Bách Hóa Xanh hoàn tiền cho khách mua giá đỗ ủ chất cấm, cộng đồng phản ứng

Bách Hóa Xanh hoàn tiền cho khách mua giá đỗ ủ chất cấm, cộng đồng phản ứng

Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền hoặc đổi sang sản phẩm khác cho khách hàng đã mua giá đỗ ủ chất cấm của nhà cung cấp Lâm Đạo tại các cửa hàng ở Đắk Lắk. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng phản ứng.

Sau khi thông báo ngừng bán và thu hồi toàn bộ sản phẩm giá đỗ ủ hóa chất từ nhà cung cấp Lâm Đạo, Bách Hóa Xanh đã thông báo cam kết hoàn tiền hoặc đổi sang sản phẩm khác cho khách hàng đã mua sản phẩm giá đỗ của nhà cung cấp trên tại các cửa hàng của hệ thống ở Đắk Lắk.

Để nhận lại tiền, khách hàng chỉ cần cung cấp hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử từ phần mềm tích điểm của Bách Hóa Xanh có ghi nhận việc mua giá đỗ của nhà cung cấp Lâm Đạo.

Chia sẻ thêm, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết việc hoàn tiền hoặc đổi sản phẩm khác chỉ triển khai nội bộ với khách hàng đã mua giá đỗ Lâm Đạo tại khu vực Đắk Lắk.

Khách hàng phản ứng gay gắt

Sau thông tin Bách Hóa Xanh cam kết hoàn tiền cho khách đã mua giá đỗ nhiễm hóa chất, nhiều người tiêu dùng đã bày tỏ phản ứng gay gắt. "Một bịch giá chỉ 5.000-10.000 đồng, việc hoàn tiền có thấm gì so với sức khỏe của khách hàng đã sử dụng sản phẩm nhiễm hóa chất nguy hiểm", chị Thùy Dung (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) bức xúc.

Tương tự, anh Hữu Vinh (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng cho rằng điều mà chuỗi siêu thị nên làm là rà soát lại quy trình kiểm soát đầu vào chất lượng hàng hóa, nhất là hàng tươi sống.

"Tiền mua giá đỗ không đáng bao nhiêu nhưng quan trọng là sức khỏe người tiêu dùng và lòng tin của họ với hàng hóa của Bách Hóa Xanh. Bởi thực tế, nhiều người vẫn thường lựa chọn mua hàng tại các siêu thị vì sản phẩm đảm bảo, nguồn gốc, chất lượng được kiểm chứng", anh nhìn nhận.

1 Bach Hoa Xanh Hoan Tien Cho Khach Mua Gia Do U Chat Cam Cong Dong Phan Ung

Sản phẩm nhiễm hóa chất cấm cung ứng cho chuỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày (Ảnh: Uy Nguyễn).

Trước đó, chuỗi siêu thị này cho biết đã ngưng nhập giá của nhà cung cấp trên, đồng thời tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên các sản phẩm giá của các nhà cung cấp khác để rà soát. Nhà cung cấp Lâm Đạo chỉ cung cấp cho khu vực Đắk Lắk với tỷ lệ 2% trên tổng sản lượng mặt hàng giá đỗ.

Bách Hóa Xanh cũng khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ, đồng thời kiểm soát chặt chẽ hơn nữa chất lượng nguồn cung.

Bách Hóa Xanh có trách nhiệm gì?

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội - cho rằng trong vụ việc phát hiện cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng hóa chất cấm và cung cấp 350-400kg/ngày cho hệ thống Bách Hóa Xanh, trách nhiệm pháp lý của chuỗi siêu thị này cần được xem xét dựa trên các quy định về an toàn thực phẩm và trách nhiệm của nhà phân phối.

"Bách Hóa Xanh có thể phải chịu trách nhiệm liên đới nếu cơ quan chức năng chứng minh được doanh nghiệp không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm đầu vào dẫn đến việc tiêu thụ giá đỗ chứa chất cấm", vị luật sư chia sẻ.

Theo ông, mặc dù Bách hóa Xanh khẳng định đã yêu cầu các giấy tờ pháp lý liên quan từ nhà cung cấp và kiểm nghiệm sản phẩm đầu vào, nhưng việc sản phẩm vẫn chứa chất 6-Benzylaminopurine bày bán trong siêu thị cho thấy quy trình kiểm soát chất lượng có thể chưa được thực hiện chặt chẽ.

"Nếu khách hàng chứng minh được đã mua và tiêu thụ sản phẩm không an toàn từ Bách Hóa Xanh dẫn đến thiệt hại về sức khỏe, họ có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự", ông Tùng khẳng định.

2 Bach Hoa Xanh Hoan Tien Cho Khach Mua Gia Do U Chat Cam Cong Dong Phan Ung

Hơn 20 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất vừa bị phát hiện tại 6 cơ sở ở thành phố Buôn Ma Thuột (Ảnh: Công an cung cấp).

Tuy nhiên, theo vị này, việc chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa việc tiêu thụ sản phẩm và thiệt hại sức khỏe thường phức tạp và đòi hỏi bằng chứng cụ thể. Do giá đỗ ngâm hóa chất sẽ không gây hậu quả tức thì, không làm chết người ngay, mà đó là cả quá trình hấp thụ lâu dài trong cơ thể.

Về trách nhiệm hành chính, luật sư cho biết cơ quan chức năng có thể xem xét xử phạt hành chính đối với Bách Hóa Xanh nếu xác định hệ thống này vi phạm các quy định về kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn, theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Trong trường hợp nghiêm trọng, nếu chứng minh được Bách Hóa Xanh có hành vi cố ý hoặc thiếu trách nhiệm nghiêm trọng dẫn đến việc phân phối thực phẩm nguy hại, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

"Hành vi sử dụng hóa chất độc hại để sản xuất thực phẩm là hành vi cấm. Tuy nhiên, để xác định chính xác trách nhiệm pháp lý của Bách Hóa Xanh, cần có kết luận chính thức từ cơ quan điều tra và các cơ quan chức năng liên quan, dựa trên việc thu thập chứng cứ và đánh giá mức độ vi phạm cụ thể", luật sư nói.

Trong đó, mức thấp nhất sẽ phạt tiền 50-200 triệu đồng hoặc phạt tù 1-5 năm; mức cao nhất là bị phạt tù 12-20 năm nếu gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Với thông tin Bách Hóa Xanh ký hợp đồng với một cơ sở sản xuất giá đỗ bị khởi tố do sử dụng hóa chất, trước hết, cần xác định phía đơn vị bán giá đỗ có đầy đủ giấy phép về mặt pháp lý hay không. Nếu có, phía Bách Hóa Xanh có quyền mua bán. Tuy nhiên, trong trường hợp cơ sở này không có giấy phép mà Bách Hóa Xanh vẫn cố tình mua thì được xác định là đồng phạm.

6-Benzylaminopurine là hóa chất giúp giá đỗ phát triển nhanh, kích thước cây to, mọng nước. Cây giá đỗ được ngâm hóa chất cũng có màu trắng hơn so với sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống.

Cơ quan chức năng xác định, hóa chất nói trên không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm. Hóa chất này tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy, các dị tật bẩm sinh, tổn thương phổi, thậm chí ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan