Có lẽ khi Thủ tướng Anh Theresa May cáo buộc điện Kremlin đã chủ mưu đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái ông, Yulia, và quyết định trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga, bà không ngờ rằng thái độ cứng rắn của mình lại có lợi cho Tổng thống Vladimir Putin! Chí ít đó là quan điểm của Andrej Kondrasjov, trưởng ban vận động tranh cử của ông Putin.
Phái viên thường trú tại Matxcơva của báo Berlingske (Đan Mạch) đã dẫn lời phát biểu của ông Kondrasjov là cũng nhờ Anh mà số cử tri đi bầu phiếu ngày 18-3 vừa qua đã đạt con số kỷ lục là 68%, cao hơn dự kiến từ 8-10%. Theo đánh giá của ông Kondrasjov, “cử tri Nga đã đoàn kết quanh một trung tâm quyền lực và trung tâm đó thực sự là Putin”.
Có thể nói êkíp của ông Putin đã khéo vận dụng vụ đầu độc trên để quảng bá hình ảnh của Vladimir Putin như là người duy nhất có thể đảm đương trách nhiệm lèo lái đất nước trong giai đoạn này.
Trong chiến dịch vận động tranh cử trước đó, ông Putin cũng đã dành hết một nửa thời gian trong bài phát biểu duy nhất trước công chúng của mình để nói về công cuộc tái vũ trang và các loại khí tài mới hầu “chống lại các thế lực thù địch với nước Nga”.
Thực tế cho thấy kết quả kỳ bầu cử vừa qua cũng là kết quả tốt nhất của ông Putin, đạt được 76,69% số phiếu bầu, so với 63,6% năm 2012 và 71,9 % năm 2004.
Đòn trừng phạt trục xuất ngoại giao
Nhưng tình hình có vẻ đã xoay chuyển quá nhanh. Các nước phương Tây và Mỹ, trong cùng một ngày, đã ra quyết định trục xuất các nhà ngoại giao Nga ở các mức độ khác nhau. Nhưng điều đó thể hiện sự đồng lòng của nhóm quốc gia này trước Matxcơva.
Khi vụ việc bắt đầu bùng phát hồi đầu tháng và các nước còn nghe ngóng cũng như quan sát cuộc tranh cãi giữa Nga và Anh về việc có hay không chuyện Matxcơva đứng sau vụ tấn công giết người bằng chất độc thần kinh trên đất Anh.
Có vẻ Anh đã nhanh chóng thuyết phục được các đồng minh của mình cũng như những quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) dù Anh sắp sửa rời khối quốc gia châu Âu này.
Ít nhất 14 nước thành viên EU tuyên bố trục xuất các nhà ngoại giao Nga. Bộ Ngoại giao Đức cho biết vừa trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, trong khi Pháp cho biết sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga trong vòng 1 tuần.
Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz cho biết sẽ trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga, đồng thời ra thời hạn để các nhà ngoại giao Nga rời nước này là vào nửa đêm ngày 3-4. Litva cũng tuyên bố sẽ trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga, và cấm 44 công dân Nga nhập cảnh vào nước này. Cộng hòa Czech cũng ra tuyên bố sẽ trục xuất 3 nhà ngoại giao Nga.
Đan Mạch, Hà Lan, Ý thông báo mỗi nước sẽ trục xuất 2 nhà ngoại giao Nga, còn Thụy Điển, Latvia, Estonia, Phần Lan, Romania, Croatia cũng tuyên bố trục xuất 1 nhà ngoại giao Nga.
Trong khi đó Mỹ tuyên bố đóng cửa Lãnh sự quán Nga tại TP Seattle, trục xuất 60 nhân viên ngoại giao và tình báo Nga làm việc tại Lãnh sự quán Nga tại Seattle và phái bộ tại LHQ. Những người bị trục xuất sẽ phải rời Mỹ trong 7 ngày tới.
Canada cũng trục xuất 4 người Nga bị cáo buộc làm tình báo hoặc can thiệp vào các vấn đề của Canada dưới “mác ngoại giao” cũng như từ chối ủy nhiệm thư của 3 nhân viên ngoại giao Nga.
Có lẽ trong lịch sử chính trị hiện đại chưa từng xảy ra tình trạng trả đũa ngoại giao ở mức độ tập thể như thế này. Nếu xét trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt kinh tế vừa được gia hạn thì không thể không xem đó như dấu hiệu rõ ràng của một cuộc Chiến tranh lạnh mới.
Dĩ nhiên Nga cũng mạnh mẽ tuyên bố sẽ đáp trả kiểu “ăn miếng, trả miếng”. Các biện pháp đáp trả của Nga trong nay mai cũng chính là dấu hiệu cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ lún đến đâu.
Các khả năng trả đũa của Anh
Trước đó, để đáp trả việc Anh trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga thì Nga cũng trục xuất 23 nhà ngoại giao Anh, tuy nhiên chuyện trục xuất đại sứ, cắt quan hệ ngoại giao giữa hai nước khó có khả năng xảy ra tại thời điểm này.
Điều đáng chú ý là trước khi xảy ra vụ tấn công tại TP Salisbury thì trên đất Anh đã xảy ra một số trường hợp tử vong mà người ta nghi ngờ là do Nga thực hiện.
Giữa năm 2017 trên trang tin BuzzFeed của Mỹ đã liệt kê 14 trường hợp tử vong từ năm 2003 tại Anh mà theo các cơ quan điều tra của Mỹ thì rất đáng ngờ, cho dù nguyên nhân được nhà chức trách Anh đưa ra là do tự tử, tai nạn hay bệnh tật. Trong số này có một nhà tài phiệt bị xem là kẻ thù của ông Putin là Boris Beresovski.
Sau khi nổ ra vụ đầu độc Skripal, trong dư luận Anh đã đặt ra vấn đề tẩy chay World Cup sẽ được tổ chức trong mùa hè năm nay tại Nga. Nhật báo nổi tiếng của Đức là tờ Bild cũng lên tiếng hô hào Đức tẩy chay World Cup, tuy nhiên khả năng điều này thực sự xảy ra là không cao vì Đức đang có tham vọng giành chức vô địch.
Hơn thế nữa, khi trả lời phái viên thường trú tại Matxcơva của báo Berlingske (Đan Mạch), chính trị gia đối lập Aleksej Navalnyj cho rằng biện pháp này sẽ không có tác dụng vì Kremlin sẽ dùng chuyện tẩy chay của các nước, nếu có, để tuyên truyền cho cái gọi là “sự thù địch của phương Tây đối với nước mẹ Nga”.
Một biện pháp mà báo chí Anh và EU đề cập tới trong những ngày này là trừng phạt những người Nga đang sinh sống tại Anh bị cáo buộc là tham gia đường dây rửa tiền cho các quan chức cao cấp và những người làm giàu bất chính tại Nga.
Ngân hàng Danske Bank của Đan mạch năm 2017 cũng bị điều tra vì nghi ngờ nằm trong đường dây rửa tiền của giới nhà giàu Nga tại Anh.
Theo báo The Guardian, chỉ riêng tại London hiện có khoảng 150.000 người sinh ra tại Nga sinh sống, một số lớn là người rất giàu có mà dễ nhớ nhất là Roman Abramovich, người sở hữu CLB bóng đá Chelsea FC và Alisher Usmanov, đồng sở hữu CLB Arsenal.
Trong số những nhà giàu Nga hiện sống tại Anh thì có một số đã lọt vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng vì không thể giải thích được nguồn gốc tài sản của mình.
Anh có đạo luật hiện hành về “Tài sản không giải thích được”, cho phép chính phủ tịch thu các tài sản có được do các hành vi phạm pháp hay rửa tiền. Nếu Chính phủ Anh áp dụng đạo luật này với họ thì có khả năng họ sẽ bị trục xuất hoặc tịch thu tài sản.
Cuộc chiến ngoại giao giữa Anh và Nga như vậy chỉ mới bắt đầu.
Theo Quế Viên – Tú Anh / tuoitre.vn
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC