Thành công của một Việt Nam kiên cường
Đây là tựa đề của một bài viết đăng trên tờ Korea IT Times mới đây. Bài báo mở đầu: “Vượt qua muôn vàn khó khăn, Việt Nam, một đất nước nghèo bị tàn phá bởi chiến tranh, đã khiến thế giới thán phục về sự kiên cường, không chỉ trong cuộc chiến đấu giành độc lập mà còn trong thời kỳ phát triển đất nước và trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19, trong khi vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế”.
Theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Việt Nam đã tạo nên một “huyền thoại” về xóa đói giảm nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước từ 10% năm 2015 xuống dưới 3% năm 2020.
Vào tháng 8/2020, tờ Economist đã xếp Việt Nam vào top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Tờ Korea IT Times nhận định, năm 2020 được coi là năm thành công nhất của Việt Nam.
Quốc gia này đã trở thành một “hình mẫu” trên toàn thế giới về việc ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 và duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Trong khi các nền kinh tế trên thế giới bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, nền kinh tế Việt Nam đã thể hiện “khả năng phi thường” khi đạt mức tăng trưởng 2,91%, cao nhất trong các nước Đông Nam Á.
Khi đại dịch COVID-19 hoành hành, làm thay đổi sâu rộng điều kiện sống xã hội toàn cầu, đảo ngược quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới, thì tại Việt Nam, một quốc gia còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực y tế, Chính phủ Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát số ca bệnh và giảm thiểu số người tử vong.
Theo ước tính của tác giả bài viết trên Modern Diplomacy, các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam thực hiện đã giúp cho 35.000 người không bị nhiễm bệnh và khoảng 300 người có thể tử vong do COVID-19.
Phản ứng của Việt Nam đối với dịch COVID-19, cả trong nước cũng như ở cấp khu vực, đều được truyền thông toàn cầu đánh giá cao. Ngân hàng thế giới (WB) mới đây khẳng định, việc ngăn chặn nhanh chóng đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 hồi cuối tháng 1/2021 đã giúp Việt Nam duy trì triển vọng phục hồi kinh tế tích cực trong năm nay.
Tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc-xin do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất.
Việt Nam đang trong cuộc đua nghiên cứu sản xuất vắc-xin
Tờ The Staronline cho biết, Nanocovax, vắc-xin COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được sản xuất trong nước, đang trong tiến trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2, dự kiến sẽ sẵn sàng sử dụng vào quý 4/2021. Hiện có 4 đơn vị của Việt Nam đang nỗ lực nghiên cứu sản xuất vắc-xin trong nước.
Việc sản xuất vắc-xin không những đảm bảo an ninh y tế mà còn mở ra cơ hội xuất khẩu cho bất cứ quốc gia nào, Reuters nhận định.
Chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á và Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á Gregory B.Poling khẳng định trên tờ Devex rằng, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam muốn đảm bảo nguồn cung vắc-xin đa dạng để vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, tránh tình trạng quá phụ thuộc vào bất cứ nhà sản xuất hay quốc gia nào. Việt Nam là một trong 42 quốc gia trên thế giới có thể sản xuất vắc-xin và nằm trong số 38 quốc gia có Hệ thống quản lý chất lượng vắc-xin (NRA) theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Chính vì thế, Việt Nam không chỉ có trách nhiệm với thế giới trong nghiên cứu vắc-xin COVID-19 mà còn là cách để các nhà khoa học có thêm hiểu biết về vắc-xin với hệ thống miễn dịch của con người, từ đó có được các giải pháp nhằm khống chế dịch bệnh nguy hiểm khác trong tương lai.
Ông Max Lawson, người đứng đầu chính sách bất bình đẳng của Tổ chức phi chính phủ Oxfam cho rằng, giữa làn sóng chủ nghĩa dân tộc về vắc-xin, các quốc gia giàu có tiếp tục giành phần mua vắc-xin, nếu vắc-xin do các nước thu nhập thấp sản xuất có giá phải chăng hơn các vắc-xin hiện đang được sử dụng, họ chính là những người sẽ “thay đổi cuộc chơi” trong thị trường vắc-xin khan hiếm hiện nay.
Theo WB, việc tiêm chủng COVID-19 sẽ được triển khai như thế nào tại Việt Nam và toàn cầu sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nguyễn Minh
(theo ModernDiplomacy, TheStar, Koreaittimes)
Nguồn: suckhoedoisong.vn
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC