Eu đang đẩy mạnh các biện pháp chống trốn thuế trong những năm gần đây.
Động thái này như là một phần kế hoạch trừng trị các thiên đường thuế của EU.
Danh sách đen bao gồm Hàn Quốc, Mông Cổ, Macao, American Samoa, Bahrain, Barbados, Grenada, Guam, Marshall Islands, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad & Tobago, Tunisia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ này bị cáo buộc như những thiên đường thuế. Điều này cũng có nghĩa là họ đã thúc đẩy bất công thuế hoặc không chia sẻ thông tin tài chính quan trọng với EU.
EU cho biết các quốc gia, vùng lãnh thổ này sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt liên quan đến chính sách ngoại giao, quan hệ kinh tế và hợp tác phát triển.
Các biện pháp trừng phạt có thể bao gồm việc cung cấp tài liệu bí mật và không khấu trừ thuế. Các quốc gia thuộc EU cũng được yêu cầu kiểm toán và giám sát giao dịch với 17 quốc gia, vùng lãnh thổ trên.
Hơn chục quốc gia đã thoát khỏi danh sách đen của EU nhờ cam kết cải thiện các chính sách thuế, minh bạch và chia sẻ thông tin.
Đồng thời, không có quốc gia thành viên EU nào bị đưa vào danh sách đen, dù trước đó tổ chức này đã cáo buộc Hà Lan và Ireland dành cho Starbucks và Apple các khoản thuế ưu đãi.
Những năm gần đây, EU đã tăng cường các nỗ lực chống trốn thuế sau khi một số tài liệu lớn được công khai. Tài liệu gần đây nhất là Paradise Papers cho thấy các tổ chức, nhà lãnh đạo và người nổi tiếng dùng các tài khoản ở nước ngoài để trốn thuế và che giấu tài sản cá nhân.
Năm ngoái, EU ban hành các chính sách mới, bắt buộc các công ty đa quốc gia hoạt động trong khu vực phải công bố chi tiết về hoạt động tại các thiên đường thuế và tổng số tiền họ nộp thuế tại ở các quốc gia khác trên thế giới. Tổ chức này cũng có các hành động pháp lý với các doanh nghiệp lớn, trong đó Amazon bị cáo buộc nợ thuế.
Theo VnExpress
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC