Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp rất đa dạng, có những người đã sinh sống tại Pháp từ hàng chục năm qua đến những sinh viên, du học sinh mới sang học tập gần đây.
Bà Vương Thái Vân trong một sự kiện quảng cáo văn hóa Việt Nam
Khẳng định của Thị trưởng thủ đô Paris, bà Anne Hidalgo, mỗi dịp Tết cổ truyền của Việt Nam là một minh chứng cho điều này: “Lễ hội chào đón năm mới – Tết – từ nay đã trở thành một trong những truyền thống tại tòa thị chính thành phố Paris, cũng chính là ngôi nhà của các bạn. Đây là một cộng đồng tốt đẹp mà chúng tôi may mắn có được. Tôi muốn nói với những người Việt đang có mặt tại Paris ngày hôm nay rằng, thành phố Paris rất có thể sẽ không giống hôm nay nếu như không có các bạn”.
Góp phần tạo nên danh tiếng của cộng đồng người Việt tại Pháp không thể không thể nhắc tới những trí thức, nhà nghiên cứu, chuyên gia, những nghiên cứu sinh, những doanh nhân người Việt… Họ đa số là những người sinh ra và lớn lên trên quê hương nhưng học tập, nghiên cứu và sau đó lập nghiệp trên đất Pháp. Trong hàng chục năm ấy, họ luôn giữ cho mình mối liên hệ chặt chẽ với quê hương.
Anh Trần Bằng, sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, từng là sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, tìm được môi trường để phát triển niềm đam mê với kỹ thuật trên đất Pháp. Sau một thời gian làm kỹ sư trong ngành thiết kế trực thăng, anh hiện làm việc trong lĩnh vực tư vấn chiến lược công nghiệp và nghiên cứu sinh trong lĩnh vực khoa học chính trị tại Đại học Paris II (Đại học Panthéon – Assas).
Trong suốt 20 năm sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp, anh Bằng luôn giữ cho mình mối liên hệ mật thiết với quê hương. Đối với anh, những trí thức người Việt Nam luôn tự hào về nguồn gốc, đặc biệt về nền văn hóa của dân tộc. Cũng như đại đa số người Việt tại Pháp hiện nay, khi được hỏi liệu có tự hào về nguồn gốc của mình.
Anh Bằng khẳng định: “Tôi luôn luôn tự hào mình là người Việt Nam. Mình sống ở Pháp, hoàn toàn có thể đóng góp cho sự phát triển tại Pháp và nếu có thể là đóng góp cho Việt Nam. Những người như mình, có lẽ càng ngày càng đông thôi”.
Bà Vương Thái Vân, một trí thức người Việt đã học tập và sinh sống tại Pháp từ hơn 40 năm qua, công việc kinh doanh du lịch giúp bà có nhiều mối quan hệ xã hội, hòa nhập sâu với xã hội Pháp. Việc phát triển du lịch giữa hai nước, theo bà Thái Vân, cũng là một cách để bà đóng góp cho đất nước.
Bà Vân chia sẻ, sang đây bà quyết định mở công ty du lịch vì đây là một cầu nối giữa bà và Việt Nam. Bà cũng thường xuyên đưa khách về Việt Nam cũng như đưa khách từ Việt Nam sang đây. Việc đó khiến cho bà có thông tin về Việt Nam, nhưng cũng là một cách để đóng góp cho Việt Nam khi ở nước ngoài.
Cũng giống như phần lớn người Việt tại Pháp, sống trong một xã hội với các giá trị văn hóa khác biệt, bà Thái Vân luôn tự hào về nguồn gốc của mình. Bà cho biết, đi đâu bà cũng sống rất đúng đắn, làm đúng nghĩa vụ ở sở tại. Bởi vậy, trong lúc làm việc, đối tác và khách hàng rất tin cậy người Việt Nam”.
Đối với bà Thái Vân, Việt Nam trong bà là những kỷ niệm khó phai. Những dịp được tham dự ngày kỷ niệm Quốc khánh của đất nước sẽ mãi là những kí ức không quên. Mỗi khi được chứng kiến lễ kỷ niệm Quốc khánh tại đất nước mình đang sinh sống, hình ảnh ngày Quốc khánh trên quê hương lại ùa về.
Bà Thái Vân chia sẻ: “Tôi rất nhớ mỗi lần Quốc khánh tại Việt Nam. Tôi nhớ lúc đó tôi còn nhỏ, tôi háo hức chuẩn bị để ra Quảng trường Ba Đình đón Quốc khánh, đón đoàn diễu binh. Bản thân tôi lúc ở Việt Nam, tôi cũng đã có lần được chọn đi diễu hành. Thành ra mỗi lần Quốc khánh Pháp tôi lại rất nhớ những lần tôi chuẩn bị quần áo, áo dài, rồi làm đẹp để mà đi diễu hành”.
Cùng với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tầng lớp trí thức người Việt tại Pháp ngày một đông. Số lượng đông đảo các sinh viên, du học sinh, nghiên cứu sinh người Việt sang Pháp học tập hàng năm chiếm một phần quan trọng trong tầng lớp này. Các bạn trẻ này sẽ là những người tiếp bước các thế hệ đi trước, duy trì và tiếp tục vun đắp hình ảnh một cộng đồng người Việt Nam tại Pháp được đánh giá cao về trí tuệ và luôn hướng về quê hương, sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển của đất nước Việt Nam khi có cơ hội./
Nguồn: VOV
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC