Ông Trump (trái) và ngoại trưởng tương lai Marco Rubio - người bảo vệ mạnh mẽ cuộc chiến của Israel - Ảnh: AP
Trong vài dòng viết trên Truth Social, mạng xã hội do ông sáng lập, ông Trump đe dọa Hamas rằng nếu các con tin Israel không được thả trước lễ nhậm chức của ông vào ngày 20-1-2025 thì họ sẽ "phải trả giá rất đắt".
Chiến thuật ép buộc quen thuộc
Lời đe dọa của ông Trump được đưa ra vài giờ sau khi Chính phủ Israel xác nhận cái chết của Omer Neutra, một công dân mang hai quốc tịch Mỹ - Israel, được cho là đang bị Hamas giam giữ ở Dải Gaza. Sự kiện này gây chú ý khi đây là lần đầu tiên kể từ khi đắc cử, ông Trump công khai lên tiếng về các con tin ở Gaza.
Với những người ủng hộ ông Trump, sự can dự của ông vào cuộc khủng hoảng con tin Israel mang lại một số hy vọng mới về các đàm phán ngưng trệ thời gian qua. Còn với những người khác thì họ cho là không công bằng khi ông Trump không đề cập gì đến số phận thường dân và trẻ em Palestine, những người đã gánh chịu hậu quả tàn khốc do các hoạt động của Israel ở Gaza.
Sau cuộc tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas, ít nhất 1.139 người Israel đã thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt. Hơn một năm xung đột đã trôi qua, chính quyền Israel cho biết 101 con tin bị bắt vẫn còn ở Gaza.
Trong khi đó vào hôm thứ hai (2-12), Hamas cho biết tổng cộng 33 con tin đã chết kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Không ai biết số phận của những người còn lại, trừ Hamas.
Lời lẽ mạnh mẽ, đanh thép mang tính uy hiếp của ông Trump trong tối hậu thư với Hamas gợi nhớ tới chiến thuật ép buộc mang tính đe dọa với các đối thủ cũng như đồng minh buộc phải tuân theo ý muốn của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Khi đó để gây áp lực buộc các thành viên NATO phải chi nhiều hơn cho ngân sách quân sự của họ, ông Trump đã đe dọa rút khỏi liên minh. Ông cũng làm như vậy đối với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc ở châu Á khi đòi họ phải chia sẻ chi phí đóng quân Mỹ tại hai nước này...
Mới nhất, khi viết vài dòng trên Truth Social về đe dọa nâng thuế với Mexico và Canada, tổng thống Mexico đã lên tiếng và thủ tướng Canada cũng đã bay sang tận dinh thự Mar-a-Lago để gặp ông Trump.
Vấn đề "không dễ nuốt"
Cách tiếp cận ngoại giao theo phong cách gây sức ép tối đa của ông Trump đã trở thành một dấu ấn đặc biệt trong chính sách đối ngoại của ông. Phong cách cứng rắn với ngôn ngữ "leo thang căng thẳng" đã mang lại cho ông Trump một số chiến thắng ngắn hạn, bất chấp bị những người chỉ trích chế giễu là phong cách "tống tiền" hay "kề súng vào cổ". Ít nhất nó đạt được mục đích như phong cách đặt nặng "hiệu quả công việc" trong kinh doanh của ông.
Không biết các đồng minh và đối thủ có "lờn thuốc" trước các diễn ngôn uy hiếp của ông Trump trong nhiệm kỳ 2.0 hay không, nhưng có một điều chắc chắn là vấn đề Trung Đông hoàn toàn không phải "dễ nuốt" đối với ông Trump.
Những người am hiểu tình hình Trung Đông cho rằng lời đe dọa là không đủ với lực lượng Hamas. Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Antony Blinken đã thân chinh tới Ai Cập 10 lần và Israel 16 lần trong thời quan qua, nhưng vẫn không thể mang lại một giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng nhân đạo nhằm chấm dứt cuộc chiến của Israel ở Gaza và giải phóng các con tin bị bắt giữ gần 14 tháng trước.
Mọi chuyện vẫn chỉ ở bước đầu trong nhiệm kỳ hai của ông Trump. Nhưng ít nhất ông đã đề cử các chính trị gia trung thành ủng hộ Israel trong bộ máy chính quyền tương lai của mình, bao gồm vị trí ngoại trưởng là thượng nghị sĩ Marco Rubio - một người bảo vệ mạnh mẽ cuộc chiến của Israel.
Ngoài ra, đại sứ Mỹ tại Israel được chọn là cựu thống đốc Mike Huckabee - một người ủng hộ mạnh mẽ các khu định cư của Israel chiếm đóng ở Bờ Tây. Tuy nhiên việc ủng hộ một chiều mà không quan tâm hài hòa tới lợi ích của phía bên kia chỉ sẽ làm cho mâu thuẫn ngày càng sâu sắc hơn, và đưa khu vực này lún sâu vào các cuộc khủng hoảng nhân đạo mới.
Ông Trump có làm được?
Ông Trump đã vận động tranh cử dựa trên lời hứa rằng ông sẽ mang lại hòa bình ở Trung Đông, đặc biệt là ở Dải Gaza. Tuy nhiên ông lại đưa ra rất ít thông tin chi tiết về cách đạt được điều đó.
Ngoài ra cương lĩnh "Nước Mỹ trên hết" hay "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông Trump nhấn mạnh sự thoái lui của lực lượng quân đội Mỹ, vũ khí hoặc nguồn tài trợ của Mỹ vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Ngoài các biện pháp ngoại giao và chiến thuật "miệng hố chiến tranh", câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump có sẵn sàng viện trợ thêm cho Israel và can dự sâu hơn vào xung đột Israel - Hamas hay không, bởi điều này mâu thuẫn với chính sách ưu tiên các vấn đề nội bộ của ông.
Một trở ngại lớn nữa cho ông Trump là các đồng minh phương Tây hiện cũng đã quay lưng với chính sách của chính quyền Joe Biden với xung đột Israel - Hamas.
Họ không hài lòng với chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các thành viên cực hữu trong Chính phủ Israel khi Tel Aviv đang từ chối rút toàn bộ lực lượng quân đội Israel khỏi Dải Gaza để đổi lấy việc thả tất cả các con tin còn lại.
Liệu ông Trump có làm được điều mà ông Biden không làm được?
TS NGUYỄN THÀNH TRUNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC