Ông Biden nói ông Putin phải chịu trách nhiệm
Tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng về vụ tai nạn máy bay của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines. Khi được hỏi liệu ông Putin có nên chịu trách nhiệm về vụ tai nạn hay không, ông Biden trả lời: "Rõ ràng là ông ấy đã chịu trách nhiệm, nhưng tôi chưa nói chuyện với ông ấy hoặc nhóm của tôi".
Trước đó, Nhà Trắng cho biết có những dấu hiệu ban đầu cho thấy chiếc máy bay có thể đã bị hệ thống phòng không của Nga bắn hạ và Washington đã đề nghị hỗ trợ điều tra vụ tai nạn.
Trong khi đó, Đài MSNBC đã trích dẫn hai nguồn tin quân sự giấu tên của Mỹ nói có thông tin tình báo của Mỹ rằng Nga có thể đã bắn trúng máy bay chở khách sau khi xác định nhầm nó là máy bay không người lái đang bay tới.
Hình ảnh chiếc máy bay của Hãng hàng không Azerbaijan rơi ở Kazakhstan ngày 25-12 - Ảnh: REUTERS
Ukraine nói sẽ giúp phơi bày sự thật vụ rơi máy bay Azerbaijan
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng gọi cho Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và tuyên bố Kiev sẽ cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết để tìm hiểu đầy đủ về vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines.
"Tôi không nghi ngờ gì rằng sự thật đầy đủ về vụ rơi máy bay của Hãng hàng không Azerbaijan Airlines có thể được xác lập và Nga sẽ không thành công trong việc che giấu bất cứ điều gì", Hãng tin Ukrinform dẫn lời ông Zelensky.
Ông Zelensky đã nhận được báo cáo tình báo về vụ việc và dữ liệu, và chỉ đạo các quan chức nước này chia sẻ mọi thông tin với các đối tác quốc tế.
Triều Tiên công bố chính sách đối phó với Mỹ "mạnh mẽ nhất"
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp quan trọng về chính sách của đảng cầm quyền nước này trước thềm năm mới, Hãng thông tấn nhà nước KCNA đưa tin ngày 29-12.
Tại cuộc họp diễn ra từ 23 đến 27-12, Bình Nhưỡng công bố chiến lược đối phó với Mỹ "mạnh nhất" vì an toàn và lợi ích quốc gia. "Thực tế cho thấy rõ ràng chúng ta nên đi theo hướng nào, chúng ta nên làm gì và làm như thế nào", KCNA viết, nhưng không nói rõ chi tiết chiến lược.
Triều Tiên cũng nói rằng liên minh ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đã mở rộng thành một "khối quân sự hạt nhân" và Seoul đã trở thành "tiền đồn chống cộng sản" của Mỹ.
Tuy nhiên, Triều Tiên cũng cam kết thúc đẩy quan hệ với các quốc gia "thân thiện" trong bối cảnh sự hợp tác quân sự giữa nước này và Nga bị Washington và Seoul chỉ trích mạnh mẽ.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chủ trì cuộc họp chính sách cuối năm tại Bình Nhưỡng - Ảnh: REUTERS
Nga đối phó với châu Âu
Theo hãng tin TASS, Tổng thống Nga Putin vừa ký ban hành đạo luật chấm dứt sự tham gia của Nga trong thỏa thuận khung và nghị định thư về Chương trình môi trường hạt nhân đa phương (MNEPR).
Thỏa thuận MNEPR được ký kết tại Stockholm vào ngày 21-5-2003 với các bên tham gia bao gồm nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế như: Bỉ, Đan Mạch, Liên minh châu Âu, Phần Lan, Pháp, Đức, Hà Lan, Na Uy, Thụy Điển, Anh, cùng với Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (EURATOM) và Ngân hàng tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD).
Mặc dù thỏa thuận này đã góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ô nhiễm phóng xạ ở khu vực Tây Bắc nước Nga, nhưng theo Bộ Ngoại giao Nga, hoạt động hợp tác trong khuôn khổ thỏa thuận này thực tế đã bị đình chỉ từ giai đoạn 2015-2017.
Cùng lúc, Bộ Ngoại giao Nga cũng thông báo nước này đã đáp trả gói trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) bằng cách mở rộng đáng kể danh sách các quan chức của EU và các nước thành viên EU bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Trước đó, hôm 23-12, EU đã áp đặt gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga, tập trung vào các nỗ lực làm suy yếu năng lực quân sự, công nghiệp của Nga và nhắm vào doanh thu xuất khẩu của nước này.
Tuyết rơi ở thủ phủ mùa hè
Trẻ con chơi trò ném tuyết ở Srinagar vào ngày 28-12. Srinagar là thủ phủ mùa hè của bang Jammu và Kashmir ở Ấn Độ. Srinagar được mệnh danh là thiên đường trên trần thế nhờ các cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp - Ảnh: REUTERS
TRẦN PHƯƠNG
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC