Ngón đòn mới của Ukraine: Tập kích tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Nga

Ngón đòn mới của Ukraine: Tập kích tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Nga

Sau khi tập kích căn cứ hải quân Nga, nay Ukraine lại tăng cường tập kích căn cứ không quân Nga, sử dụng tên lửa đạn đạo ATACMS. Ukraine và phương Tây hy vọng điều này có thể thay đổi cục diện chiến trường theo hướng có lợi cho họ.

Ukraine dùng tên lửa đạn đạo đánh thẳng vào sân bay quân sự Nga

Thông tin gần đây cho thấy các tên lửa ATACMS do Mỹ cung cấp đã được Ukraine sử dụng để tập kích sân bay Dzhankoi của Nga ở vùng Bắc Crimea.

1 Ngon Don Moi Cua Ukraine Tap Kich Ten Lua Dan Dao Vao Can Cu Khong Quan Nga

Khoảnh khắc tên lửa ATACMS rời bệ phóng. Ảnh: AFP.

Đòn đánh mới này cho thấy vai trò trọng yếu của tên lửa đạn đạo tầm xa trong cuộc xung đột vũ trang Nga - Ukraine , cụ thể ở đây là giúp Ukraine đánh sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát.

Tổng cục Tình báo quốc phòng Ukraine (GUR) hôm 18/4/2024 thông báo rằng vụ tấn công nói trên vào sân bay Dzhankoi đã làm hư hại 4 bệ phóng tên lửa, 3 trạm radar và các khí tài khác. GUR cho biết thêm, số máy bay bị đánh trúng hoặc bị phá hủy do cuộc tập kích vào hôm 17/4 đang được làm rõ thêm.

GUR mô tả cuộc tập kích này là thành công nhưng họ không cung cấp chi tiết nào về vũ khí được sử dụng cho cuộc tấn công. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelensky cảm ơn các quân nhân tham gia vào vụ tấn công "chính xác" này.

Truyền thông Ukraine thông báo có một số vụ nổ tại sân bay trong đêm. Video lan truyền trên mạng internet cho thấy ngọn lửa bùng cháy tại căn cứ quân sự nói trên.

Sân bay này được cho là nơi chứa một lượng lớn máy bay chiến đấu của quân đội Nga cùng cơ sở hạ tầng hỗ trợ, bao gồm các hệ thống phòng không S-400 hiện đại của Nga - thiết bị dùng để bảo vệ lực lượng Nga trên bán đảo Crimea. Phía Nga hiện chưa công khai bình luận về vụ tấn công này.

Theo Rybar - một blogger quân sự Nga nổi tiếng, các lực lượng Ukraine đã sử dụng khoảng 12 tên lửa thuộc Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân (ATACMS) do Mỹ sản xuất để tấn công mục tiêu trên.

Trước đó, quân đội Ukraine đã thực hiện các cuộc không kích bằng ATACMS vào các căn cứ không quân Nga ở những vùng Nga mới kiểm soát, bao gồm các căn cứ ở Berdyansk trong tỉnh Zaporizhzhia và các căn cứ ở Lugansk.

Kỳ vọng làm suy giảm đáng kể năng lực không kích của Nga

Tên lửa đạn đạo chiến thuật này mang lại cho Ukraine năng lực tấn công tầm xa linh hoạt và nhanh chóng. Nó trước đó đã giúp Ukraine đánh sập cầu, vô hiệu hóa các trận địa tên lửa đất đối không của Nga, cũng như đánh chìm một số tàu hải quân, gây hư hại cho cơ sở chỉ huy và kiểm soát của đối phương.

Với tốc độ tối đa lên tới xấp xỉ Mach 3 (tương đươg trên 1km/giây), tên lửa này nhanh hơn hầu hết các tên lửa hành trình, bao gồm Storm Shadow do Anh sản xuất và đặc biệt là các mục tiêu quan trọng "nhạy cảm về thời gian".

James Bosbotinis - một chuyên gia về phòng thủ và quan hệ quốc tế, nói: "Các hệ thống tấn công tầm xa như ATACMS và Storm Shadow có thể được sử dụng để tấn công các cơ sở trọng yếu của Nga trên bán đảo Crimea. Thực tế chỉ ra, những cuộc tấn công như vậy vào các căn cứ của Hạm đội Biển Đen đã buộc Nga không thể tiếp tục đặt lực lượng này tại đó nữa".

Vẫn lời chuyên gia Bosbotinis: "Tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình cung cấp các năng lực khác nhau và các lợi thế cụ thể trước các mục tiêu cụ thể. Sử dụng cả hai sẽ nâng cao sự linh hoạt tác chiến".

Mỹ được cho là đã cung cấp khoảng 20 trong số các phiên bản ATACMS đời cũ hơn cho Ukraine vào tháng 10/2023 và số vũ khí này được triển khai nhanh chóng trên chiến trường. Khi đó, Oleksiy Danilov - cựu thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine, bình luận rằng các tên lửa này "vượt quá các mong đợi".

Biến thể ATACMS trước đó, được biết đến với cái tên M39 Block I, có tầm bắn khoảng 160km. Phiên bản mới nhất thì có tầm bắn lên tới 305km.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Biden dự kiến sẽ xuất các quả tên lửa ATACMS mới hơn, với tầm bắn xa hơn sang Ukraine nhằm giúp nước này thay đổi cục diện xung đột với Nga trong 25 tháng qua.

NBC News trích dẫn lời quan chức quốc phòng ở Washington hồi tháng 2/2024 cho biết Mỹ đang cân nhắc gửi các phiên bản ATACMS mới hơn cho Ukraine nếu Quốc hội Mỹ phê chuẩn gói viện trợ mới cho quốc gia Đông Âu này.

Tiến sĩ Bosbotinis nói: "Cung cấp các biến thể tầm xa 300km của tên lửa này sẽ giúp Ukraine đánh vào các mục tiêu Nga ở bất cứ nơi đâu trong khu vực của Ukraine mà hiện nay do Nga kiểm soát".

Gói viện trợ của Mỹ cho Ukraine trị giá 61 tỷ USD đã bị đình lại trong nhiều tháng do phản đối từ phe Cộng hòa. Tuy nhiên, một dự luận mới do Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson soạn thảo có bao gồm một điều khoản cho phép chính quyền ông Biden cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS "càng sớm càng tốt".

Theo vov.vn


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan