Các chủ tàu lập lán trại để trông nom tàu và chờ trục vớt, được ghi nhận ngày 21-9 - Ảnh: NGỌC AN
Hàng chục con tàu có giá trị khoảng 3 tỉ đồng bị bão đánh chìm chỉ còn trơ khung và mũi tàu nhô lên mặt nước ở ngay trước mắt, nhưng chủ tàu đành… bất lực khi không thể sớm trục vớt tàu lên để đưa đi sửa chữa, giảm thiểu thiệt hại.
Bất lực nhìn tàu đắm không thể trục vớt
Chỉ vào ba chiếc tàu bị đắm của gia đình, chị M. chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ba con tàu du lịch trên là của gia đình chị và người em, nằm sát nhau đều bị chìm sau cơn bão. Mỗi tàu trị giá 3 tỉ đồng, chưa kể các đồ dùng, thiết bị trên tàu ngót nghét cũng gần chục tỉ, từng ngày đang chìm theo con tàu đắm.
Bởi dù đã tìm các đơn vị cung ứng dịch vụ trục vớt tàu lên, nhưng sau khi đánh giá mức độ tàu chìm, một số đơn vị từ chối.
Lòng như lửa đốt, chị M. gạt nước mắt chia sẻ trong sự bất lực, khi không thể tìm được đơn vị trục vớt tàu, mất phương hướng vì không biết bao giờ tàu mới được đưa lên bờ để sửa chữa, trong khi toàn bộ gia tài đang dần chìm theo con tàu đắm.
“Nếu cứ để như vậy không biết khi tàu được vớt lên thì có khắc phục được không. Tàu không có bảo hiểm chi trả, chi phí đầu tư đều vay ngân hàng, giờ lại thêm chi phí vớt tàu hàng trăm triệu, sửa chữa cả tiền tỉ thì tôi không biết lấy đâu để gượng dậy được.
Nhìn những con tàu đắm mà chúng tôi cũng không thiết sống vì không biết sau này sẽ thế nào khi gánh nặng ngân hàng, không biết bắt đầu lại thế nào?” - chị Mai chia sẻ.
Loat tàu thuyền du lịch bị đắm và thiệt hại nghiêm trọng
Gần đó, một cái lán được các chủ thuyền dựng lên để trông nom các tàu bị chìm. Khi được hỏi vì sao suốt hai tuần qua không trục vớt các thuyền bị chìm, một chủ tàu bức xúc nói đã tìm thuê các đơn vị trục vớt tàu, nhưng chi phí tăng lên tục mà còn không có đơn vị thực hiện.
Chi phí vớt tàu tăng vẫn không có đơn vị nhận
Ông này dẫn chứng là trước đây chi phí trục vớt tàu một ngày là 40 triệu đồng thì nay tăng lên 60 triệu đồng, thậm chí gấp đôi mà vẫn không có đơn vị nào nhận. Chưa kể, chi phí vận chuyển, sửa chữa vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, các chủ tàu, thuyền đều rất khó khăn và bất lực vì không biết xoay sở thế nào.
Thống kê của địa phương, có 23 tàu du lịch neo đậu, tránh trú bão tại Cảng du lịch quốc tế Tuần Châu bị chìm, hầu hết các tàu này đều chưa thể trục vớt.
Chi phí sửa chữa các tàu còn phụ thuộc vào mức độ thiệt hại của từng tàu, nhưng với tàu tham quan chi phí sửa chữa từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng, tàu lưu trú từ 5-10 tỉ đồng hoặc thậm chí vài chục tỉ đồng.
Ông Trần Văn Hồng - chi hội trưởng Chi hội Tàu du lịch Hạ Long các chủ tàu đã báo cáo thiệt hại tới chính quyền địa phương. Hiện các cấp ngành đều khẳng định sẽ có chính sách hỗ trợ tối đa nhất để tháo gỡ khó khăn cho các chủ tàu.
Vì vậy, hiện các chủ tàu đều đang rất trông chờ các cơ quan chức năng sớm có biện pháp hỗ trợ để trục vớt, đưa tàu vào sửa chữa, giảm, giãn lãi vay để giảm bớt thiệt hại cho các chủ tàu và sớm khôi phục lại hoạt động kinh doanh khi mùa du lịch cao điểm đang đến gần.
Những con tàu du lịch nằm xô lệch chìm quá nửa thân tàu dưới biển nước
Nhiều chủ tàu xót xa và bất lực khi tàu sản chìm trong biển nước nhưng chưa có phương án khắc phục
Những tàu du lịch cỡ lớn bị chìm nằm phơi mũi tàu suốt hơn 2 tuần qua không có đơn vị trục vớt
Dọc bến Cảng du lịch Tuần Châu hàng chục con thuyền, tàu bị đắm
Một con tàu du lịch cỡ lớn bị bão đánh quật chìm hơn 2/3 thân tàu
NGỌC AN
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC