Sự thất bại của Assad đang trở thành cú đánh mạnh vào tham vọng của Điện Kremlin, vốn luôn nỗ lực duy trì ảo tưởng về sức mạnh bất khả chiến bại của mình trên trường quốc tế.
Theo báo cáo từ công ty phân tích dữ liệu Filter Labs, các bình luận tích cực về Syria trên mạng xã hội Nga đã giảm mạnh. Ngay cả trong giới blogger quân sự Nga, tâm trạng cũng thay đổi rõ rệt theo hướng thất vọng. Tờ The Guardian nhận định: "Sự sụp đổ của Assad đã biến giấc mơ thống trị thế giới của Putin thành cơn ác mộng."
Khủng hoảng trong chiến lược quyền lực của Putin
Đối với Putin, người đã xây dựng quyền lực dựa trên sự thao túng nhận thức và tạo dựng hình ảnh quyền lực "siêu cường", thì sự thất bại này là một tổn thất khó chấp nhận.
Trong nhiều năm, Điện Kremlin đã thành công trong việc khuếch trương hình ảnh sức mạnh qua truyền thông trong nước và trên trường quốc tế, bất chấp những hạn chế về nguồn lực thực tế.
Tuy nhiên, với sự thất thế tại Syria, Nga đang mất đi một mắt xích quan trọng trong "bộ phim siêu cường" của mình. Cùng lúc, áp lực quốc tế lên Moscow đang gia tăng. Các cuộc biểu tình chống Nga ở Georgia (Gruzia) bắt đầu mang lại kết quả, trong khi những lệnh trừng phạt từ phương Tây đang dần bóp nghẹt không gian kinh tế của Nga.
Tại Moldova, các nỗ lực của Điện Kremlin nhằm ngăn chặn tiến trình hội nhập châu Âu của nước này thông qua tham nhũng và tuyên truyền cũng đang thất bại.
Bài báo còn chỉ rõ: "Putin không lo ngại về các cuộc bầu cử, nhưng ông ta lo sợ khi dân chúng bắt đầu không tuân theo các mệnh lệnh."
Khó khăn kinh tế và áp lực từ phương Tây
Cùng lúc, phương Tây đã bắt đầu hành động mạnh tay hơn để đối phó với Nga. Một trong những động thái đáng chú ý là việc tăng cường các biện pháp chống lại "hạm đội bóng tối" của Nga, vốn chuyên vận chuyển dầu mỏ vượt qua giới hạn giá đã được thiết lập. Nếu các lệnh trừng phạt thứ cấp được áp dụng lên các công ty kinh doanh dầu của Nga, điều này sẽ khiến nền kinh tế Nga thêm phần bất ổn.
Thậm chí, trong quan hệ với Trung Quốc – đối tác chiến lược được Điện Kremlin công bố là quan trọng – căng thẳng cũng đang nảy sinh. Các ngân hàng Trung Quốc bắt đầu giảm hợp tác với doanh nghiệp Nga, buộc họ phải tìm đến các giao dịch tài chính không chính thống.
Sự bất ổn trong hệ thống đang dần lộ diện khi nền kinh tế Nga phải đối mặt với lạm phát ngày càng gia tăng, trong khi các lệnh trừng phạt tiếp tục gây khó khăn. Điều này khiến cộng đồng doanh nghiệp Nga bắt đầu bày tỏ lo ngại về tính ổn định của hệ thống dưới sự lãnh đạo của Putin.
Ukraine và phương Tây: Tăng cường áp lực
Trong khi đó, Ukraine đang trực tiếp tấn công vào Nga thông qua các cuộc không kích bằng máy bay không người lái nhắm vào các cơ sở sản xuất quân sự và thậm chí cả vụ ám sát một tướng Nga ngay tại trung tâm Moscow. Những động thái này không chỉ gây tổn thất vật chất mà còn là đòn tâm lý mạnh, làm lung lay tinh thần của Điện Kremlin.
Tuy nhiên, bài báo nhấn mạnh rằng áp lực từ phương Tây cần phải mang tính hệ thống và liên tục. Từ các biện pháp trừng phạt kinh tế, cô lập chính trị đến hỗ trợ quân sự cho Ukraine, tất cả đều phải phối hợp nhằm buộc Điện Kremlin phải từ bỏ tham vọng áp đặt "luật chơi toàn cầu" của mình.
Dấu hiệu rút lui tại Syria
Những hình ảnh vệ tinh gần đây đã ghi lại các hoạt động chuẩn bị sơ tán tại hai căn cứ quân sự quan trọng của Nga ở Tartus và Khmeimim, cho thấy Moscow có thể đang cân nhắc rút lui khỏi Syria. Đây sẽ là một thất bại lớn trong nỗ lực duy trì ảnh hưởng tại Trung Đông, đồng thời là minh chứng rõ ràng cho sự suy yếu trong chiến lược toàn cầu của Nga.
Theo The Guardian
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC