Cái giá mà châu Âu phải trả khi nhượng bộ Trung Quốc về thương mại

Các ngành công nghiệp quan trọng của châu Âu từ sản xuất thép đến năng lượng mặt trời đang chuẩn bị phải đối mặt với một sức ép không hề nhỏ, đó là một bộ luật mới về thuế quan có thể khiến cho khả năng chống đỡ hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc và một số quốc gia khác bị suy yếu đáng kể.

Theo đó, chính phủ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã thông báo sẽ đưa ra kế hoạch cải tiến lớn nhất về sự điều chỉnh thuế quan của nền kinh tế chung, trong đó có những vấn đề quan trọng như các quy định áp thuế đối với hàng nhập khẩu giá rẻ và chống bán phá giá đối với hàng hóa từ nước ngoài.

Động thái này được xem là phản ứng của EU để đáp lại những đòi hỏi lâu nay của Chính phủ Trung Quốc về việc có các biện pháp mang tính ưu đãi hơn đối với hàng hóa nhập khẩu vào thị trường EU của nước này. Điều này đang được dự đoán là sẽ đồng nghĩa với việc EU nhiều khả năng sẽ đồng ý công nhận Trung Quốc là quốc gia có nền kinh tế thị trường, cùng với đó là khoảng 9 nước khác có tình trạng nền kinh tế tương tự như Trung Quốc. Nếu trở thành sự thật, các quy định xiết chặt về nhập khẩu cũng như thuế quan và hình phạt về chống bán phá đối với hàng hóa Trung Quốc và 9 quốc gia nói trên của EU sẽ giảm đi đáng kể.

 

Cái giá mà châu Âu phải trả khi nhượng bộ Trung Quốc về thương mại - 0

Laurent Ruessmann, chuyên gia về thương mại tại văn phòng luật sư Brussels Fieldfisher LLP, cho biết: “Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều thủ tục hơn mà các ngành công nghiệp ở châu Âu phải thực hiện nếu muốn tiến hành một vụ kiện bán phá giá. Đồng thời, các cơ quan thương mại EU sẽ có nhiều quyền tự quyết hơn trong việc xử lý các vấn đề mà họ phụ trách. Điều này có tác động ra sao còn phải tùy thuộc vào việc nó sẽ được áp dụng như thế nào”.

Đây được xem là củ cà rốt mà EU đang chìa ra cho Trung Quốc trong bối cảnh cả hai đều tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo nền thương mại toàn cầu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lập trường bảo hộ – một động thái được xem là làm rung chuyển trật tự thương mại thế giới kể từ sau thế chiến thứ hai. Hiện tại, Mỹ đang có cách tiếp cận khác hẳn với EU trong vấn đề này khi Washington đã từ chối đề nghị công nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc cũng như đề xuất thay đổi cách tính thuế chống phá giá của nước này.

Trong khi đó, châu Âu lại đang được đánh giá nhiều khả năng sẽ loại bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia chưa có nền kinh tế thị trường và điều chỉnh cách tính thuế chống phá giá. Trước đó, dù là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, nhưng Trung Quốc vẫn bị xếp vào nhóm các nước không có những tiêu chuẩn của nền kinh tế thị trường theo quan điểm của EU, khiến cho hàng hóa của Trung Quốc phải đối mặt với các sắc thuế chống bán phá giá của EU nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Theo thống kê, các khoản thuế này lên tới hàng tỉ euro, chủ yếu đến từ các mặt hàng như thép, tấm pin mặt trời, xe đạp, đồ gia dụng,… Giám đốc Trung tâm Kinh tế Chính trị Quốc tế Châu Âu tại Brussel, ông Hosuk Lee-Makiyama, cho biết: “Trung Quốc từ lâu đã khao khát sự công nhận nền kinh tế thị trường từ phía EU, đến mức nó gần như là một chiếc Chén Thánh vậy”.

Trên thực tế, EU thường sử dụng số liệu của các nước khác để tính thuế chống bán phá giá với hàng hóa Trung Quốc với lý do sự can thiệp của chính phủ nước này đối với hoạt động sản xuất và xuất khẩu đã làm méo giá. Tuy nhiên, điều này đang đứng trước những sức ép phải thay đổi. Trong thỏa thuận gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) của Trung Quốc 16 năm trước có điều khoản, theo đó đến thời điểm tháng 12.2016, nước này sẽ được các quốc gia thành viên khác trao quy chế là nền kinh tế thị trường. Để thúc đẩy vấn đề này, Bắc Kinh đã đưa đơn kiện EU tại Tòa trọng tài thương mại toàn cầu ở Geneva trong tháng này, yêu cầu các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu phải tuân thủ các điều khoản trên. Các nhà lập pháp EU trước đó đã bàn bạc trong tháng 10 và Nghị viện châu Âu đã chính thức xác nhận rằng việc phê duyệt thỏa thuận mới này sẽ diễn ra vào ngày 4.12.2017. Dự kiến, thỏa thuận mới sẽ được công bố vào ngày 18.12 tới đây, bao gồm cả những thỏa hiệp cho phép các thỏa thuận tự do thương mại song phương giữa các nước Bắc Âu với Trung Quốc.

Nhận định về động thái mang tính thỏa hiệp này, ông Lee-Makiyama cho rằng: “Đó là một giải pháp khá lịch thiệp. EU dường như đã tìm được một sự thỏa hiệp gần như không thể xảy ra giữa nhu cầu của các ngành công nghiệp truyền thống ở châu Âu luôn đối địch với hàng hóa Trung Quốc với các nghĩa vụ về pháp lý của WTO. Thỏa thuận sẽ vẫn bao gồm các biện pháp để bảo vệ các ngành sản xuất ở châu Âu, đồng thời cũng tạo ra lộ trình gỡ bỏ các hạn chế với Trung Quốc một cách dần dần”.

Theo đó, để giảm bớt tác động của thỏa thuận mới này đối với các ngành sản xuất châu Âu, EU sẽ sử dụng một công thức đặc biệt để tính thuế chống bán phá giá đối với các quốc gia có thị trường thuộc diện “có sự biến dạng nhất định” do sự can thiệp của nhà nước, nhiều khả năng sẽ bao gồm cả Trung Quốc. Điều này phần nào được khẳng định khi Chính phủ Trung Quốc đang đưa ra những tín hiệu hoài nghi về thỏa thuận mới này của EU. Bộ Thương mại Trung Quốc trong một phát ngôn vào giữa tháng 11 vừa qua cho biết, khái niệm “thị trường biến dạng nhất định” của EU sẽ gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hệ thống pháp luật về chống bán phá giá của WTO; đồng thời cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ bảo lưu các quyền lợi của mình theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO cũng như sẽ có các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các công ty nước này.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Nguồn: motthegioi.vn


© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan