Vòng tròn giao tiếp sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới cuộc sống của bạn. Giao tiếp với người tích cực bạn sẽ tràn đầy sức sống và niềm tin. Giao tiếp với những người tiêu cực bạn cũng sẽ tràn ngập năng lượng phụ diện. Giao tiếp với những người chân thành bạn có thể trở nên quang minh lỗi lạc, cùng khích lệ nhau vươn lên. Giao tiếp với những người không đáng tin cậy chỉ lãng phí thời gian và cuộc sống của bạn.
Vậy, dưới đây là 9 đặc điểm giúp bạn dễ dàng nhận ra một người đáng tin cậy trong cuộc sống này:
1. Ánh mắt chân thành, thiện lương
Khi giao tiếp hãy chú ý quan sát ánh mắt của đối phương. Bởi lẽ đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Đôi mắt thường không biết nói dối và tiết lộ cả những điều thầm kín của con người.
Những người hay nhìn ngang, liếc xéo hoặc né tránh ánh mắt của người đối diện thì trong lòng thường có những điều không minh bạch. Những người thích xét nét, đa nghi hay mưu tính này nọ thường có ánh mắt sắc nhọn, dữ dằn, láo liên xuôi ngược. Bạn nên thận trọng xem xét lại nhân phẩm của họ.
Người quang minh lỗi lạc thì ánh mắt của họ luôn nhìn thẳng. Những người tâm thái hiền hòa, lương thiện thì ánh mắt cũng hòa ái và bình thản.
2. Không buôn chuyện
Người thích buôn chuyện thị phi hay những bí mật của người khác là những người không đáng tin cậy. Họ không biết suy xét tới cảm xúc của những người trong cuộc và hậu quả những lời đơm đặt của mình, mà chỉ muốn khoe mẽ rằng mình là người thông tỏ mọi chuyện. Bạn cần chú ý giữ khoảng cách với họ. Bởi có thể hôm nay họ nói xấu người khác với bạn, nhưng ngày mai lại có thể nói xấu bạn với người khác.
Những người chính trực luôn biết tôn trọng những chuyện riêng tư của người khác. Họ thường cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói nhằm tránh làm tổn thương và gây phiền phức không đáng có.
Người thích buôn chuyện thị phi hay những bí mật của người khác là những người không đáng tin cậy. (Ảnh: collaborant.com)
3. Chú ý đến tiểu tiết
Hãy quan sát cách ăn mặc, trang điểm của một người, ví như giày dép hay kiểu tóc. Không nhất định họ phải dùng hàng hiệu nhưng cần sạch sẽ, gọn gàng. Người chú trọng tới chi tiết thường là người tu dưỡng khá tốt và giàu trí huệ.
Muốn đánh giá về một người thì hãy quan sát những tiểu tiết mà người đó coi trọng. Những người coi trọng tiểu tiết thường biết suy trước tính sau và lo liệu công việc khá chu đáo. Họ truy cầu sự hoàn mỹ và đặt tâm vào những việc mình làm, đồng thời cũng khá thấu hiểu tâm lý của người khác.
4. Đối xử bình đẳng với mọi người
Muốn biết người khác như thế nào hãy quan sát thái độ của họ với những người xung quanh. Những người thích nạt nộ khoa chân múa tay với cấp dưới, nhưng lại nịnh hót a dua cấp trên, đa phần đều có nhân phẩm không tốt.
Hoặc bạn có thể quan sát cách họ hành xử với những người không quan trọng với họ. Ví như khi gặp một người ăn xin hay một cậu bé đánh giày, họ có tỏ thái độ xua đuổi và ghét bỏ hay không.
Khi được phục vụ nơi quán xá, họ có nói lời cảm ơn với những nhân viên phục vụ bàn hay không, hay chỉ coi đó là điều nghiễm nhiên mình được hưởng vì đã trả tiền? Khi gặp những người giàu có, nổi danh họ có hồ hởi tay bắt mặt mừng, thấy người sang nhận quàng làm họ hay không?
Những người thấy người kém hơn mình thì khinh, giỏi hơn mình thì bợ đỡ, đa phần là người bạc bẽo, lá mặt lá trái. Những bậc chính nhân quân tử thường đối xử công bằng với tất cả mọi người, yêu thương che chở cho những người yếu thế và không luồn cúi vì mong được nhờ dựa cá nhân.
Muốn biết người khác như thế nào hãy quan sát thái độ của họ với những người xung quanh. (Ảnh: tinhhoa.net)
5. Đúng giờ
Những người biết lo xa và không muốn ảnh hưởng tới người khác thường đúng giờ. Thậm chí họ còn đến sớm hơn để phòng tránh những trường hợp ngoài dự liệu xảy ra.
Chúng ta cũng bắt gặp không ít người có thói quen “giờ cao su”. Họ không cảm thấy ngại ngùng khi để người khác chờ đợi. Những người này thường có tác phong lề mề và ít có khả năng kiểm soát tốt thời gian của mình.
Luôn đúng giờ chứng tỏ rằng người này coi trọng giao ước của đôi bên và trân quý thời gian. Đây là yêu cầu cơ bản trong đạo đức nghề nghiệp, cũng là biểu hiện có trách nhiệm với uy tín của bản thân.
6. Khiêm tốn
Những người thích khoa trương thì chỉ như chiếc thùng rỗng kêu to. Họ chỉ biết quan tâm đến bản thân mình và thèm khát sự ghi nhận, tán dương của người khác. Những người như vậy thường chấp vào hư vinh. Đôi khi họ còn tự tạo ra rắc rối cho mình khi được giao những việc quá sức vì người khác đặt nhầm niềm tin vào bản thân họ.
Những người càng có năng lực thông thường đều rất khiêm nhường. Họ hiểu rằng thành tựu của bản thân là nhờ công lao đóng góp của rất nhiều người. Trong lòng họ tràn đầy lòng biết ơn với Trời đất, cha mẹ, thầy cô, bè bạn và những người giúp đỡ mình. Họ là người có trí tuệ khi biết đặt đúng vị thế của mình trong trí tuệ chung của nhân loại, không vì chút bản sự mà khinh thường người khác.
7. Có nguyên tắc
Nguyên tắc được sinh ra để đảm bảo lợi ích chung cho tất cả những người có liên quan và sự vận hành lành mạnh của các mối quan hệ. Người có nguyên tắc thường biết tôn trọng người khác và biết điểm dừng. Họ hiểu được đạo lý “những gì có thể làm và những gì không thể làm”.
Những người làm việc không có nguyên tắc thường khiến sự việc bị xáo trộn, trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Rất có thể họ sẽ bất chấp thủ đoạn để giành được thứ mình muốn mà không tiếc tay làm tổn hại đến người khác. Vậy nên những người biết tuân thủ các nguyên tắc mới có thể trông cậy.
Người có nguyên tắc thường biết tôn trọng người khác và biết điểm dừng. (Ảnh: cdics.net)
8. Hào phóng, quảng đại
Những người thích chiếm lợi thường ‘đo lọ nước mắm đếm củ dưa hành’. Họ không thể chịu được cái thiệt trước mắt. Từ “trung thành” tự nhiên cũng sẽ không xuất hiện trong từ điển của họ.
Người hào phóng, quảng đại thường có tầm nhìn rộng, có tấm lòng bao dung như biển rộng, luôn đặt mình nơi thấp mới có thể dung nạp trăm sông. Họ không vì những điều phiền phức, khó chịu trước mắt mà gây khó dễ cho người khác. Họ giàu lòng nhân ái, luôn biết chở che, nâng đỡ và khích lệ người khác, khiến người vui hơn, đời đẹp hơn.
9. Dám chịu trách nhiệm
Những người chỉ biết oán trách hoặc một mực đổ trách nhiệm cho người khác, khi có việc xảy ra là không dám gánh vác trọng trách và chẳng thể chọn mặt gửi vàng. Khi sóng yên biển lặng, họ có thể vui vầy bên cạnh bạn, cùng bạn hưởng thụ cuộc sống. Nhưng khi gặp khó khăn, vì tránh ảnh hưởng tới lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng quay lưng, trở mặt. Thậm chí còn ruồng rẫy để mặc người khác tự mình xoay xở, không giống với những bậc chính nhân quân tử dám làm dám chịu. Khi gặp khó khăn không viện cớ, dám nhận trách nhiệm mới là người xứng đồng cam cộng khổ.
Ông cha ta từ xưa đã dặn dò chúng ta phải biết “chọn bạn mà chơi”. Bởi lẽ “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”, hay “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Kỳ thực những cuốn sách chúng ta hay đọc, những người chúng ta yêu mến và thường qua lại như thế nào thì chúng ta cũng sẽ dần trở thành người như vậy. Có câu “mã tầm mã, ngưu tầm ngưu”, chỉ cần bạn tu dưỡng bản thân trở thành một người đáng tin cậy thì tự khắc “hữu xạ tự nhiên hương”, những bậc chính nhân quân tử sẽ tự tìm tới, còn kẻ tiểu nhân lại dần lùi xa.
Hiểu Mai
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC