lâu năm nhưng tôi lại thuê phòng hoặc căn hộ để ở. Bao nhiêu tiền làm ra tôi đều đầu tư về Việt Nam, vừa xây dựng quê hương đất nước vừa thắng lợi lớn.

Hiện tại có những bất động sản của tôi ở Việt Nam đã lên giá 30 lần vì tôi mua từ năm 1998. Hàng tháng tôi vấn có thu nhập từ tiền thuê nhà, còn hơn cả thu nhập ở Mỹ. Và nhất định một ngày không xa tôi sẽ về Việt Nam để sinh sống.

Theo cách nghĩ của riêng tôi, nếu như một ngày nào đó các bạn ở Việt Nam qua Mỹ để du lịch, thấy cuộc sống ở Mỹ quá hào nhoáng mà bỏ một triệu đô để mua đứt một căn nhà thì bạn đã thuộc thành phần đại gia.

Mà đại gia thì sống ở Mỹ làm gì cho buồn mà chủ yếu là lo cho con cháu. Mà lo cho con cháu thì phải tính 20 -30 năm hay hơn thế nữa, thì bạn không chỉ bỏ một triệu, mà phải chuẩn bị thêm ngót nghét một triệu nữa để đóng thuế.

Cho nên tôi thiết nghĩ, đại gia thì không dại gì đầu tư một cách thiếu khôn ngoan như vậy. Thà bỏ tiền ra làm từ thiện hay xây cho liệt tổ liệt tông một căn nhà thờ còn để lại tiếng thơm ngàn đời cho con cháu.

Thật ra thì còn nhiều điều phải nói lên nữa nhưng thời gian không cho phép và sự hiểu của tôi về xã hội Mỹ còn rất khiêm tốn. Qua đây cũng cầu xin những ai hiểu biết về xã hội Mỹ, đặc biệt là về khía cạnh luật sở hữu và thừa kế tài sản, hãy viết lên một bài để cộng đồng người Việt chúng ta ở nước ngoài có thêm kinh nghiệm để bảo toàn tài sản của mình.

Nguồn: Dantri

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan