Trong khi giá trị tài sản nhà nước của Nga không thay đổi thì chính quyền Thụy Sĩ lại báo cáo giá trị của các quỹ tư nhân giảm mạnh.
Các nhà chức trách cho biết tính đến cuối tháng 12/2023, tổng cộng 5,8 tỷ franc (6,3 tỷ USD) trong các quỹ và tài sản thuộc về các cá nhân hoặc tổ chức Nga bị trừng phạt đã bị phong tỏa ở Thụy Sĩ.
Theo Cục Kinh tế Nhà nước Thụy Sĩ (SECO), con số này thể hiện mức giảm 1,7 tỷ franc (1,9 tỷ USD) so với mức 7,5 tỷ franc được ghi lại vào cuối năm 2022.
SECO cho biết trong một tuyên bố:
“Sự sụt giảm này được giải thích là do mất giá trị của một số tài sản bị phong tỏa – đặc biệt là chứng khoán liên quan đến Nga – do các lệnh trừng phạt quốc tế”.
Khoản tiền trên tách biệt với tài sản trị giá 7,24 tỷ franc (7,9 tỷ USD) thuộc về ngân hàng trung ương Nga, cũng đã bị phong tỏa ở Thụy Sĩ.
Chính quyền Thụy Sĩ năm ngoái cho biết họ đã phong tỏa thêm 580 triệu franc (636 triệu USD) tài sản tài chính và hai tài sản khác, sau các cuộc điều tra của chính họ và “các giải thích chi tiết” của các ngân hàng. Ước tính hiện tại gồm có 17 tài sản, xe hơi sang trọng, tác phẩm nghệ thuật, đồ nội thất và nhạc cụ thuộc về những người Nga bị trừng phạt.
SECO cũng tiết lộ rằng 140 triệu franc (153,5 triệu USD) trong quỹ bị đóng băng đã được giải phóng “sau khi các cuộc điều tra kĩ càng hơn cho thấy các yêu cầu pháp lý về việc đóng băng chúng không được đáp ứng”.
Dù không phải là thành viên EU và tự coi mình là quốc gia trung lập nhưng Thụy Sĩ vẫn ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây liên quan đến Ukraine đối với Nga. Chính phủ Thụy Sĩ đã nhiều lần cho biết họ đã theo dõi chặt chẽ các cuộc thảo luận của EU về khả năng tịch thu tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine, nhưng vẫn chưa vạch ra kế hoạch thực hiện điều đó.
Moscow đã nhiều lần thách thức tính hợp pháp của việc phong tỏa tài sản, coi hành động này là “trộm cắp” và cảnh báo về các biện pháp đối phó nếu phương Tây có động thái tịch thu số tiền này.
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC