Một trong bốn dãy nhà “lịch sử” được giữ lại làm kỷ niệm dưới sự quản lý của Hội người hồi hương Đông Dương. 20m2 một gia đình bất kể bao nhiêu người, họ sống như thế này tới năm 2004 - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG
Đó là số phận nghiệt ngã của những con người bị mắc kẹt giữa quê mẹ và quê cha, những cái cây không có gốc rễ, những người chơi vơi giữa hai nguồn cội. Quê mẹ coi chúng tôi là phản quốc, tiếp tay thực dân, quê cha thì chả xem chúng tôi ra gì! Ít nhất là ở thời điểm đó.
Ông Dominique
Trong đó có thân phận của hàng ngàn người “tha phương - hồi hương” Việt - Pháp chịu sự đẩy đưa của thời cuộc. Có đó những giọt nước mắt hạnh phúc và cả những giọt lệ đau thương.
Sáng thứ sáu là một trong ba ngày chợ phiên hằng tuần của huyện Sainte Livrade sur Lot (Thánh Livrade trên sông Lot), miền Nam nước Pháp. Đi bộ xuyên qua con đường chính, hai bên là những gian hàng bày các sản phẩm địa phương.
Trung tuần tháng 7-2020, cả nước Pháp vừa tạm chấm dứt tình trạng phong tỏa phòng chống virus corona được hơn một tuần, nhưng sợ hãi và bàng hoàng vẫn còn đó. Con đường và phiên chợ vắng teo, mặc dù trời đẹp, nắng lớn, thật ấm.
Thông thường, hôm nay, ngày trước cuối tuần, là phiên chợ tấp nập nhất. Vừa để mua thực phẩm cho những bữa ăn gia đình, hội tụ bạn bè, vừa là điểm giao lưu xã hội, cộng đồng.
"Chào anh, tôi tìm quán cà phê có tên là Kết nối (Le Lien), anh có biết nó nằm ở đâu không?" - từ câu hỏi bằng tiếng Pháp, câu trả lời đến bằng... tiếng Việt, giọng Sài Gòn có pha một chút Hà Nội: "Tui đoán anh là người Việt phải hông? Tui biết quán đó".
Trong ánh mắt và trên gương mặt lém lỉnh của người bán mật ong nhà vườn không đoán được tuổi, chắc nằm ở giữa 50 và 70, một chút gì Ấn Độ, một chút gì Âu và không có nét Việt nào, thầm ẩn chứa lẫn lộn sự bình yên, vài hạt hoài cảm và gì đó xa xăm vô định.
"Ha ha, ngạc nhiên phải hông? Hồi trước tui ở trại hồi hương đó. Quê má Hà Nội, ba là công chức người Ấn Độ từ Pondicherry làm cho Pháp. Tui lớn lên ở Sài Gòn". Cười.
Ảnh ghép các chân dung của người hồi hương đầu tiên tới đây được thực hiện bởi Hội người hồi hương Đông Dương - Ảnh tư liệu
Những vết thương thầm kín
Trên tấm bảng nhỏ, hàng chữ viết bằng phấn: Hôm nay có “Chả giò, bún chả, bánh cuốn, bánh Tây. Cà phê Ý, trà sen Việt, cà phê sữa đá Sài Gòn thì luôn luôn”. Thực đơn của quán mang tên “Kết nối” có thể tóm tắt được câu chuyện của những người hồi hương Đông Dương ở đây.
Một quán cà phê gia đình - cựu “CAFI” - được dựng lên để làm nơi gặp gỡ giữa trung tâm huyện, bán giá bình dân, nơi ngày hôm nay, một số “hồi hương Đông Dương” không nhỏ, đã rời trại, và đang sinh sống.
Một quán cà phê hòa hợp văn hóa Đông Tây, như những người đã lớn lên cách đây 15 cây số bên bờ sông Lot.
Bà Caroline Gontran, 68 tuổi, phẫn uất: “Nói thiệt anh đừng buồn nhe. Nhưng tôi chán ngấy mấy bài viết, mấy phóng sự, phim tài liệu về chúng tôi. Không có ai hiểu được đâu. Mấy người viết bài chỉ để làm mủi lòng, câu độc giả, nhưng có làm được gì để thay đổi cho chúng tôi?
Cho bà cho mẹ của chúng tôi còng lưng mưu sinh trên những cánh đồng với đồng lương tồi tệ? Cho những đêm đông rét cầm cập trong căn nhà tường dầy như giấy?
Cho những năm dài trong trại chồng chất 10 người trong 20 mét vuông? Những gì chúng tôi có thể kể chỉ bằng mười phần trăm những nỗi đau của bà, của mẹ và của chúng tôi!”.
“Chúng tôi” mà bà Caroline đề cập là “Domino”, biệt danh của ông Dominique, kỹ sư quốc phòng về hưu, là bà Caroline (vừa phản ứng), là thầy Thịnh, cựu giáo sư sử cấp ba, đẹp trai nổi tiếng đào hoa số một ở khu này, là ông Roger cứ trầm ngâm quan sát cười mỉm, là ông Robert 73 tuổi có cặp mắt đang trôi trong suy nghĩ về đâu đó, là những người vợ Pháp, đẹp chất phác, đã là những cô gái làng thời đó dũng cảm yêu, sống và lấy những chàng trai “An-Nam-Mít” khi mà tư duy phân biệt chủng tộc và hậu thực dân còn là bình thường ở những năm hậu thuộc địa.
“Thôi mà, bỏ đi!”, ông “Domino” cố làm dịu. “Anh thông cảm cho chị ấy. Có bao điều chúng tôi không thể kể được, bao tổn thương sâu chúng tôi không thể nói hết. Không dễ. Một phần vì tính cách người Việt là thế. Chịu đựng. Một phần là cảm giác xấu hổ đã không biết đấu tranh để thay đổi cuộc sống sớm hơn”.
Bên ngoài, con đường chính chứa phiên chợ tấp nập hơn hồi nãy. Bên trong, mọi người chìm trong một im lặng ngập đầy suy nghĩ, đầy hoài niệm bởi đã khơi dậy những vết thương thầm kín, chôn vùi để quên, để đỡ đau, để vươn lên.
Ông Robert chia sẻ: “Quá khứ không dễ quên, không thể quên. Tôi nhớ, trước đây, khi chưa có nhiều dân Đông Nam Á ở Pháp như sau 1975, người dân quanh vùng, cuối tuần họ chạy xe tới trại xem chúng tôi sống như xem những con thú lạ ở sở thú vậy đó.
Chúng tôi không thích điều đó. Chúng tôi nghèo, nhưng không rách nát. Bà và mẹ ăn mặc như ở Việt Nam. Áo dài khăn đóng đi chùa, đi nhà thờ ngày chủ nhật. Tuy vậy, không phải tất cả đều có cuộc đời bi đát, thậm chí rất nhiều trong số đó đã vượt qua số phận, nghịch cảnh để hòa nhập được với quê cha - nước Pháp.
Nhưng ẩn sâu bên trong mỗi đứa con của cuộc chiến sinh tồn ấy là những tổn thương về tinh thần, những ám ảnh về bản ngã, về nguồn cội thì ai cũng như ai”.
Theo thống kê không chính thức của Hội đại diện người hồi hương Đông Dương, đại đa số cư dân thế hệ 2, những đứa trẻ đến đây năm 1956, những đứa trẻ sinh ra trong trại ngay những năm sau đó, đều thành công, đều thoát ra được cuộc sống mô hình “trại tập trung” thời đó.
Và thế hệ thứ 3 còn thành công hơn nữa. Họ đã trở thành chính trị gia, nhà nghiên cứu, bác sĩ chuyên môn, đạo diễn phim, sân khấu danh tiếng.
Ông Domino: “Mẹ tôi và những bà mẹ khác lao động như nô lệ để chúng tôi được học hành. Ngay sau tú tài là đẩy chúng tôi rời khỏi trại về Bordeaux gần đó, về Toulouse, Marseille, Paris, những thành phố lớn nơi có thể học cao và có tương lai.
Tới tuổi lập gia đình thì thúc lấy chồng Tây, vợ Pháp bản xứ để hòa nhập. Theo các cụ thì có vậy mới có thể thoát khỏi cái vòng kỳ thị chủng tộc, có đó, dù có thể không bộc lộ, cùng để thoát ra thân phận người dân gốc thuộc địa”.
Bà Claudine và hình các cụ đã mất để trong đền chùa - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG
Chúng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh ngày hôm nay, đấu tranh cho những hi sinh của các bà, các mẹ, để nhà nước công nhận lỗi lầm đã lãng quên và đối xử không công bằng với chúng tôi.
Ông Daniel Freche, chủ tịch của một trong hai hội đại diện cho người hồi hương Đông Dương.
CAFI mới trên dòng sông xưa
Con đường từ trung tâm huyện tới trại CAFI dẫn xuyên qua những cánh đồng trồng rau, trồng cây ăn trái, nhà dưỡng lão theo con sông Lot bình lặng. Nếu ai đã tới trại CAFI trước những năm 2000, họ sẽ không thể nhận ra nơi mình đã tới.
Ngày hôm nay, CAFI, ngoài tấm bảng lịch sử ở cổng vào, đã trở thành khu dân cư khá bóng bẩy như mọi khu dân cư cho giới thu nhập trung bình ở châu Âu.
Sau một trăm mét, cư dân và khách đến có cảm giác một cái gì rất Á Đông bởi kiến trúc của hai cửa hàng tạp hóa - thực phẩm - quán ăn - cái gì cũng có với mái mang dáng dấp đền chùa và tường màu đỏ.
Bên phải mang tên “Sài Gòn”, bên trái không có tên gì của gia đình Gontran, gia đình đã mở cửa hàng đầu tiên bán rau thực phẩm ở trại từ ngay đầu những năm 1960.
Anh André Gontran, 56 tuổi, hiện là đầu bếp của cửa hàng - quán ăn gia đình, nhớ lại: “Bà nội của tôi mang theo trong hành trang duy nhất những hạt giống rau màu, củ từ quê ở Hải Dương. Bà cùng bố và các bác trồng vườn rau màu, rau thơm đầu tiên ở mảnh đất hoang gần trại.
Lúc đầu chỉ để ăn, nhưng sau đó, vì có quá nhiều, không trữ lâu được nên mới bán. Và đó là các món hàng đầu tiên của gia đình. Cho tới bây giờ, tôi sinh ra, lớn lên, làm việc chưa bao giờ rời khỏi trại này. Và các m ón ăn đều nấu như bà nội đã nấu cách đây 60 năm".
Ở đây, cũng như ở quán Sài Gòn kế bên, tất cả các bữa ăn đều đồng giá 5€ (125.000 đồng), tô phở khổng lồ hay cơm phần thịt kho trứng thêm canh. Giá thấp hơn 3 lần các quán thông thường ở huyện, cả Tây cả Ta. Trừ món phở và bún chả giò/nem, hai quán có thực đơn khác nhau.
Anh André giải thích: “Đó là mô hình không cạnh tranh được lập ra từ thời đầu tiên. Để ai cũng có thể có khách. Cụ Nhàng Hà Nội bán bún chả, bà Hạnh Sài Gòn bán hủ tiếu. Ai muốn ăn gì thì tới đúng quán. Phần nữa, chúng tôi làm kiểu gia đình nên chi phí không nhiều. Vẫn có lời.
Vả lại, cư dân và khách địa phương bên ngoài vào đều có tài chính khiêm tốn. Bán giá phải chăng ăn khách theo số nhiều. Cùng làm điểm gặp gỡ cho mọi người. Nhiều người già yếu, không tự nấu được, các cụ ăn cơm tháng ở đây luôn. Bán giá bình thường các cụ không trả nổi. Kệ. Vui là vui chung. Và đoàn kết để mà sống!”.
Quán ăn Sài Gòn ở CAFI - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG
Hơn 50 năm bị lãng quên
Năm 1954, sau khi thất bại trên bàn đàm phán ở Geneva, thua trận ở Việt Nam, Pháp bắt đầu rút quân về nước. Và theo cuộc sơ tán của chính quyền và quân đội thực dân vào miền Nam, sau vĩ tuyến 17, trước những chuyến tàu dài về Pháp, là hàng ngàn người có quốc tịch Pháp.
Họ là góa phụ, là những đứa con mang hai - ba dòng máu và những người đã làm việc cho Pháp... buộc phải rời bỏ quê hương mẹ đến chân trời mới. Những người này được nước Pháp đặt cho một định danh mới: “Người Pháp hồi hương từ Đông Dương”.
Trong trại lính cũ nằm bên bờ sông Lot, một ngày của tháng 4-1956, làng Sainte Livrade-sur-Lot, ở miền Nam nước Pháp, người dân bản địa phải dụi mắt nhiều lần khi chứng kiến đổ ào tới 1.200 người Việt, trong đó có 740 trẻ em, từ Đông Dương.
Đại đa số là người gốc Việt, và một thiểu số người gốc Lào, Khmer và Ấn. Người dân ở đây vừa trầm trồ, vừa ái ngại trước cảnh những trang phục họ chưa bao giờ thấy, phía sau những âm thanh và ngôn ngữ chưa bao giờ nghe.
Các dãy nhà được xây dựng trước Chiến tranh thế giới thứ 2, để tạm trú công nhân nhà máy vũ khí, công binh, binh lính, và chưa bao giờ được cải tạo cho tới đầu thập niên... 2000. Tất cả tiện nghi - theo tiêu chuẩn thông thường ở Pháp - đều không có: không có hệ thống sưởi, tường không cách nhiệt, không có nhà vệ sinh riêng...
Tình trạng vệ sinh không được đảm bảo cho cuộc sống lâu dài. Nhà nước dự kiến tạm thời chứa họ trong trại quá cảnh. Nhưng sau đó, họ đã bị quên lãng hơn 50 năm, hơn 50 năm họ đã sống ở đó, và một phần, vẫn sống tại đây cho tới ngày hôm nay.
Ông Daniel Freche, 72 tuổi, kể: “Chúng tôi không có sự tôn trọng của chính quyền, ngoài quyền mang quốc tịch Pháp. Ban quản lý lúc đó đối xử với chúng tôi như thể chúng tôi là trẻ em, như những công dân hạng 3. Nhà thì không có chút tiện nghi tối thiểu.
Một nhà tắm, vệ sinh dùng chung cho cả chục gia đình. Ra, vào, tiếp ai cũng phải xin phép. Họ quyết định tất cả. Gia đình của chúng tôi đã phục vụ cho nhà nước, chúng tôi có quyền sống như tất cả những công dân khác. Có đúng không?”.
Khu định cư, cho tới năm 1977, được quản lý bởi chính quyền như một trại lính, kèm theo tư duy thực dân và hậu thực dân: ra, vào, tạm trú phải xin phép ban quản lý, bắt buộc phải chào cờ mỗi tuần, cấm nói tiếng Việt ở nơi công cộng như trường học, sự thiếu tôn trọng...
Chế độ và chính sách này đã được nới lỏng và bớt khắt khe sau năm 1976, nhưng trên giấy tờ chính thức vẫn tồn tại cho tới năm 1997.
Sự “bất công”, cảm nhận bị “tổn thương” là những điều nằm sâu trong hai thế hệ đầu tiên, những người đã sống và chiến đấu cho sinh tồn, da diết với nỗi niềm tha hương, những người đã chịu đựng tư duy thực dân và hậu thực dân trên đất “cha”, những người đã chịu đựng sự mất mát ở đất mẹ.
Chưa kể những tổn thương cá nhân ở sâu hơn những tổn thương liên quan tới vật chất và sự công bằng xã hội.
Buổi trưa, dưới mái hiên của quán gia đình Gontran, trời 39 độ, không có gió, chỉ có nắng đổ lửa và đầy tiếng ve. Tôi hỏi tiếng Pháp: “Mình trao đổi bằng tiếng Pháp? Hay tiếng Việt?” và nhận được câu trả lời tiếng Việt: “Tôi muốn nói tiếng Việt. Khi nào bí từ ngữ thì tính sau nhé”.
Ông Paul, nhưng mọi người đều gọi là Paulo, 59 tuổi, nhân viên cầu đường của huyện, chia sẻ: “Mẹ tôi, trong những năm đầu tiên tới đây, ban ngày mạnh mẽ mưu sinh, nhưng luôn khóc một mình khi chúng tôi chìm vào giấc ngủ.
Co ro chung giường cho ấm vì không có lò sưởi. Tôi có biết đâu. Sau này, mẹ kể mới biết. Tôi không kìm được nước mắt khi nghĩ tới điều đó. Còn tôi. Tôi không biết cha tôi là ai. Mẹ tôi không nói, tôi cũng không bao giờ hỏi, cho tới bây giờ tôi cũng không biết.
Trong thời gian rất dài, tôi tự bịa ra cho chính tôi và các bạn ở trường một người cha, một câu chuyện đẹp. Tôi giấu mình sinh ra, lớn lên và đang ở trại.
Tôi xấu hổ về thân phận gia đình và của chính tôi. Nhưng bây giờ, tôi lại rất tự hào về nguồn gốc Việt của mình, tự hào về mẹ của tôi, người mẹ dũng cảm, chịu đựng, luôn luôn ngẩng cao đầu, dù phải đi làm gái hầu rượu ở các quán bar của lính để nuôi đàn con nhỏ...”.
Cuối chiều. Trong cái bếp nhỏ tràn ngập mùi thơm của nồi thịt kho còn trên lửa riu riu, bà Claudine Cazes, 64 tuổi, gốc Hà Nội, quản lý khu vực tưởng niệm, tâm sự: “Đấu tranh mãi mới giữ lại được bốn dãy nhà mà anh thấy đó. Còn được cái đền chùa, nhà thờ, và hai dãy mà chúng tôi làm nơi sinh hoạt cộng đồng, nơi triển lãm lịch sử của chúng tôi!”.
Bên ngoài, những tiếng cười vọng của đội chơi chọi banh sắt (pétanque), môn chơi “đặc sản” của miền Nam nước Pháp, những tiếng cụng chai bia và những “dô đi” nửa Pháp nửa Việt.
“Tới giờ thiêng rồi đó!”, bà Claudine bình luận hóm hỉnh, nửa khó chịu, nửa trìu mến của người mẹ về đám trẻ đang ồn ào trước nhà mình. Ngoái nhìn ra cửa sổ:
“Cũng may còn nơi này để chúng tụ tập, để chúng biết đã từ đâu đến, để chúng không quên rằng ông, bà, chủ yếu là bà là mẹ, cùng cha của chúng đã trầy da, đội nắng và chịu đựng trong im lặng như thế nào trong suốt hơn nửa thế kỷ qua để chúng có ngày hôm nay!”.
Trở về đất mẹ
Trong nhóm thanh niên, trung niên, lố nhố giữa các trái banh sắt và rất nhiều chai bia, Julien, 27 tuổi, bình thản uống nước ngọt. Julien sinh ra, lớn lên và vẫn sống ở đây, cũng như anh André đầu bếp ở trên. Ngày nay, ở tuổi dưới 30, hầu như thế hệ này không ai còn muốn sống trong trại này.
Julien, huấn luyện viên: “Trừ khoảng thời gian 5 năm tôi đá banh cho đội tuyển hàng đầu Cảng Sài Gòn, hạng quốc gia, và sau đó cho đội của một ngân hàng nhà nước, tôi luôn ở đây. Một câu chuyện tình cờ nhưng đẹp tuyệt vời.
Năm 2007, tôi có chuyến đi đầu tiên về Việt Nam với bạn gái. Tôi muốn tìm hiểu về nguồn gốc của mình và cho người yêu tôi biết nơi tôi đến. Không biết sao mà bà và mẹ rất hiếm khi kể cho tôi biết nơi họ sinh ra. Mỗi lần tôi hỏi, bà và mẹ cứ nói qua chuyện khác.
Tôi nghĩ họ có sự tổn thương lớn nên không muốn trở về quá khứ. Trong chuyến đi này, đã là cầu thủ của đội trẻ vùng này, tôi có chơi giao lưu với đội Cảng Sài Gòn và họ đề nghị tôi đá cho họ. Tôi nhận lời lập tức”.
Cách Sainte Livrade 700 cây số, ở ngoại ô phía Bắc thủ đô Paris, ông Philippe Nguyễn, 67 tuổi, không kiềm chế được: “Tôi làm nghề hướng dẫn du lịch, chuyên đi với các đoàn khách Pháp lớn tuổi tham quan Việt Nam. Với cái dịch bệnh quái quỷ này, tất cả đều hủy hết. Chán lắm.
Tôi có cần tiền đâu. Đã chính thức về hưu, có lương hưu rồi. Công việc này chủ yếu là đem các bạn Pháp về đi chơi và đặc biệt là hiểu về văn hóa, con người Việt Nam, nơi mẹ tôi có gốc rễ. Đây là cách của tôi cho người Pháp biết là thằng nhóc nghèo nàn ở trại ngày nào có đất mẹ đẹp và giàu văn hóa ngàn năm chứ không phải là cái xứ mọi rợ như trong các cuốn sách thời thực dân!”.
Philippe nhìn bầu trời hè xanh tháng bảy, không một đám mây, không chút ô nhiễm khí thải và không một máy bay nào vẽ những đường chằng chịt như ông thường thấy từ căn nhà gần phi trường. Thở dài và hi vọng. Hi vọng một bình thường mới thời COVID-19 chưa có hậu.
Tháng 7-2020
Bảng ghi tên đơn vị hành chính chủ quản vẫn nằm trên bức tường của trại. Đây là phần giữ lại như “bảo tàng” của CAFI - Ảnh: VÕ TRUNG DUNG
Sau hơn nửa thế kỷ đấu tranh bởi cư dân, trại CAFI (Trung tâm tiếp đón công dân Pháp hồi hương Đông Dương) đã được Bộ Xã hội - cấp quản lý cuối cùng sau Bộ Thuộc địa, Bộ Thương binh - quốc phòng - chuyển giao lại cho huyện Sainte Livrade sur Lot, và từ đó trở thành “lãnh thổ” của huyện này.
Năm 2004, cư dân được trợ cấp để tân trang (tạm) lại nhà. Nhà nước bắt đầu đầu tư, rất khiêm tốn, cho cơ sở hậu cần.
Tuy vậy, vào đầu năm 2005, trại CAFI không còn đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn và vệ sinh cho nơi ở. Và tân trang tốn kém hơn là đập ra xây mới. Do đó, đại đa số các hộ được hỗ trợ tái định cư dần dần cho tới năm 2016.
Từ ngân sách của chính phủ dành cho nhà xã hội, huyện đã san bằng các khu cư trú và xây lại mới theo mô hình gốc: nhà riêng nhưng vẫn sát vách hàng dài. Ngày hôm nay, chỉ còn lại ở CAFI hơn 100 cư dân tiếp tục sinh sống ở đó vì lý do cá nhân, tâm lý, và phần nữa, vì họ không có khả năng tài chính để đi nơi khác.
Với sự đấu tranh của Hội người hồi hương Đông Dương, của các nhà nghiên cứu lịch sử và các hội đoàn cựu chiến binh, Nhà nước Pháp đã đồng ý để lại nguyên trạng 4 khu nhà làm nơi tưởng niệm và sinh hoạt cộng đồng.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC