Anh không thể đứng vững, toàn thân đau nhừ, ớn lạnh, mồ hôi túa ra ướt hết lưng áo. Sau khi trấn tĩnh, Thái, 45 tuổi, quay sang nói với quản lý của Viện dưỡng lão Belmore: "Có lẽ tôi đã nhiễm nCoV".
Dứt lời, anh rời phòng làm việc và lái xe về nhà. Trên quãng đường hơn một cây số, anh cố nhớ lại xem "mình đã làm gì sai để bị nhiễm virus". Thái tin anh và các đồng nghiệp đã rất thận trọng, mang đầy đủ các thiết bị như khẩu trang, găng tay và quần áo bảo hộ. Anh đoán mình bị nhiễm nCoV qua không khí, khi chăm sóc các bệnh nhân Covid-19.
Về đến nơi, Thái cố gắng không gây tiếng động để vợ và con anh không bị thức giấc lúc 3h sáng, đi thẳng vào căn phòng tách biệt ở sau nhà, vốn để dành cho thuê. Anh nằm vật xuống giường mê man.
Sáng hôm sau, khi nghe tiếng vợ gọi cửa, Thái mới tỉnh giấc. Khó khăn lắm anh mới mở được miệng để trả lời, thân thể như bị đá đè, không thể nhấc nổi tay hay chân. Thái yêu cầu vợ trở lại nhà chính để nói chuyện qua điện thoại. Ở đầu dây bên kia, vợ anh im lặng một lúc sau khi nghe anh nói về tình trạng của mình. Thái hiểu rằng vợ chưa sẵn sàng đối diện với tình trạng này, dù hai người trước đó từng nói chuyện về nguy cơ lây nhiễm nCoV ở nơi anh làm việc.
Đáp lời Thái, vợ anh thống nhất sẽ thực hiện phương án họ đã từng bàn: anh sẽ tự chăm sóc mình ở phòng riêng, cô và các con không tiếp xúc trực tiếp, hàng ngày đem đồ ăn và những vật dụng cần thiết để ở trước cửa phòng. Trên thực tế, Thái đã ở phòng riêng để cách ly với vợ con từ ba tuần trước đó, khi một đồng nghiệp của anh nhiễm nCoV. Điều khác biệt duy nhất là giờ đây anh phải một mình "chiến đấu" với kẻ thù vô hình.
Trong ngày đầu tiên, Thái khó thở, ho và hắt hơi liên tục, đau tức cả lồng ngực và vùng bụng. Mũi anh nghẹt cứng, lỗ tai bùng nhùng, đầu đau như búa bổ, tim đập nhanh, người sốt hầm hập. Riêng trong buổi sáng, anh phải bò vào toilet vài lần vì bị nôn và tiêu chảy. Thái không cảm thấy đói, không ngửi thấy mùi hay cảm nhận được vị ngon của đồ ăn dù vợ anh chuẩn bị cẩn thận và đẹp mắt. Anh chuyển sang uống sữa nóng, dung dịch bù điện giải để bổ sung dinh dưỡng và chống mất nước cho cơ thể.
Để giữ cho họng không bị khô, Thái uống nước ấm thường xuyên, kể cả lúc không khát. Anh cũng thường xuyên khò nước muối để giữ sạch họng và coi đây là một biện pháp rất hiệu quả.
Thực hiện hướng dẫn của bác sĩ gia đình, Thái uống panadol 6 tiếng một lần, chườm khăn lạnh để hạ sốt. Tuy nhiên, sốt không cắt, duy trì ở mức 37,6 độ. Anh dùng ventolin, thuốc dành cho người bị hen suyễn, cảm thấy dễ chịu hơn nhưng chỉ có tác dụng trong hai tiếng. Do đó anh dùng thêm thuốc xịt mũi và máy trợ thở (nebuliser) để làm ẩm khí quản và đẩy đờm ra. Thái tự xoa bóp để giảm đau nhức, tránh dùng thuốc giảm đau khác do sợ có tác dụng phụ.
Đoàn Thái trong tuần đầu bị nhiễm nCoV. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
"Uống Nurofen, tôi sẽ bị lên cơn suyễn. Uống Codeine Forte thì bị táo bón", Thái nói.
Đến ngày thứ ba, dù thân thể rã rời, Thái vẫn gượng dậy để đi xét nghiệm vì chính quyền chưa thực hiện tại nhà. Anh không dám nhờ người thân đưa đi hay đi taxi vì sợ lây nhiễm cho họ. Anh nhận kết quả dương tính với Covid-19.
"Dù đã chuẩn bị trước tinh thần, tôi vẫn không khỏi bần thần. Nhưng tôi cũng tự nhủ mình phải kiên trì chống cự", Thái, người trước đó luôn khỏe mạnh và không có bệnh nền, nói.
Những ngày sau đó, anh ngủ li bì "không biết trời đất gì", khi tỉnh dậy mới thấy điện thoại có hàng chục cuộc gọi nhỡ của vợ và hai con gái. Cô con lớn 16 tuổi, thường xuyên động viên ba, còn cô bé mới 6 tuổi, thỉnh thoảng khóc thút thít vì thương ba phải chịu đau. Với kiến thức trong ngành y, Thái thường xuyên đo nhịp tim và nồng độ oxy trong máu để biết tình trạng của mình. Do hai chỉ số này không bất thường nên anh không gọi cấp cứu, chủ yếu liên lạc với bác sĩ để cập nhật hướng dẫn điều trị. Cứ đến chiều Thái lại trở sốt và hầu như đêm nào anh cũng gặp ác mộng. Có đêm mơ thấy gặp ông bà đã mất, anh bật dậy giữa đêm, khóc như một đứa trẻ vì tưởng mình đã sang thế giới bên kia.
Để tĩnh tâm, Thái tập trung thiền, nghe nhạc và tập thở. Ang ngồi trên giường hít sâu và giữ trong 5 giây. Anh cũng dùng ống thổi để thổi nước trong ca, một tiếng một lần để giúp vận động phổi, theo hướng dẫn của một người bạn có chuyên môn về vật lý trị liệu. Hàng ngày Thái uống nước gừng nóng pha mật ong và chanh để giữ ấm cơ thể, tuyệt đối tránh nước lạnh. Anh dần dần có thể uống súp, ăn cháo mà không bị nôn ra.
Sau gần ba tuần lâm bệnh, đến ngày 18/8, Thái bắt đầu có cảm giác ăn ngon miệng. Anh biết mình đã qua cơn nguy kịch dù vẫn còn yếu. Anh đi xét nghiệm nCoV lần hai và có kết quả âm tính.
"Cầm kết quả trên tay, tôi thấy tinh thần lên rất nhiều, nhưng không thể chủ quan", Thái nói.
Anh tiếp tục cách ly với gia đình trong khi chờ xét nghiệm lần ba để đảm bảo không tái dương tính. Có thâm niên 5 năm làm y tá, vừa chăm sóc vừa tham gia điều trị cho bệnh nhân, Thái sớm nhận thấy nCoV là một loại virus nguy hiểm. Do đó anh thực hiện các biện pháp phòng dịch quyết liệt, không tiếp xúc với vợ con và người thân đến mức "khiến nhiều người giận", cho là "anh làm quá lên". Thời điểm trước khi bị nhiễm virus, Thái phải làm việc với cường độ cao khi có đến hơn 150 ca dương tính với Covid-19, trong khi số lượng nhân viên chỉ bằng một nửa số đó. Tính đến ngày 25/8, Australia ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm và hơn 520 người thiệt mạng do Covid-19.
Hiện Thái cảm thấy mình mới hồi phục được khoảng 40% sức khỏe, người vẫn còn đau nhức, đi lại khó khăn và trí nhớ kém. Anh đoán cần ba tháng nữa mới có thể trở lại bình thường hoàn toàn. Thái cho rằng bên cạnh việc tuân thủ nghiêm hướng dẫn của bác sĩ, người nhiễm nCoV cần chú trọng sức khỏe tinh thần, chia sẻ với người thân, bạn bè qua các ứng dụng trên internet để không bị cô đơn, cảm thấy thoải mái và lạc quan hơn.
"Tôi cho rằng điều quan trọng nhất với bệnh nhân Covid-19 là phải giữ được bình tĩnh. Điều đó có thể nghe bình thường nhưng không dễ thực hiện", Thái nói.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC