Ông Trump đang cho thấy nhiệm kỳ thứ hai sẽ khá giống với nhiệm kỳ đầu tiên, được định hình bởi các cuộc chiến kinh tế và ngoại giao mà ông đã khơi mào với cả đồng minh lẫn đối thủ.
Tổng thống đắc cử từ lâu đã có lập trường cứng rắn, với mục tiêu làm các đối tác đàm phán e ngại. Đây là một phần trong chiến lược mà ông sử dụng ở nhiệm kỳ đầu tiên nhằm đối phó với Iran và chương trình hạt nhân Triều Tiên.
Cuối cùng, chiến lược "gây áp lực tối đa" ông theo đuổi đã tạo ra những kết quả gây tranh cãi. Iran bị bóp nghẹt về mặt tài chính nhưng vẫn tiếp tục hỗ trợ các lực lượng đồng minh ở Trung Đông còn Triều Tiên vẫn phát triển và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình.
"Toàn bộ thế giới quan của ông ấy là áp lực tối đa, đơn giản vậy thôi. Ông ấy muốn đối tác đàm phán nghĩ rằng ông ấy sẵn sàng làm những gì mà hầu hết mọi người cho là không thể tưởng tượng được", một cố vấn của Tổng thống đắc cử cho hay.
Ông Donald Trump trong một cuộc vận động tranh cử ở Michigan ngày 1/11. Ảnh: Reuters
Ông Trump hôm 25/11 công bố kế hoạch buộc các nước phải ngăn chặn dòng người di cư vượt biên trái phép và hoạt động vận chuyển fentanyl vào Mỹ, bằng cách áp thuế 25% đối với hàng hóa từ Canada, Mexico, đồng thời áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa Trung Quốc. Cả ba nước này đều là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Ba chính phủ đó có thể "dễ dàng giải quyết vấn đề âm ỉ từ lâu này", Tổng thống đắc cử viết trên mạng xã hội Truth Social. "Cho đến khi họ làm được điều đó, họ cần phải trả một cái giá thật đắt".
Động thái trên, nếu được thực hiện theo đúng kế hoạch vào ngày nhậm chức của ông Trump, có thể làm đảo lộn hoạt động thương mại toàn cầu và làm tăng chi phí đối với người tiêu dùng Mỹ. Mục tiêu Tổng thống đắc cử hướng đến là nhanh chóng giành được đòn bẩy trong các cuộc đàm phán, dù là với đồng minh hay đối thủ.
"Áp thuế quan với đồng minh là biện pháp nhẹ hơn so với tung lệnh trừng phạt lên đối thủ, nhưng cả hai đều nhắm tới cùng một mục đích là tăng đòn bẩy đàm phán để đạt được một thỏa thuận thúc đẩy lợi ích của Mỹ", Mark Dubowitz, giám đốc điều hành Quỹ Bảo vệ các Nền dân chủ, người thường xuyên trao đổi với các quan chức chính quyền Trump tương lai, giải thích. "Đó là áp lực tối đa trên phạm vi toàn cầu".
Ông Trump sẽ trở lại Phòng Bầu dục trong bối cảnh thế giới nguy hiểm hơn nhiều so với lần đầu tiên ông điều hành Nhà Trắng. Xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ở Trung Đông, giao tranh giữa Israel và Hamas đã khiến hàng chục nghìn người chết và khiến gần như toàn bộ hơn hai triệu người dân Gaza phải di dời. Trong khi đó, Iran đã tiến gần hơn đến mục tiêu chế tạo nhiên liệu cần thiết cho vũ khí hạt nhân.
Dưới hầu hết các chính quyền Mỹ trước đây, những quyết định chính sách đối ngoại quan trọng đều được cân nhắc kỹ lưỡng trong các cuộc họp giữa tổng thống với đồng minh, trợ lý, cố vấn cấp cao và các nhà lập pháp. Ông Trump đã đảo ngược quá trình này trong nhiệm kỳ đầu tiên khi ông thường công bố các chính sách một cách bất ngờ.
Một tuần sau khi nhậm chức nhiệm kỳ đầu, ông đã ký sắc lệnh hành pháp cấm công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, mặc dù tài liệu này chưa được các luật sư chính phủ xem xét.
Những lời chỉ trích về các hoạt động thương mại của Mỹ là chủ đề lớn trong chiến dịch tranh cử năm 2016 của ông Trump. Ông tuyên bố sẽ đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và cuối cùng, ông ký một thỏa thuận mới, Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada, có hiệu lực vào năm 2020.
Năm 2018, ông Trump áp thuế lần lượt 25% và 10% đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), khiến khối này đáp trả bằng cách áp thuế nhập khẩu đối với rượu bourbon Kentucky. Ông cũng đã đe dọa áp thuế 20% đối với ôtô và phụ tùng ôtô từ châu Âu, nhưng Mỹ và EU sau đó đạt được thỏa thuận để tránh leo thang thêm.
Mục tiêu chiến tranh thương mại lớn nhất của ông Trump là Trung Quốc. Ông cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào thị trường nước này. Năm 2018, ông Trump áp thuế 10% đối với nhôm, 30% với tấm pin mặt trời và máy giặt, cùng 25% thuế với tất cả các sản phẩm khác từ Trung Quốc. Chính quyền ông Biden sau đó đã duy trì phần lớn các biện pháp này.
Một báo cáo năm 2019 của Hội đồng Dự trữ Liên bang chỉ ra rằng "động thái tăng thuế ban hành vào năm 2018 có liên quan đến việc giảm việc làm trong lĩnh vực sản xuất và tăng chi phí sản xuất".
Ông Trump (trái) và ông Trudeau tại Anh năm 2019. Ảnh: Reuters
Trước lời đe dọa áp thuế của ông Trump trong nhiệm kỳ này, Tổng thống Claudia Sheinbaum tuyên bố Mexico sẽ "đáp trả tương xứng" với mỗi đòn thuế Mỹ đưa ra.
Bà Sheinbaum đang phải đối mặt với tình thế khó khăn tương tự người tiền nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador. Trước đây, ông Trump từng đe dọa áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico trừ khi nước này ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp vào Mỹ, khiến ông Obrador phải cử lực lượng vệ binh quốc gia Mexico đến biên giới hai nước. Ông Trump sau đó đã hủy bỏ lời đe dọa.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã điện đàm với ông Trump ngay sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ đưa ra lời đe dọa. "Chúng tôi đã nêu rõ những thực tế, nói về tác động qua lại của mối liên hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa hai quốc gia", ông cho hay, nhắc đến khoảng 400 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Canada sang Mỹ mỗi năm.
4 ngày sau, ông Trudeau đã đến Florida để gặp ông Trump. Thủ tướng Canada nói với các phóng viên rằng ông có cuộc trò chuyện "tuyệt vời" nhưng không trả lời thêm bất kỳ câu hỏi nào.
Trong khi đó, các quan chức địa phương Canada có những phản ứng gay gắt hơn. Doug Ford, thủ hiến Ontario, tỉnh bang lớn nhất Canada, nêu kịch bản cắt nguồn cung điện cho Mỹ. Canada là nước xuất khẩu nhiều điện nhất cho Mỹ, dù chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong tổng lượng tiêu thụ. Mỹ và Canada từ lâu dựa vào nhau để đáp ứng nhu cầu điện trong thời kỳ cao điểm hoặc nguồn cung yếu, như trong trường hợp hạn hán ảnh hưởng đến thủy điện.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cảnh báo rằng sẽ không có bên nào "chiến thắng trong cuộc chiến thương mại hay cuộc chiến thuế quan". Bắc Kinh cũng khẳng định họ đã có những bước đi cần thiết nhằm chống nạn buôn ma túy.
Các đồng minh châu Âu coi lời đe dọa của ông Trump là dấu hiệu cho thấy họ có thể sớm bị mắc kẹt trong một cuộc chiến thương mại. EU đã thảo luận về các biện pháp đối phó, trong đó có việc nhắm mục tiêu vào các sản phẩm được sản xuất tại những địa phương Mỹ ủng hộ ông Trump, để gây đau đớn về mặt chính trị cho ông.
Tuy nhiên, "những cảnh báo và tín hiệu từ nước ngoài có lẽ không thể thuyết phục ông Trump lùi bước, vì thương mại là vấn đề đặc biệt quan trọng đối với Tổng thống đắc cử", Vivian Salama, nhà bình luận của WSJ, viết.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC