Tiệm nailbay do Lany Trương làm chủ ở Los Angeles là một trong những “nạn nhân” của nạn đập phá, hôi của do những kẻ quá khích lợi dụng cuộc biểu tình chống nạn phân biệt chủng tộc trong thời gian vừa qua.
Một tháng sau khi tiệm bị đập phá, đến nay tiệm đã được sửa sang lại và đã sẵn sàng mở cửa, nhưng Nailbay vẫn phải chờ đợi vì lệnh đóng cửa các tiệm nail của Los Angeles County vẫn đang còn hiệu lực.
Họa vô đơn chí
“Tôi mua lại tiệm này được gần hai năm. Bình thường khi chưa có dịch COVID-19, tiệm tôi làm được lắm, dù chỉ có sáu ghế và năm bàn làm nail. Đùng một cái, dịch bùng phát, Los Angeles County yêu cầu các tiệm nail đóng cửa. Đó là giữa Tháng Ba,” anh Lany Trương kể với phóng viên nhật báo Người Việt.
Trước đó, anh Lany Trương đã muốn sửa lại tiệm cho đẹp hơn, nhưng vì lúc nào tiệm cũng có khách, nên khó có thể đóng cửa. “Vả lại, tiền thuê cửa tiệm khá cao, $5,000/tháng, nên không thể đóng cửa để sửa sang mà vẫn phải trả tiền,” chủ tiệm Nailbay cho biết.
Khi được lệnh đóng cửa để phòng ngừa dịch bệnh lây lan, Lany Trương thực hiện ngay kế hoạch của mình, là thuê thợ đến “re-model” tiệm, như sơn, trang trí, bày biện lại tiệm cho đẹp hơn, chờ đến ngày được mở cửa, Nailbay sẽ có một “diện mạo” mới, phục vụ khách tốt hơn.
Nhưng “người tính không bằng Trời tính.” Trong khi việc “tân trang” sắp hoàn tất, Nailbay bị những kẻ quá khích đi biểu tình và đập phá, hôi của, lấy đi toàn bộ tài sản, cũng như vật dụng làm nghề.
Anh Lany Trương kể: “Đó là tối ngày 30 Tháng Năm, lúc tôi đang ở nhà, thì thấy trên camera có người đập phá và đột nhập vào tiệm. Một người vô được, thế là cả đoàn người tràn vô. Họ gom hết đồ, đập bể gạch, phá lung tung ở phía trước cửa tiệm.”
Tiệm nailbay trên đường Melrose Ave., Los Angeles. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Hình ảnh trên camera cho thấy, những người quá khích đập tủ ở quầy cashier, lấy đi iPad và toàn bộ tiền cash trong tủ. Họ lấy TV, hai loa, và toàn bộ nước sơn trên kệ gần như trống lốc. Đám người cũng bu quanh máy rút tiền đặt trong tiệm, cố mở mà không được.
“Đây là máy rút tiền của khách đặt, nên không ảnh hưởng tới tiệm, nhưng nếu họ mất mát, mình cũng áy náy,” chủ tiệm Nailbay nói.
Dẫn chúng tôi vào cuối tiệm, chỉ cánh cửa bị đập tan tành, Lany Trương cho biết, đó là cánh cửa thông qua kho của người khác, không có tài sản gì, nhưng vì tưởng là kho hàng của tiệm, nên đám người cố tình đập bể ổ khóa để vào bên trong.
Tiệm bị đóng cửa vì dịch bệnh, đã không có thu nhập, lại còn bị đập phá, mất của. Đúng là “họa vô đơn chí.”
Niềm an ủi
Anh Lany Truong, chủ tiệm nailbay. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Kể tiếp với nhật báo Người Việt, anh Lany Trương nói: “Sáng hôm sau, trước khi lên tiệm, tôi nhận được nhiều cuộc gọi, hỏi là có cần dọn dẹp không, vì họ đi ngang thấy tiệm của tôi tan hoang quá. Từ nhà ở Orange Country chạy lên tiệm, tôi mất hơn một tiếng, vì bữa đó nguyên con đường Melrose kẹt cứng do người ta đi qua đi lại chụp hình, quay phim cảnh những “bãi chiến trường. Thì ra không chỉ tiệm của tôi, mà tất cả các shop suốt dọc đường Melrose đều bị đập.”
“Vô tới tiệm, tôi thấy những người tốt bụng, cả người Mỹ lẫn người Việt, đã dọn dẹp sạch sẽ, chứ không kinh khủng như hình ảnh trên camera,” chủ tiệm Nailbay nói.
“Tất cả họ chờ tôi lên đến nơi mới đi. Điều này khiến tôi cảm thấy ấm áp vô cùng. Có người phá, lại có người đến giúp, cũng là niềm an ủi.”
Chúng tôi có mặt tại tiệm Nailbay vào lúc anh Lany Trương và người cha đang lui cui sửa soạn, đóng các tấm che ở bàn làm nail, và chờ thợ đến lắp đặt cánh cửa kiếng bị đập bể.
“Vẫn còn bề bộn quá, trong khi Thống Đốc Newsom đã cho tiệm nail mở cửa, liệu Nailbay có sẵn sàng để phục vụ khách hàng chưa?,” chúng tôi hỏi.
Máy rút tiền còn nguyên vì khó đập. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)
Anh Lany Trương “rầu rĩ”: “Dù tiểu bang đã cho các tiệm nail mở lại, nhưng riêng Los Angeles County thì chưa cho mở.”
Nhưng ngay sau đó, lấy lại chút lạc quan, anh nói tiếp: “Với Nailbay, chậm chút xíu cũng không sao, vì sau khi bị đập phá, tiệm mất thêm thời gian để sửa sang, mua sắm và sắp xếp lại mọi thứ. Nhưng tính tới nay, chúng tôi cũng gần như sẵn sàng để mở lại rồi.”
Chủ tiệm Nailbay cho biết, vì không gấp gáp, nên mỗi ngày anh dành một ít thời gian để làm các mẫu nail đã bị mất. Trong mấy tuần qua, anh Lany Truong cũng đặt mua nước khử trùng, khẩu trang, tấm che mặt cho thợ,…
“Tôi đã có guideline cho các tiệm nail khi mở lại rồi, và đặt mua nhiều khẩu trang lắm, để nếu khách quen vô tiệm mà không đeo, thì mình sẽ tặng cho họ. Còn thợ thì ngoài khẩu trang, còn phải đeo thêm tấm che mặt để an toàn,” chủ tiệm Nailbay nói.
Sẵn sàng mở cửa và… chờ đợi
Khi hỏi về thiệt hại sau khi tiệm bị đập phá, chủ tiệm Nailbay ước tính: “Giá trị của những thứ bị mất, tôi không tính được, nhưng để sắm sửa lại toàn bộ như trước, có lẽ phải tốn khoảng $10,000 – $15,000. Đó mới chỉ là sơ bộ, vì nội lô nước sơn mới về, tôi đã tốn khoảng $5,000 rồi. Tiền rent vẫn phải trả trong ba tháng qua là $15,000, vì chủ phố không hề giảm tiền, dù tiệm không mở cửa.”
Tiệm nailbay bị phá vào đêm 30 Tháng Năm. (Hình: Lany Trương cung cấp)
“Nhiều nơi khác bị đập phá, họ gây quỹ trên GoFundMe, sao anh không làm thế?” Chủ tiệm Nailbay cười, trả lời: “Người Mỹ thích gây quỹ trên GoFundMe. Tôi biết có người làm và được donate tới cả trăm ngàn đô la. Lúc tiệm tôi bị nạn, nhiều người cũng kêu nhắn tin và gửi email cho những người quen biết để được giúp đỡ, nhưng mình vẫn còn sĩ diện kiểu của người Việt, nên không làm, vì làm thế giống như xin tiền. Ai cho thì mình mang nợ. Mà người Á Châu mình sợ nợ lắm!”
Anh Lany Truong chuẩn bị tốt nghiệp ngành accounting, trường Cal State Fullerton. “Ôm” tiệm khi còn đi học, nên anh cũng khá bận rộn, nhưng chủ tiệm Nailbay cho biết sau khi hoàn tất việc học, anh sẽ dành nhiều thời gian hơn cho công việc “làm ăn” của mình.
Thấy tiệm mở cửa, để chờ người tới lắp kiếng, rất nhiều khách hàng tưởng tiệm mở cửa lại, đòi vào làm. Chỉ trong vòng chưa tới một tiếng đồng hồ, chúng tôi đã phải…phụ với chủ tiệm, từ chối khoảng chục khách, toàn những cô gái trẻ.
Anh Lany Trương tâm sự: “Nailbay có nhiều khách là cư dân của Hollywood, nên giá hơi cao hơn chỗ khác. Ngoài ra, khách của tiệm trẻ trẻ cỡ 20-30 tuổi nhiều lắm, nên tiệm cũng kén thợ là người trẻ, có tay nghề. Trước khi xảy ra dịch bệnh, tiệm có bốn thợ full-time, ba thợ part-time mới kịp làm cho khách.”
Theo chủ tiệm Nailbay, sau khi lắp đặt xong cửa kiếng, coi như tiệm của anh đã sẵn sàng để hoạt động trở lại.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC