Trường Đại Học Brooklyn của tôi đóng cửa từ tháng 3 năm nay. Học sinh đang tuổi giao lưu lại phải ở nhà học trực tuyến. Các bạn đồng nghiệp dạy hợp đồng bỗng dưng lâm vào cảnh thất nghiệp. Một số người phải đọn ra khỏi thành phố vì không trụ nổi với mức sống đắt đỏ này.
Nhìn đâu cũng thấy chuyện buồn. Tự dưng tâm trạng tôi cũng có chút bâng khuâng nhất là trong những ngày mưa lạnh cuối năm 2020. Vừa thương những hoàn cảnh kém may mắn hơn vừa tạ ơn trên vì mình còn có sức khoẻ và công việc.
Được đến ngày hôm nay: trở thành giáo sư trường Đại học ở Mỹ, tôi thật sự cảm ơn sự giúp đỡ của cộng đồng Việt Kiều nơi này. Dù ít hay nhiều họ đã giúp đỡ tôi vượt qua những khó khăn, lạ lẫm trong những ngày đầu tôi đặt chân lên xứ sở Cờ Hoa.
Nhớ ngày tôi mới sang Bắc Cali ở San Jose năm 2009 đi học Thạc Sĩ. Trời thu đông lạnh, lại chưa quen khí hậu nên tôi bị ốm suốt. Căn phòng trọ không đủ ấm, tôi co ro trong tấm chăn mà vẫn run lên. Vợ chồng cô Điệp làm nails (sang từ những năm 90) đến đón về nhà ăn uống mấy ngày cuối tuần rồi còn đem cho máy sưởi để tôi được yên giấc.
Tôi không quên vợ chồng cô chú Bang-Tùng “làm hàng” (công nhân dây chuyền cho một hãng linh kiện điện tử), lương không bao nhiêu, mà cứ hai tuần là mang đến nhà trọ tôi bao nhiêu bánh trái, bún phở để “con đỡ nhớ nhà, nhớ Việt Nam”.
Bốn năm ở Houston, tôi được sự cưu mang của gia đình bác sĩ Luận Trương. Vợ bác sĩ là cô Cathy Trương hiền lắm. Cô đưa đón tôi cả một năm đầu tiên đi học, cho tôi một phòng trong nhà và đối xử như con gái. Mấy em con cô chú sinh ở Mỹ tiếng Việt bập bõm, sáng lên trường học Y, mà cuối tuần vẫn rủ tôi đi chơi cho tôi đỡ buồn. Nhờ một năm ở nhà cô chú Luân Trương, tôi nhanh chóng hoà nhập vào xã hội Mỹ, tiếp thu được cách sống, cách sinh hoạt, văn hóa Mỹ mà lúc đó còn quá mới mẻ với tôi…. Không những thế các chị em và bạn bè cô chú cũng dang tay chào đón người Việt Nam mới sang như chị em tôi. Thật ấm lòng biết bao!
Người Việt xa xứ rất thành công trên đất Mỹ, vợ chồng nha sĩ Hải-Hùng, vợ chồng bác sĩ Cao,… toàn ở biệt thự hàng chục triệu đô trong khu River Oak là khu đắt bậc nhất của Houston. Nơi toàn tỉ phú, doanh nhân, siêu sao ca nhạc như vợ chồng ca sĩ Beyonce-Jay Z sinh sống.
Rất tự hào khi người Việt chịu khó học, chịu khó làm ăn và họ đã đạt rất nhiều thành công trên xứ người, tạo lập được nhà cao cửa rộng, kinh tế vững vàng.
Mới đây thôi những ngày rảnh rỗi và buồn nhớ nhà, tôi hay sang mấy tiệm nail Việt gần nhà để hàn huyên với mấy chị thợ mỗi khi tiệm vắng khách. Các chị rất tốt, mỗi lần thấy tôi đến là đon đả đón tiếp, mời mọc đủ món ăn Việt Nam nhà tự nấu… nào là thạch dừa, nào là bún bò, bánh khoai mì, bún chả…
Thành phố New York không có nhiều người Việt như Houston (Texas) hay Quận Cam (Cali) nên các món ăn của nhà hàng Việt cũng không phong phú. Vì thế vừa được ăn món Việt mà vừa được tám chuyện bằng tiếng Việt trong những ngày trường đóng cửa phải ở nhà thì còn gì bằng. Thương nhất là cô Anh Đào (48 tuổi), mỗi lần làm đẹp xong nhất định giảm giá rồi còn không lấy tiền típ vì “Cháu là cô giáo. Tiền đâu bao nhiêu…”
Nhờ các tấm lòng như vậy tôi cũng được khuây khỏa phần nào.
Trước sự cố gắng để tồn tại ở xứ người của cộng đồng Việt kiều và nhờ sự khuyến khích của những người đi trước này, tôi đã quyết tâm học lên cao từ Thạc Sĩ đến Tiến Sĩ để có được một chỗ đứng trên đất Mỹ như ngày hôm nay, góp thêm một tiếng nói Việt trong cộng đồng giáo sư Mỹ.
Những bước chân lữ hành của tôi qua nhiều miền đất của nước Mỹ như, Atlanta, Dallas, Nam Cali… đâu đâu cũng được đồng bào Việt giúp đỡ, chào đón. Cảm ơn những tấm lòng tử tế!
Năm nay sẽ là Giáng Sinh thứ 12 của tôi ở Hoa Kỳ. Những năm trước, dịp này là cũng là lúc tôi viết ra những lời ước cho năm sắp tới. Tuy nhiên, năm nay tôi thay bằng những lời tri ân chân thành đến những ân nhân Việt Kiều đã cưu mang giúp đỡ tôi hơn thập kỷ qua!
Dù đi đâu, người Việt mình vẫn giữ truyền thống đồng bào đùm bọc lẫn nhau!
Theo thanhnien
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC