Tham vọng lấy chồng người Úc, nhiều cô dâu Việt sống trong tủi nhục

Tham vọng lấy chồng người Úc, nhiều cô dâu Việt sống trong tủi nhục

Nhiều phụ nữ trẻ Á Châu với ước vọng định cư nước ngoài đã tìm đến những trang hẹn hò với đàn ông Úc, để rồi trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình hay thậm chí nô lệ tình dục hiện đại.

Sự phổ biến của mạng xã hội đã khiến cho khoảng cách địa lý giữa các quốc gia gần như bị xoá nhoà, và ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ từ các nước Châu Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines và cả Việt Nam tìm kiếm bạn đời là người Úc với ước mơ đổi đời.

Thế nhưng theo một cuộc điều tra của ABC, nhiều người sau đó đã “vỡ mộng” và lâm vào tình cảnh không lối thoát, một mình ở xứ người với tiếng Anh hạn chế, bị ràng buộc về mặt visa, và bị bạn đời tịch thu passport.

“Chúng tôi đã chứng kiến một số trường hợp khủng khiếp trong đó các phụ nữ bị bạo hành thể xác nghiêm trọng và không thể rời khỏi nhà,” luật sư di trú Kathy Bogoyev nói với đài ABC.

“Một số trường hợp thậm chí có thể được xem là nô lệ tình dục và lao động cưỡng bức. Tôi nghĩ có nhiều sự tương đồng giữa các trường hợp này với các vụ buôn người và nô lệ thời hiện đại.”

Nhân viên xã hội Alicia Asic thuộc tổ chức hỗ trợ đa văn hoá ở Perth, cho biết ngày càng có nhiều mối tình trên mạng bị biến tướng và lạm dụng.

132 1 Tham Vong Lay Chong Nguoi Uc Nhieu Co Dau Viet Song Trong Tui Nhuc

“Có sự gia tăng các trường hợp phụ nữ, chủ yếu là người gốc Á, kết hôn với đàn ông Úc để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn, thế nhưng lại bị lâm vào tình cảnh trái ngang và nguy hiểm,” bà nói.

“Họ bị tước đoạt tự do, tù đày, lạm dụng thể xác, tình cảm và tình dục. Họ rất dễ bị tổn thương vì nhiều người không biết nói tiếng Anh và không nhận thức được quyền lợi của mình tại Úc.

“Rất nhiều người trong số họ không được sử dụng điện thoại hoặc internet, và không biết làm thế nào để tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm thoát khỏi tình cảnh hiện tại.”

Cuộc sống hoàn toàn bị kiểm soát

Câu chuyện của một cô gái tên J. đến từ một gia đình làm nông nghèo khổ ở Philippines. Ở độ tuổi 20, cô quyết định lấy chồng ngoại quốc.

“Tôi cố gắng tiết kiệm tiền để học đại học nhưng ở nước tôi, đàn ông là người có quyền quyết định. Phụ nữ chỉ biết vâng lời mà thôi… tôi nghe nói ở nước ngoài mọi thứ tốt đẹp hơn,” cô cho biết.

“Vì thế tôi tham gia một trang mạng hẹn hò dành cho những người đàn ông da trắng gặp gỡ phụ nữ Châu Á, và đó là nơi tôi đã gặp chồng cũ của mình, sống ở Perth.”

Cô kể rằng sau khi đính hôn, chồng của cô đã thay đổi tính nết.

“Anh ấy rất ghen tuông và kiểm soát, anh ấy làm cho tôi có thai… chỉ trong vòng ba tháng bởi vì anh ấy nghĩ đó là cách để tôi không thể bỏ đi,” cô kể.

“Anh ấy lắp đặt cửa an ninh và nhốt tôi trong nhà mỗi khi anh ấy đi làm, vì thế tôi ở nhà với con trai cả ngày.

“Tôi đòi anh ấy trả lại sổ thông hành, nhưng anh ấy cất nó trong két sắt và tôi không thể bỏ đi ngay cả khi tôi muốn. Tôi không có gì cả, không xe, không tiền, không tự do.”

Chồng của J. thậm chí còn ép cô quan hệ tình dục. Cuối cùng, cô đã tìm cách bỏ trốn và xây dựng một cuộc sống mới tại Úc.

Cô làm việc toàn thời gian tại một khách sạn và để dành tiền để thực hiện ước mơ đi học đại học.

“Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy mình giống như nô lệ của anh ấy vậy,” cô nói.

“Bởi vì cuộc sống nghèo khổ, nhiều người đã đến đây để kết hôn, và tôi tin rằng có rất nhiều phụ nữ ngoài kia không thể cất lên tiếng nói của mình.”

Phụ nữ di dân người Việt là nạn nhân

Trong cộng đồng Việt Nam, tình trạng bạo hành trong gia đình này cũng xảy ra với những người phụ nữ mới từ Việt Nam sang chung sống với chồng hay hôn thê, gây ra những hệ quả phức tạp có liên quan đến nhiều cơ quan khác nhau như bộ di trú, cảnh sát, tòa án…

Một phụ nữ Việt Nam trước đây từng được bộ di trú đặc cách cấp visa thường trú vì người phụ nữ này là nạn nhân của bạo lực gia đình kéo dài trong tay của người chồng, khiến cho nạn nhân trở thành một người bệnh sống dỡ, chết dỡ.

Nạn nhân quen biết với người chồng có quốc tịch Úc sống tại Melbourne. Hai người thương yêu nhau thực sự và cuối cùng nạn nhân được cấp visa sang đoàn tụ với người chồng tại Úc.

Cuộc hôn nhân hạnh phúc của họ chỉ kéo dài được vài tháng, và nạn nhân nhận ra chồng của mình là một người đàn ông ăn chơi và không tôn trọng mái ấm gia đình.

Người chồng thường xuyên bồ bịch với cô này, sang bồ bịch với người đàn bà khác, thậm chí còn mang cả nhân tình về nhà ngủ ngay trong tổ ấm của hai vợ chồng mới cưới. Người vợ hết sức đau khổ nhưng vì tại Úc, người vợ không có bà con thân nhân nào cả để nương tựa và chỉ biết bày tỏ sự bất mãn đối với người chồng.

Tuy nhiên khi người vợ tỏ thái độ không đồng ý thì người chồng liền la hét, chửi mắng hết ngày này sang ngày khác, và tỏ cho người vợ biết rằng anh ta chỉ muốn nạn nhân làm một người đàn bà thờ chồng vô điều kiện trong nhà, chứ không có quyền phê phán hay can ngăn anh ta.

Tiếp đó để khủng bố tinh thần của người vợ, người chồng thường xuyên hăm dọa sẽ rút lại việc bảo lãnh để tống khứ nạn nhân về nước nếu nạn nhân không chịu hoàn toàn thần phục người chồng. Kết quả là người chồng hủy visa bảo lãnh và bộ di trú từ chối visa thường trú của người phụ nữ.

Sự việc đưa ra tòa kháng cáo di trú và tòa này cũng bác đơn kháng cáo của người vợ. Cuối cùng luật sư đưa việc này trực tiếp lên cho bộ trưởng di trú.

Nạn nhân ở Việt Nam vốn là người Công Giáo thuộc gia đình nề nếp và coi trọng đời sống hôn nhân. Do đó người vợ không dám để cho hôn nhân đổ vỡ và chỉ âm thầm chịu đựng. Mặc dầu người chồng không đánh đập người vợ nhưng những lời nói, hành vi khủng bố tinh thần của anh ta đã khiến người vợ bị bệnh tâm thần trầm trọng.

Toàn bộ các bác sĩ chuyên khoa được bộ di trú gửi nạn nhân đến khám đều thừa nhận rằng sự bạo hành tinh thần của người chồng đã khiến người vợ bị hủy hoại. Sau đó, Bộ trưởng bộ di trú đã đặc cách cấp visa thường trú cho nạn nhân theo diện nhân đạo.

Thời đại của những mối tình trên mạng

Theo Bộ Nội vụ, có khoảng 3.000-7.000 người đến Úc mỗi năm theo diện visa đính hôn (Prospective Marriage), chủ yếu là các phụ nữ đến từ Philippines, Việt Nam, Trung Quốc, Campuchia và Thái Lan.

Ông Charlie Morton, điều hành trang hẹn hò quốc tế International Love Scout, cho biết hẹn hò trên mạng đang là xu hướng hiện nay.

“Những người đàn ông hẹn hò với phụ nữ ngoại quốc thường là những người lớn tuổi, không hài lòng với việc hẹn hò trong nước, và nhận thấy một khi ra nước ngoài, họ bỗng trở nên có giá hơn,” ông nói.

“Về bản chất đây là một cuộc giao dịch – một người đàn ông bình thường tại Úc được săn đón tại Philippines, và đối với những người phụ nữ địa phương, việc kết hôn với một người đàn ông Úc giống như là trúng số độc đắc vậy.”

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp phụ nữ bỏ rơi bạn đời người Úc của mình một khi trở thành thường trú nhân.

Chính phủ đã làm gì?

Chính phủ liên bang đã đưa ra một số thay đổi nhằm hạn chế tình trạng lạm dụng cô dâu ngoại quốc, bao gồm việc giới hạn số bạn đời mà mỗi người Úc có thể bảo lãnh là 2 người, và kể từ năm 2018, người bảo lãnh sẽ phải trải qua bài kiểm tra nhân thân và lý lịch tư pháp.

Ngoài ra còn có một số miễn trừ đặc biệt cho những người thuộc diện visa đính hôn nhưng bị bạo hành gia đình. Hàng năm có khoảng 300-400 người được cấp visa thường trú tại Úc theo dạng này.

Tuy nhiên, các tổ chức hỗ trợ phụ nữ cho biết nhiều tội phạm bạo hành vẫn chưa bị xử lý, vì nạn nhân sợ bị trả thù, sợ gặp cảnh sát hoặc sợ bị trục xuất.

“Chúng tôi đã chứng kiến những người đàn ông sử dụng quyền kiểm soát tình trạng chiếu khán của bạn đời để gây áp lực, nhằm giữ họ trong mối quan hệ và tiếp tục duy trì bạo lực đối với họ,” luật sư Bogoyev nói.

“Đây là một hình thức ép buộc và kiểm soát rất nguy hiểm.”

Trong năm 2016, có khoảng 300 phụ nữ và trẻ em không có thu nhập và không có tư cách thường trú tại Tây Úc. Nhiều người đã không có một mái ấm yên ổn trong suốt 1-2 năm trong khi chờ xét hồ sơ visa.

PV

 

 


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan