Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thu Hà - trưởng khoa tâm sinh lý lao động và ecgônômi, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) - tại hội thảo các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc, ngày 26-4.
Stress gây ra tiểu đường, cao huyết áp
Theo bà Hà, một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) năm 2017 nêu rõ khoảng 40.000 người Việt Nam tự tử mỗi năm do trầm cảm. Con số này gấp 4 lần số tử vong do tai nạn giao thông.
Bà Nguyễn Thu Hà, trưởng khoa tâm sinh lý lao động và ecgônômi, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhiều nguyên nhân gây căng thẳng nơi làm việc như tiếng ồn, hóa chất, yếu tố tâm sinh lý lao động. Về lâu dài, stress nghề nghiệp gây tăng thêm tình trạng các bệnh như tiểu đường, cao huyết áp…
Chẳng hạn một số nghề như nhân viên y tế, kiểm soát viên không lưu làm việc ở môi trường rất tốt nhưng căng thẳng do làm việc với màn hình máy tính liên tục, chịu trách nhiệm lớn với tính mạng con người.
Sắp tới viện sẽ nghiên cứu, đề xuất đưa các bệnh cổ tay, tư thế xấu khi làm việc lâu dài, lái xe đường đài, công nhân vệ sinh đô thị... được hưởng thanh toán bảo hiểm y tế. Quan điểm là đưa nhiều bệnh nghề nghiệp nhất vào danh mục để bảo vệ quyền lợi người lao động.
Trong khi đó, TS Phạm Thị Thu Lan - phó viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - cho hay một số biểu hiện stress là do lo lắng, bực tức, chán ăn, mất ngủ, không tập trung, đau đầu…
Do vậy bà Lan cho rằng pháp luật phải quy định lương tối thiểu là lương đủ sống. Bởi một báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động quốc tế nêu rõ 83% người dân trên thế giới cho biết lương tối thiểu không đủ sống.
Bên cạnh đó, bà Lan cho rằng cần có chính sách cân bằng công việc và cuộc sống. Công đoàn có thể thành lập các đường dây tư vấn kiểm soát căng thẳng nơi làm việc và hỗ trợ người lao động.
Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu căng thẳng tại nơi làm việc - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhận biết căng thẳng khi làm việc thế nào?
Theo GS.TS Lê Văn Trình - chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam, người lao động trải qua 3 giai đoạn căng thẳng nghề nghiệp. Giai đoạn đầu kéo dài vài tuần có triệu chứng lo lắng mơ hồ.
Lúc này nhịp tim và nhịp thở nhanh hơn, kèm đổ mồ hôi và huyết áp tăng. Cùng đó, cơ thể xuất hiện đau đầu, căng cơ, mệt mỏi, đau ngực và giảm tập trung, dễ cáu gắt, mệt mỏi và suy giảm trí nhớ.
Đến giai đoạn hai (hơn một tháng sau), huyết áp của người bị căng thẳng tăng dần và xuất hiện hiện tượng rối loạn chuyển hóa. Tâm trạng những người này sẽ chán nản, trầm cảm, nhạy cảm với những lời chỉ trích, thiếu tự tin, lo lắng và hay tức giận.
Cuối cùng, sau vài tháng, người mắc căng thẳng nghề nghiệp sẽ tới giai đoạn kiệt sức. Khi đó, hệ thống miễn dịch bắt đầu bị tổn thương. Các bệnh mạn tính như đau thắt ngực, tiểu đường, đau khớp tăng dần. Người bệnh xuất hiện các hành vi như luôn bất đồng quan điểm dẫn đến cãi nhau, hiệu suất công việc suy giảm hoặc hay nghỉ ốm. Đây là giai đoạn mà người lao động phải nhập viện để điều trị ngay.
Cũng theo ông Trình, căng thẳng thường xuyên có nguy cơ trở nên quen thuộc khi nhiều người mất cảm giác cân bằng. Nhiều người căng thẳng còn dẫn tới suy nghĩ ám ảnh, hoảng loạn, thở nông, cơ bắp bị chèn ép.
"Từ đó giảm hiệu suất công việc, dẫn đến nóng giận vô cớ hay những hành vi thiếu chuẩn mực, lâu dài sẽ mắc các bệnh mạn tính. Điển hình là tâm thần", ông nói.
Do vậy, ông khuyến nghị các lãnh đạo cần phải có kỹ năng phản ứng, giảm căng thẳng khi tiếp xúc với mọi người hoặc dập tắt các nguy cơ căng thẳng trong cơ quan.
Còn ông Ngọ Duy Hiểu - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam - cho hay người Việt Nam chịu căng thẳng rất lớn nhưng khả năng chống chịu cũng lớn. Do vậy, sự quan tâm của lãnh đạo nhiều nơi với căng thẳng chưa đúng mực.
Để giải quyết, ông Hiểu cho rằng doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến người lao động, nhất là phụ nữ trầm cảm sau sinh hoặc tổ chức hoạt động ngoại khóa để giảm stress cho nhân viên.
Theo ông Hiểu, công đoàn cần tích cực tham gia hơn về các điều kiện giảm căng thẳng cho người lao động như lương thưởng, môi trường làm việc. Thời gian tới, công đoàn cần tổ chức sân chơi, hoạt động nghệ thuật, thể thao nhằm giảm căng thẳng cho công nhân.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC