Trong khi nhiều người vẫn đang ngày ngày "cày cuốc" để mua cho mình một căn nhà chốn thành thị thì vẫn có những con người luôn mong muốn được trở về sống gần gũi với thiên nhiên. Chị Nguyễn Phương Thủy (1984) và anh Peter Ferris (1967) là một cặp vợ chồng như vậy.
Vách nhà bằng tôn kẽm giúp giảm chi phí nhưng nếu không xử lý kĩ sẽ dễ hấp nhiệt vào mùa hè
Năm 2011, chị Thủy đang làm nhân viên cho một tổ chức phi chính phủ của Mỹ ở Sài Gòn. Trong một lần đi sang Singapore chơi, chị gặp anh Peter thông qua một người bạn. Khi đó, anh đang làm Giám đốc mảng xây dựng khu vực Châu Á Thái Bình Dương cho một công ty lớn. Sau 6 lần cầu hôn không thành, cuối cùng chị Thủy cũng gật đầu đồng ý về một nhà với anh Peter sau 6 tháng quen nhau.
Vợ chồng chị Thủy và anh Peter Ferris
Trong suốt nhiều năm, anh Peter từng nói một ngày nào đó sẽ dẫn chị về Úc, về những nơi hẻo lánh, tránh xa phồn hoa đô thị. Chị Thủy cũng dần dần bị cuốn vào mơ ước của chồng. Sau khi sinh sống ở Thái Lan, Việt Nam, cuối cùng anh chị cũng quyết định trở lại quê nhà của anh vào năm 2015.
Đã chuẩn bị tinh thần từ trước, nhưng lần đầu tiên nhìn thấy nơi ở mới, chị Thủy cũng không khỏi bất ngờ. Người chủ cũ bỏ hoang khu đất suốt 30 năm, không có cổng, hàng rào, lối vào. Phía trong khu đất chỉ còn một ngôi nhà cũ bị mối mọt, hư hỏng, cỏ mọc dại cao quá đầu người. Tuy nhiên, hai vợ chồng vẫn quyết tâm gắn bó với nơi đây.
Tọa lạc ngay trên đường quốc lộ New England Highway - trục đường chính nối liền thành phố Brisbane, thủ phủ của bang Queensland với các thành phố, thị trấn nối liền giữa miền Bắc và miền Nam nước Úc, khu đất này khá là đặc biệt vì có một hẻm vực núi sâu 85 mét nằm cắt ngang khu đất. Bên cạnh đó là một số hang động nhỏ, khe suối và mỏm đã nằm dọc theo hẻm vực núi. Chính vì thế mà chị Thủy và chồng đã lên ý tưởng xây dựng ngôi nhà của mình theo phong cách đồng quê với dự kiến sẽ biến nơi thành thành một khu du lịch sinh thái.
Nơi đây là nơi cư ngụ của nhiều loại chim, vẹt bản địa, cũng như các loài động vật khác như nhím, thỏ, nai, gấu koala.
Mua khu đất này vào tháng 3/2015, hai anh chị mất gần 1 năm để khai hoang, lắp đặt điện nước cũng như thiết kế và xin giấy phép xây dựng. Suốt một năm trời, sống trong cảnh không điện, không nước, không bếp, chị Thủy phải dùng nước mưa, chặt củi để nấu nướng suốt một năm.
Mỗi tối, anh chị ngồi bên bếp lửa, cùng ngắm sao trời, uống rượu vang chờ đồ ăn chín. Hai vợ chồng bàn kế hoạch và chi tiết công việc cần làm cho hôm sau. Hầu hết anh chị đều cố gắng tự làm để tiết kiệm chi phí. Những việc quá nặng nhọc, hai vợ chồng chỉ thuê thêm thợ làm việc theo giờ.
Trong suốt 1 năm trời, 2 vợ chồng sống không điện, không nước, dồn hết tâm sức gây dựng trang trại.
Sau gần 2 năm gây dựng, tháng 9/2016, nông trang của chị Thủy và ông xã người Úc cũng hoàn thành. Trang trại nằm ẩn mình trong khu đất rộng gần 30 hecta, được bao phủ bởi rừng cây, đồi núi và thung lũng xinh đẹp của vùng Crows Nest, bang Queensland, Australia.
Khu nhà ở được xây theo kiểu nhà sàn, vốn là phong cách xây đặc trưng của bang Queenland vì địa hình đồi núi. Ngôi nhà có diện tích 345m2 và mất gần 7 tháng thi công, hoàn thiện.
Ngôi nhà có 7 phòng ngủ với 8 phòng tắm - vệ sinh do vợ chồng chị Thủy lên ý tưởng thiết kế cũng như tự tay lựa chọn vật liệu. Mỗi phòng ngủ đều có nhà tắm, vệ sinh và phòng để quần áo riêng. Các phòng có thể liên thông với nhau bằng các cánh cửa kéo rất thuận tiện cho những gia đình có đông thành viên.
Mỗi phòng ngủ đều được bài trí theo một phong cách khác nhau, với điểm nhấn là những bức tranh thêu tay từ làng nghề truyền thống Hà Đông, Việt Nam.
Toàn bộ vách bên ngoài của ngôi nhà là tôn kẽm vì loại vật liệu này không quá đắt tiền so với gạch hay gỗ, mà lại rất bền và không phải tốn công sơn phết. Tuy nhiên, yếu điểm của loại vật liệu này là hấp nhiệt nên toàn bộ phần khung, sàn, trần nhà và tường ngăn bên trong đều được lót bằng vật liệu cách nhiệt và cách âm để giúp ngôi nhà ấm áp hơn vào mùa đông và mát mẻ hơn vào mùa hè.
Toàn bộ ván lát cầu thang và hàng hiên đều được cắt xẻ từ gỗ ở tại khu đất này.
Ngôi nhà có không gian mở với phòng khách và nhà bếp liền kề với rất nhiều cửa sổ, và cửa chính ra vào là cửa kính kéo, với mục đích mang sự gần gũi của thiên nhiên cây cảnh bên ngoài vào tận bên trong nhà.
Toàn bộ trang thiết bị nội thất trong nhà được lên ý tưởng thiết kế và đóng tại Việt Nam để tiết kiệm chi phí. Ngôi nhà cũng là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách đồng quê Úc, điểm xuyết một chút hương vị Việt Nam qua những bức tranh đá quý, tranh thêu tay làng nghề truyền thống được mang từ Việt Nam sang.
Không gian sinh hoạt chung thoáng đãng và rộng rãi với thiết kế mở
Trong trang trại nuôi nhiều loại thú khá đặc biệt, chủ yếu được cứu về từ nhiều nơi tại Queensland
Nguồn: Gia đình và xã hội
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC