Nỗi stress của cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử

Nỗi stress của cử tri Mỹ trong kỳ bầu cử

Danielle Trenney, cử tri ở Pennsylvania, lo lắng về cuộc bầu cử đến nỗi cô quyết định dựng một cây thông Noel ngay vào tháng 11 để "xoa dịu nỗi bồn chồn".

Trenney, quản lý dự án 39 tuổi, nói rằng những gia đình khác cũng làm như vậy ở Bellevue, vùng ngoại ô Pittsburgh, điểm nóng bầu cử được cả đảng Dân chủ và Cộng hòa coi trọng.

"Tôi làm bất cứ điều gì để tránh phải suy nghĩ 'Ôi Chúa ơi, chuyện gì sẽ xảy ra?", Trenney, người đã bỏ phiếu sớm cho Harris, nói.

Cũng sống tại Pennsylvania, Jennifer Bunecke, 68 tuổi, nhà thiết kế đồ họa đã nghỉ hưu, quyết định bầu cho Trump. Nhưng Bunecke chán ngán các quảng cáo chiến dịch và những cuộc gọi liên tục từ các bên thăm dò ý kiến. Bà dành cả ngày đọc sách nấu ăn để giữ bình tĩnh. "Tôi vốn không đam mê chính trị", bà nói.

Nước Mỹ đang rất căng thẳng khi phải lựa chọn giữa hai ứng viên có tầm nhìn quá khác nhau. Nhiều người theo dõi tin tức chặt chẽ, trong khi những người khác tắt TV và điện thoại.

"Tôi ước điện thoại thông minh của mình đủ thông minh để biết rằng tôi đã bỏ phiếu rồi", Lynn Nicholson, 72 tuổi, cử tri ủng hộ Harris ở Marietta, Georgia, nói. Bà trốn tránh cơn lũ quảng cáo chiến dịch tranh cử bằng cách đi bộ, làm vườn và chụp ảnh. "Tôi cảm thấy bội thực thông tin về bầu cử", bà nói.

1 Noi Stress Cua Cu Tri My Trong Ky Bau Cu

Một người ủng hộ cựu tổng thống Donald Trump tham gia sự kiện vận động tranh cử cuối của ông ở thành phố Grand Rapids, bang Michigan, ngày 5/11. Ảnh: AFP

Trong khi đó, vẫn có nhiều cử tri cuồng nhiệt tham gia các cuộc mít tinh cuối cùng của hai ứng viên.

Tại Grand Rapids ngày 4/11, bầu không khí huyên náo bao trùm đám đông ủng hộ Trump. Họ tin tưởng chiến thắng dành cho cựu tổng thống là điều chắc chắn xảy ra, bất kỳ kết quả nào khác cũng đồng nghĩa cuộc bỏ phiếu có gian lận.

"Hãy nhìn vào số lượng người dự các cuộc mít tinh, sức ủng hộ dành cho Trump lớn đến điên rồ", Mark Perry, 65 tuổi, người xếp hàng dự sự kiện ở Grand Rapids, cho biết.

"Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng khác, chúng tôi buộc phải hoài nghi", ông nóibên ngoài nhà thi đấu Van Andel Arena với sức chứa 12.000 chỗ, nơi nhiều người ủng hộ đội mưa trong nhiều giờ để được lắng nghe cựu tổng thống phát biểu.

Nhập cư và lạm phát là hai vấn đề đứng hàng đầu trong danh sách mối lo âu của những cử tri ủng hộ Trump. Một số người khác đồng tình với ông về chính sách hạn chế phá thai hay chấm dứt việc chuyển giới đối với thanh thiếu niên.

Nhưng bất kể lập trường về các vấn đề này như thế nào, họ đều có chung mối hoài nghi sâu sắc về tính hợp pháp nếu Phó tổng thống Harris chiến thắng. "Sẽ rất khó chấp nhận điều đó", Jacob Smith, 41 tuổi, cùng vợ là Danielle, bày tỏ.

Ông Trump đã liên tục đưa ra các cáo buộc gian lận bầu cử kể từ khi ông thất bại trước Tổng thống Joe Biden hồi năm 2020. Do đó, nhiều cử tri lo lắng về những gì có thể xảy ra sau cuộc bầu cử, đặc biệt là nếu ông Trump thua. Họ sợ một làn sóng kiện tụng, biểu tình, thậm chí là bạo lực.

Nhưng người ủng hộ Trump lại có góc nhìn khác. Lillian Hall, chủ cửa hàng bán lẻ 68 tuổi đến từ Hendersonville, Bắc Carolina, lo sợ sẽ có bạo loạn nếu bà Harris thua.

"Tôi nghĩ sẽ có sự tức giận chưa từng thấy nếu ông Trump thắng", Hall nói.

2 Noi Stress Cua Cu Tri My Trong Ky Bau Cu

Sự kiện vận động cuối của Phó tổng thống Kamala Harris ở Philadelphia,Pennsylvania, ngày 4/11. Ảnh: AFP

Tại thành phố Philadelphia, Pennsylvania, nơi bà Harris hôm 4/11 tổ chức cuộc mít tinh quy tụ nhiều ngôi sao nổi tiếng, những người ủng hộ cho biết họ lạc quan nhưng cũng không khỏi lo sợ về một nhiệm kỳ khác của Trump.

"Ông ấy sẽ phá hỏng mọi thứ", Robin Matthews, nhà tổ chức cộng đồng sống ở vùng ngoại ô Pennsylvania, nói.

Shirley Easton, cư dân 85 tuổi tại Tucson, Arizona, mô tả trạng thái tinh thần của mình là "sợ hãi tột độ". Bà đã gửi thư để thuyết phục mọi người bỏ phiếu cho bà Harris. Easton cho biết bà lo sợ cho tương lai của 7 người cháu gái sau khi Tòa án Tối cao Mỹ năm 2022 đã bác bỏ quyền phá thai, để cho từng bang quyết định về vấn đề này.

Trong bối cảnh đất nước chia rẽ hơn bao giờ hết, Yvonne Tinsley, kế toán trưởng 35 tuổi, chỉ muốn cuộc bầu cử "nhanh chóng kết thúc". Cô không mong đợi bất kỳ phép màu chính trị nào từ Phó tổng thống Harris nhưng cho hay sẽ có rất nhiều rủi ro nếu cựu tổng thống Trump trở lại nắm quyền.

"Tôi là một phụ nữ da màu ở Mỹ, nên thật không may, mọi chính sách đều tác động đến tôi theo cách khác biệt với những người khác", cô phàn nàn. "Trước mỗi quyết định của Tòa án Tối cao hay những chính sách của cả đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ, tôi đều phải chịu thiệt thòi".

"Thật khó hiểu khi cuộc đua lại diễn ra sít sao khi ông Trump là người đã bị kết tội", Trish Kilby, 60 tuổi, nhận xét.

Trump đã bị buộc tội làm giả hồ sơ kinh doanh liên quan đến việc trả tiền bịt miệng cho sao phim khiêu dâm trước cuộc bầu cử năm 2016 và đang chờ tuyên án.

Khi vận động tranh cử, cựu tổng thống thường xuyên mô tả những rắc rối pháp lý ông vướng phải là hệ quả từ việc ông bị "ngược đãi về mặt chính trị" nhằm ngăn bước ông vào Nhà Trắng. Các cáo buộc không làm giảm uy tín của Trump với người ủng hộ.

Lisa Fields, 60 tuổi, đã đi từ Manhattan để đến gõ cửa từng nhà tại Philadelphia nhằm kêu gọi ủng hộ ông Trump, với hy vọng cựu tổng thống sẽ mang lại hòa bình cho Trung Đông.

Nhưng trên hết, Fields muốn đất nước sẽ đoàn kết hơn, bất kể người chiến thắng là ai.

"Chúng ta cần đoàn kết vì lợi ích chung. Tôi sẽ tập trung vào điều đó khi chúng ta có người chiến thắng. Bởi vì mặc dù tôi không đồng ý với lựa chọn của những người ủng hộ phe bên kia, họ có quyền làm việc đó. Nước Mỹ là như vậy", Fields nói.

So sánh tầm nhìn hai ứng viên

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan