Thực hư việc khách Việt bị ép mua sắm khi mua tour giá rẻ ở Hàn Quốc
Trong cuộc họp báo mới đây, chính quyền thành phố Seoul cho biết đã tiến hành những cuộc kiểm tra bí mật trước các cáo buộc rằng, du khách nước ngoài đi tour giá rẻ tới Hàn Quốc bị ép mua sắm.
Để xác thực vấn đề này, các thanh tra đã bí mật thuê một số người nước ngoài đóng giả làm khách du lịch tham gia 7 tour du lịch giá rẻ trọn gói, trong đó có 3 tour bán tại Trung Quốc và 4 tour bán ở Việt Nam để kiểm tra chất lượng các tour này thế nào.
Kết quả điều tra cho thấy, hầu hết các tour giá rẻ này đều đưa khách đi mua sắm hơn là việc trải nghiệm tìm hiểu văn hóa lịch sử của Seoul.
Tour giá rẻ bán tại Trung Quốc, Việt Nam đưa khách tới tham quan từ 4 đến 8 điểm mua sắm ở Hàn Quốc (Ảnh: Bloomberg).
Cụ thể, mỗi tour bao gồm từ 4 đến 8 chuyến, đưa khách tới các trung tâm thương mại, điểm mua sắm ở địa phương. Trong đó có những cửa hàng bày bán sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ hay ngày sản xuất.
Những người đóng giả còn báo cáo thêm, các hướng dẫn viên du lịch sẽ đối xử với khách tùy thuộc vào số tiền họ chi tiêu mua sắm nhiều hay ít. Thậm chí có trường hợp, hướng dẫn viên ngăn du khách rời khỏi trung tâm thương mại, giữ chân ở lại 40 phút cho tới khi có người chịu mua một món hàng.
Trong những năm qua, Hàn Quốc là điểm đến được khách Việt yêu thích (Ảnh: Lee Tay).
Trái ngược với lịch trình mua sắm dày đặc và kéo dài, chương trình tham quan trong những tour này khá ngắn hoặc bị hủy bỏ.
Đơn cử như trong một tour giá rẻ, chuyến tham quan Seoul Forest bị hủy vì trời mưa, trưởng đoàn không cho khách chương trình thay thế mà buộc họ phải "giết thời gian" tự chơi ở khách sạn.
Với những phát hiện này, giới chức Seoul cam kết sẽ trấn áp tình trạng mua sắm cưỡng bức trong các tour du lịch, đồng thời tìm kiếm sự hợp tác từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm đưa ra các hành động pháp lý cần thiết, chống lại tour chất lượng thấp, giá rẻ.
Số lượng khách Việt du lịch Hàn Quốc đông nhất khu vực Đông Nam Á
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Hàn Quốc (KTO), Việt Nam là thị trường có số lượng khách tới Hàn Quốc nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Cụ thể, trong 6 tháng năm 2024, Hàn Quốc đón hơn 293.000 lượt khách du lịch Việt Nam, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2023 và đạt gần 90% so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm trước đại dịch). Việt Nam cũng là thị trường gửi khách tới Hàn Quốc lớn thứ 5 trên thế giới tại quốc gia này, chỉ sau Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong (Trung Quốc).
Tới Hàn Quốc với số lượng lớn, khách Việt còn nằm trong nhóm chi tiêu nhiều nhất tại xứ sở kim chi.
Khách Việt là nhóm khách chi tiêu nhiều nhất tại Hàn Quốc trong năm qua (Ảnh: Korea).
Trước đó, theo kết quả phân tích của công ty xử lý thanh toán Hàn Quốc (BC Card) về tình trạng chi tiêu tại các điểm bán hàng ở Hàn Quốc của du khách quốc tế trong năm 2022, du khách Việt Nam đứng đầu danh sách chi tiêu mạnh tay nhất tại quốc gia này.
Kết quả được BC Card đưa ra cho thấy, giao dịch thẻ bình quân đầu người của du khách Việt Nam chi tiêu tại Hàn Quốc vào khoảng 197.000 won (hơn 3,5 triệu đồng) cho một lần quẹt thẻ tín dụng, tăng 89% so với năm 2021.
Với con số này, trung bình chi tiêu của du khách Việt đã vượt qua khách Nhật Bản (188.000 won - khoảng 3,3 triệu đồng), khách Trung Quốc (171.000 won - khoảng 3 triệu đồng), khách Đài Loan (126.000 won - khoảng 2,2 triệu đồng) và khách Mỹ (109.000 won - khoảng 1,9 triệu đồng).
Cũng theo BC Card, du khách Việt Nam chi tiền nhiều nhất tại các cửa hàng miễn thuế, khu bách hóa, mua sản phẩm phục vụ sức khỏe như nhân sâm và mỹ phẩm.
Trong một cuộc khảo sát do KTO thực hiện năm 2022 cho thấy, hầu hết du khách Việt cho biết, lý do họ muốn đến Hàn Quốc du lịch chủ yếu để mua sắm, du lịch ẩm thực, chăm sóc sắc đẹp và du lịch kết hợp chữa bệnh.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC