Trong chuyến du lịch đến Argentina vào năm 2006, Blake Mycoskie rất chú ý đến một loại giày truyền thống của cư dân nơi đây có tên là Alpargata.
Loại giày này làm bằng vải mềm, kiểu dáng đơn giản. Anh nhận thấy nó khá hợp với thị hiếu của người tiêu dùng phương Tây. Thế nhưng, đó là một chuyến du lịch, không phải là lúc để nghĩ tới việc làm ăn, nên anh tạm gác suy nghĩ về những đôi giày sang một bên.
Tất cả đến từ tình yêu thương
Blake Mycoskie (Ảnh: thechalkboardmag.com)
Rồi những suy nghĩ của Blake cũng không thể ngủ yên thêm nữa, khi anh thấy những đứa trẻ nghèo ở Argentina thiếu thốn đủ mọi điều, từ cái ăn, cái mặc cho đến một đôi giày để đi lại. Cũng bởi vì cha mẹ nghèo không có tiền mua giày dép, chúng phải đi chân đất quá nhiều nên trên da xuất hiện các vết lở loét, những căn bệnh khác cũng theo đó mà phát triển. Anh rất đau lòng khi nhìn thấy cảnh này.
Blake liền nghĩ đến kết việc hợp kinh doanh giày Alpargata với hoạt động từ thiện hỗ trợ trẻ em nơi đây. Ý tưởng này không mới, nhưng nó được triển khai theo một cách chuyên nghiệp và triệt để thì chưa ai làm được. Bản thân Blake cũng là một doanh nhân lão luyện từng xây dựng 4 công ty Startup khá thành công, nên anh hiểu ưu và nhược điểm của các loại hình kinh doanh theo hình thức từ thiện.
Đôi giày Alpargata được bày bán ở TOMS shoes (Ảnh: shoes.satu.site)
Lẽ thông thường, hoạt động từ thiện gần như không tạo ra lợi nhuận, để vận hành được dự án, ít nhiều gì họ cũng cần huy động tiền từ những nhà hảo tâm bên ngoài. Nhưng cách làm truyền thống này có một vài nhược điểm đáng kể. Thứ nhất là sức người có hạn, lòng hảo tâm dù có rộng rãi bao nhiêu cũng chỉ giúp đỡ được phần nào của dự án và nguồn tiền ủng hộ cũng không đều đặn theo thời gian. Thứ 2, bản thân những người làm tình nguyện cũng chỉ có thể dành một khoảng thời gian rảnh rỗi để tham gia các hoạt động từ thiện, họ còn kế hoạch của riêng mình và khó mà gắn bó dài lâu với các dự án về người nghèo.
Nói cách khác, sự thiếu thốn về nhân lực và tài lực khiến đa số các dự án chưa thể phát huy hết sức mạnh của mình, trừ khi chúng được chống lưng bởi những tổ chức hoặc cá nhân cực kỳ giàu có, như Bill Gate chẳng hạn. Có lẽ chính bản thân Bill Gate cũng nhận thức được điểm này, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thường chỉ gửi tiền ủng hộ vào quỹ từ thiện mà đa số họ chẳng thể hoặc chẳng muốn giúp gì hơn cho những hoạt động từ thiện trực tiếp tại thực địa. Vì vậy khi biết về dự án của Blake, ông rất ủng hộ ý tưởng của ông chủ trẻ tuổi.
Hành trình của một thương hiệu triệu đô
Blake đi giày cho những đứa trẻ nghèo (Ảnh: Ecoblader)
Trở về Mỹ từ chuyến hành trình ở Argentina, Blake quyết định bán công ty dạy lái xe trực tuyến anh đang sở hữu với giá 500.000 USD, rồi dùng khoản tiền đó để xây dựng một doanh nghiệp có tên là TOMS Shoes (Giày cho ngày mai tốt đẹp hơn). Phương thức kinh doanh của nó rất đơn giản: Với mỗi đôi giày bán ra, hãng sẽ trao tặng một đôi như vậy cho những đứa trẻ ở vùng đất nghèo đói nào đó.
Mỗi đôi giày của TOMS có giá từ 50-100 USD, với kiểu dáng phỏng theo Alpargata, điều đáng nói là nó được sản xuất ngay tại Argentina nơi mà cha mẹ của những đứa trẻ nghèo có thể tham gia vào chuỗi cung ứng để cải thiện thu nhập của mình. Một mô hình khép kín, sản phẩm chất lượng, giá cả phải chăng, tất cả đều có lợi và hiển nhiên nó đã chứng minh được hiệu quả của mình.
Sau chưa đầy một năm, TOMS bán ra 10.000 đôi giày cho các khách hàng phương tây, điều này cũng có nghĩa là có chừng ấy đôi giày đẹp đẽ và vừa chân được gửi tặng những đứa trẻ ở Argentina. Việc kinh doanh cứ thế tấn tới, năm 2011 đã có 500 nhà phân phối trở thành đối tác của TOMS, đồng thời Blake cũng phát triển thêm dòng sản phẩm kính mắt với mục tiêu chữa bệnh mắt ở những quốc gia kém phát triển.
Những đứa trẻ hanh phúc vì không phải đi đôi dép cũ mèm của mình nữa (Ảnh: Children International)
Những khách hàng giờ đây trở thành những nhà hảo tâm, họ yên tâm trao cho Blake khoản “kinh phí từ thiện” của mình và nhận lại “món quà nhỏ” là những đôi giày thời trang, thật quá lý tưởng! Cho đến đầu năm 2016, TOMS shoes đã cung cấp hơn 50 triệu đôi giày miễn phí, bên cạnh đó là những khoản tài trợ điều trị mắt cho 400.000 trường hợp khó khăn, hỗ trợ hàng tỷ lít nước sạch thông qua việc bán cafe và nhiều thành tựu đáng ngưỡng mộ khác nữa.
Chẳng những vậy, chính bản thân Blank cũng thu về cho mình một khoản lợi nhuận trị giá 300 triệu USD, anh lại tiếp tục dùng số tiền này để xây dựng một quỹ mới dành cho những doanh nhân có ý thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội.
Những con người đứng đầu các quỹ từ thiện chắc chắn là người có nhiều lòng nhiệt thành dành cho người nghèo nhất, vì chính bản thân họ phải hy sinh sự nghiệp và cuộc sống cá nhân của mình để gắn bó với những mảnh đời bất hạnh. Câu chuyện của chàng thanh niên trẻ đi du lịch ở Argentina cho ta thấy một tinh thần doanh nhân thật đáng học hỏi, anh nhận ra cơ hội kinh doanh ở bất cứ nơi đâu kể cả trong công tác từ thiện. Để rồi với tài năng và tấm lòng của mình, anh biến nó thành những sản phẩm có giá trị cho xã hội gồm cả người giàu, người nghèo và chính anh nữa.
Quan trọng hơn, chúng ta có thể thấy rằng, lòng hảo tâm không chỉ đơn giản là việc gửi tiền vào một quỹ từ thiện nào đó rồi phó mặc cho người khác làm những việc còn lại. Làm từ thiện trước hết cần xuất phát từ tình yêu thương đồng loại và trách nhiệm đối với từng đồng tiền mà mình gửi gắm… Số tiền bạn ủng hộ có thể không lớn, nhưng tấm lòng ẩn chứa trong đó chắc chắn không thể nhỏ.
Anh Lân
Daikynguyen
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC