Trong số đó, có một kỳ quan bí ẩn chắc chắn bạn không muốn bỏ lỡ với cấu trúc độc đáo, và hơn cả là câu chuyện bí ẩn chưa được giải đáp phía sau, đó là nơi được mệnh danh “cây cầu của Quỷ”.
Được biết đến với cái tên khác là cây cầu Rakotzbrucke (tiếng Đức), cấu trúc của kỳ quan này bất chấp mọi quy luật của con người trong xây dựng mà theo truyền thuyết là sự gắn kết với quỷ Satan.
Giai thoại rùng rợn về cây cầu của Quỷ
Cầu Quỷ ở Đức còn có tên gọi là Rakotzbrucke, nằm trong Công viên Kromlauer. Ảnh: notanomadblog
Nằm sâu trong rừng thuộc Công viên Kromlauer gần Gablenz ở miền Đông nước Đức, nhìn từ xa cây cầu là một hình tròn hoàn hảo khiến không ít người phải trầm trồ kinh ngạc. Thế nhưng khi lại gần, bạn sẽ nhận ra vòng tròn này thực chất là hình ảnh phản chiếu của cầu Rakotzbrucke hình bán nguyệt trên mặt hồ thơ mộng. “Brücke” trong tiếng Đức là một cây cầu nhưng ý nghĩa của “Rakotz” thì cho đến nay vẫn chưa được làm rõ.
Điều đáng ngạc nhiên là mặt nước dưới chân cầu luôn yên bình và việc xây dựng cây cầu được cho là đi trước thời đại về kỹ thuật. Cầu của Quỷ ở Đức chủ yếu làm bằng đá bazan và cố định bằng các thanh xà gỗ, do Kiến trúc sư Friedrich Hermann Rötschke thiết kế năm 1860. Phải mất đến 10 năm để hoàn thành và vô cùng kỳ công, nên không sai khi ví cây cầu này như một kiệt tác kiến trúc đáng kinh ngạc.
Thế nhưng, nếu chỉ đơn giản như thế thì Rakotzbrucke đã không được mệnh danh là “cây cầu của Quỷ Satan”. Truyền thuyết kể rằng, một bà lão đi chăn bò thì phát hiện con bò của mình đã gặm cỏ phía bên kia sông mà không có cách nào gọi nó quay trở lại. Bà lão “ký một hiệp ước” với quỷ dữ giúp bà xây một cầu cầu sang sông nhưng đổi lại là một linh hồn con người. Tuy nhiên bà lão đã thất hứa, dùng linh hồn một chú chó thay vì con người và khiến quỷ Satan giận dữ, kết quả là cây cầu cùng bà ta bị nguyền rủa mãi mãi.
Cây cầu của Quỷ được thiết kế bởi kiến trúc sư Friedrich Hermann Rötschke vào năm 1860 và phải mất đến một thập kỷ để hoàn thiện. Ảnh: routes.tips
Nhiều người địa phương cho rằng, chỉ có quỷ dữ mới có thể tạo được một lối đi bắc ngang dòng nước mà không cần trụ cột một cách thần kỳ như vậy. Cũng chẳng có ai dám bước lên cây cầu của Quỷ bởi có người ta đồn nhau về khuôn mặt của quỷ dữ hoặc lối vào thế giới khác sẽ hiện lên khi bạn đi qua.
Trên thực tế, để tránh mọi nguy hiểm vì thiết kế của cây cầu vòm cũng như bảo tồn di sản, du khách Đức đến đây được yêu cầu không lại gần kỳ quan này và chỉ có thể chụp ảnh từ xa.
Kinh nghiệm khám phá cây cầu của Quỷ
Ẩn mình giữa phong cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên, cây cầu quỷ dữ Rakotzbrucke là địa điểm du lịch của Đức thu hút đông đảo du khách khám phá suốt 4 mùa trong năm. Tuy nhiên, mùa thu hoặc mùa xuân có thể là lựa chọn tốt nhất để ngắm nhìn vẻ kỳ ảo và sự biến đổi cảnh sắc của nơi này.
Người Đức không coi cây cầu của Quỷ là một lối đi mà là một tác tác phẩm nghệ thuật thực sự. Giữa mặt hồ tĩnh lặng, vòng tròn hoàn hảo bao bọc xung quanh là những hàng cây thơ mộng. Cây mang sắc đỏ, sắc vàng khi vào thu hay những lộc xanh mơn mởn và hoa cỏ rực rỡ mỗi mùa xuân đến đều cho phép bạn thưởng thức khung cảnh tuyệt vời và lưu lại những bức ảnh ấn tượng.
Nhiều du khách có kinh nghiệm đã chia sẻ một số góc chụp, cũng như mẹo để chụp ảnh với cây cầu của Quỷ đẹp hơn mà bạn có thể tham khảo. Ví dụ như tiếp cận cây cầu qua bãi đậu xe với một băng ghế phía trước để có thể chụp lại được toàn bộ hình ảnh phản chiếu của cây cầu trên mặt nước. Không phải mọi góc độ đều có thể cho bạn hình ảnh hoàn hảo của cây cầu, và có lẽ góc check in chính diện này là đáng lựa chọn nhất.
Cây cầu Rakotzbrucke nổi tiếng cách thủ đô Berlin khoảng 180 km hướng về phía Tây, sát với vùng biên giới với Ba Lan. Nếu lựa chọn phương tiện công cộng, du khách hãy đi tàu đến Cottbus từ Berlin và chọn chuyến tàu thứ hai đến Weisswasser. Bắt xe buýt 257 đến Kromlau và công viên Kromlau cách đó 1 km đi bộ.
Công viên Kromlauer nơi có cây cầu của Quỷ nổi tiếng miễn phí vé tham quan và có phí đậu xe là 1 Euro/giờ và 6 Euro cho cả ngày nếu bạn di chuyển bằng xe hơi.
Theo dulichvietnam.com
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC