Có thể nói, tôi đã đạt được một phần nào đó tâm nguyện của mình, khi vào dịp 20/11, tôi nhận được những tấm thiệp của học trò, nói rằng chúng chưa bao giờ yêu thích môn học do tôi dạy như thế. Tôi như có thêm động lực để tiếp tục những đổi mới và truyền cảm hứng, khát khao cho học trò.
Nhưng thời gian trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy có nhiều những việc mà mình không thể thay đổi và cũng khó chấp nhận, khiến cho việc đi dạy không còn nhiều hứng thú nữa.
Đầu tiên là việc đánh giá hạnh kiểm học sinh. Tôi cho rằng không ai có thể đánh giá đạo đức của một con người, nhất là học sinh. Các em đến trường để học. Cho dù các em có mắc lỗi, thì những hình phạt ở trường cũng cần phải mang tính giáo dục và nhân văn. Làm sao có thể coi việc phê bình học sinh trước lớp chỉ là bước một của hình thức khiển trách? Thầy cô nghĩ thế nào khi gọi tên em, để em đứng lên và nghe thầy cô nêu những sai phạm của em trước tất cả bạn bè trong lớp? Rồi hình thức phê bình trước cờ nữa. Tôi thấy chúng quá nặng nề. Việc hạ hạnh kiểm của một học sinh xuống mức Khá đối với tôi là không nên làm, chưa nói đến hạ xuống mức Trung bình hay Yếu.
Việc đánh giá đạo đức Khá đối với một học sinh đã phủ nhận những điều tích cực nơi em, vì có thể em phạm lỗi đi trễ, quên sách, nói chuyện (lỗi nào cũng bị trừ điểm và cứ trừ 10 điểm thì bị hạ một bậc hạnh kiểm, tuỳ trường), nhưng em có thể là một người con rất hiếu thảo ở nhà, một người bạn rất chân thành… Rồi đến nghỉ có phép, cha mẹ đến trường xin cho con nghỉ ốm cũng bị trừ điểm hạnh kiểm.
Trường có đội cờ đỏ đứng trực để ghi tên các bạn vi phạm nội quy và đi trễ. Việc này theo tôi là không nên duy trì nữa, vì ảnh hưởng thời gian nghỉ giải lao của các em. Nó cũng vô tình làm cho các em thêm tính xét nét đối với người khác. Việc em ghi tên bạn vào sổ để bạn bị trừ điểm hạnh kiểm có mục đích giáo dục gì cho em? Có ảnh hưởng gì đến mối quan hệ của em với các bạn bị em ’bắt’?
Việc kiểm tra, thi cử diễn ra thường xuyên và tạo áp lực lớn cho học sinh. Việc phải học theo một sách giáo khoa khiến các thầy cô không thể mở rộng và cập nhật nhiều kiến thức mới, vì dạy ‘ngoài lề’ như vậy sẽ khiến các em thiệt thòi khi kiểm tra đề chung, vì đáp án sẽ chỉ dựa vào nội dung ghi trong sách giáo khoa. Cũng vậy, học sinh phải học thuộc rất nhiều trong sách.
Việc xếp hạng giáo viên còn nhiều bất cập. Mục đích của việc xếp hạng là để tạo động lực cho giáo viên nâng cao trình độ. Bản thân tôi hiện có bằng Tiến sĩ và “được” xếp là giáo viên hạng III, là hạng thấp nhất có thể xếp. Các anh chị đồng nghiệp của tôi, có nhiều người chuyên môn rất vững, có bằng Thạc sĩ, nhưng không thể nộp hồ sơ xin thăng hạng vì không có chứng chỉ tiếng Anh.
Ảnh minh họa
Tôi tin là quy định về tiếng Anh ở mức A2 và B1 hiện nay, nếu có, thì nó cũng không giúp ích được nhiều cho các thầy cô nghiên cứu tài liệu nước ngoài, và họ phải dạy theo sách giáo khoa. Lưu ý là trong sách cũng phiên âm nhiều từ khiến học sinh khó tìm kiếm trên mạng nếu muốn tìm hiểu thêm, như ‘máy bay e-bớt’, ‘biển Măng-sơ’ hay ‘vùng Ma-xơ Rai-nơ’. Nên chăng, tuỳ theo môn học mà quy định chứng chỉ tiếng Anh hay không. Để bắt kịp với xu thế của thế giới, thì việc này cần tiến hành ngay khi đào tạo sinh viên sư phạm để họ có thể đọc tài liệu, thậm chí giảng dạy bằng tiếng Anh.
Lương giáo viên rất thấp. Hiện nay, dù có thâm niên công tác, tôi được nhận chưa đến 8 triệu một tháng. Vật giá ngày càng cao, lương người giúp việc bình quân cũng đã 5 triệu đồng rồi, mà nhà giáo chúng tôi chỉ nhận được bấy nhiêu, thì làm sao chúng tôi xoay sở? Làm sao là thầy cô hạnh phúc để truyền lửa cho học trò?
PV
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC