Cùng ngày, hãng tin tức CNN của Mỹ cũng đưa tin về ATM gạo ở Việt Nam. Ảnh: Reuters.
Cũng theo Reuters, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mọi người xếp hàng chờ đến lượt lấy gạo. Họ vẫn cách nhau 2 mét và sử dụng chất khử trùng tay trước khi đổ gạo. Ảnh: Facebook Redfish.
Hãng tin Reuters cho biết: Một doanh nhân TP.HCM phát minh ra máy " ATM gạo" tự động hoạt động 24/7, hỗ trợ gạo miễn phí cho những người không có việc làm, sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được chính phủ Việt Nam ban hành có hiệu lực. Ảnh: Reuters
Hãng thông tấn CNN ngày 13/4 đã đăng tải bài viết về máy tự động phát gạo miễn phí cho người dân tại Việt Nam trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát trên toàn thế giới.
“Một chiếc máy có thể phát gạo miễn phí. Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng “những cây ATM gạo” đang được dựng lên trên khắp Việt Nam để giúp đỡ những người cần được hỗ trợ nhất trong đại dịch Covid-19”, CNN đưa tin.
Theo CNN, Việt Nam ghi nhận 265 trường hợp mắc Covid-19 nhưng chưa có bất kỳ ca tử vong nào. Những con số này thấp hơn rất nhiều so với phần còn lại của thế giới. Tuy vậy, để hạn chế dịch bệnh lây lan, chính phủ Việt Nam vẫn thực hiện cách ly xã hội, tạm đóng cửa nhiều doanh nghiệp nhỏ và điều này khiến hàng nghìn người không có việc làm.
CNN cho biết nhằm giúp những người đột nhiên mất thu nhập, các chủ doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã lắp đặt nhiều máy phát gạo tự động tại một số thành phố ở Việt Nam.
CNN dẫn nguồn tin từ Thông tấn xã Việt Nam cho biết tại Hà Nội, gạo được chứa trong một bể lớn để người nghèo có thể tới lấy từ 8 giờ sáng tới 5 giờ chiều hàng ngày.
Những người xếp hàng chờ lấy gạo được yêu cầu đứng cách nhau 2 mét và phải sử dụng nước khử trùng tay trước khi nhận gạo.
Tại trung tâm thành phố Huế, một máy ATM gạo cũng được đặt tại Đại học Phú Xuân, dự kiến cung cấp khoảng 2 kg gạo miễn phí cho mỗi người dân địa phương.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng lắp đặt một máy ATM gạo hoạt động 24/7. Còn tại Đà Nẵng, 2 máy ATM gạo sẽ được lắp đặt vào tuần tới.
Người dân xếp hàng lấy gạo từ máy phân phối gạo tự động tại thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Reuters)
Hãng tin Reuters (Anh) và International Business Times (Mỹ) cũng đồng loạt đưa tin về máy tự động phát gạo miễn phí 24/7 cho người dân bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Việt Nam.
Reuters cho biết người đưa ra ý tưởng máy ATM gạo là doanh nhân Hoàng Tuấn Anh. Tuấn Anh cho biết anh muốn những người có hoàn cảnh khó khăn cảm nhận được rằng họ có thể tiếp cận lương thực và các nhu yếu phẩm khác trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Theo Reuters, máy ATM gạo phân phối miễn phí mỗi lần 1,5 kg gạo cho người dân gặp khó khăn, trong số này nhiều người là người bán hàng rong hoặc những người kiếm sống bằng các nghề như bán vé số.
Trong khi đó, IBTimes đưa tin, mặc dù không cần cung cấp chứng minh thư khi tới lấy gạo, song người dân vẫn phải viết tên của họ và thực hiện giãn cách xã hội trong lúc xếp hàng chờ lấy gạo.
IBTimes dẫn lời doanh nhân Hoàng Tuấn Anh nói rằng anh đã nhận được nhiều gạo quyên góp từ các nhà hảo tâm. Tuấn Anh cho biết anh sẽ duy trì hoạt động của ATM gạo cho tới khi dịch Covid-19 kết thúc và lên kế hoạch lắp đặt thêm 100 máy để giúp đỡ những người nghèo.
“Hy vọng cộng đồng sẽ chung tay và giúp tôi thực hiện dự án sắp tới”, doanh nhân Tuấn Anh nói.
Theo IBTimes, Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng cho biết sẽ lắp đặt trước 2 máy ATM gạo để giúp người nghèo, sau đó sẽ lắp đặt thêm các máy khác. Cho đến nay, hiệp hội đã thu thập được 40 tấn gạo từ các nhà hảo tâm trong thành phố.
IBTimes cũng dẫn lời Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng Hà Đức Hùng nói rằng các máy ATM gạo sẽ hoạt động cho tới cuối tháng 6.
“Máy ATM gạo rất hữu ích. Với một túi gạo, chúng tôi đủ sống trong một ngày”, IBTimes dẫn lời chị Nguyen Thi Ly, 34 tuổi, cho biết. Chị Ly là có chồng bị mất việc và đang nuôi 3 con nhỏ.
“Tôi đã đọc thông tin về máy ATM gạo trên mạng. Tôi đến đây để xem và không thể tin rằng chiếc máy này là có thật. Tôi thực sự hy vọng các nhà hảo tâm có thể tiếp tục thực hiện việc này cho tới khi dịch chấm dứt”, chị Ly cho biết thêm.
Thành Đạt
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC