Lo ngại của Washington về thị trường năng lượng là không hợp lý.
Vào ngày 19/1, một chiếc máy bay không người lái (drone) của Ukraine đã tấn công một kho dầu tại thị trấn Klintsy, vùng Bryansk, phía tây nước Nga, khiến bốn bể chứa xăng bốc cháy và thiêu rụi khoảng 1,6 triệu gallon dầu. Cuối tuần đó, một cuộc tấn công khác đã gây cháy tại nhà máy lọc dầu Rosneft ở Tuapse, cách lãnh thổ Ukraine kiểm soát khoảng 600 dặm.
Đến tháng 3, các drone của Ukraine đã tấn công bốn nhà máy lọc dầu của Nga chỉ trong vòng hai ngày. Sang tháng 4, cuộc tấn công bằng drone đã nhắm vào nhà máy lọc dầu lớn thứ ba của Nga ở vùng Tatarstan, cách Ukraine khoảng 800 dặm, và kết thúc tháng với các cuộc tấn công vào các cơ sở dầu mỏ tại hai thành phố Nga khác, Smolensk và Ryazan.
Tổng cộng, kể từ tháng 10, Ukraine đã thực hiện ít nhất 20 cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga. Các quan chức an ninh Ukraine cho biết mục tiêu của chiến dịch là cắt giảm nguồn cung nhiên liệu cho quân đội Nga và làm giảm doanh thu từ xuất khẩu dầu – nguồn tài chính quan trọng mà Điện Kremlin sử dụng để tài trợ cho chiến tranh.
Đến cuối tháng 3, Ukraine đã phá hủy khoảng 14% công suất lọc dầu của Nga, buộc chính phủ nước này phải áp dụng lệnh cấm xuất khẩu xăng trong sáu tháng. Nga, một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới, hiện thậm chí phải nhập khẩu xăng.
Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Biden lại chỉ trích các cuộc tấn công này. Vào tháng 2, Phó Tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hạn chế tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga vì lo ngại điều này có thể khiến giá dầu toàn cầu tăng cao. Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng cảnh báo rằng những cuộc tấn công này có thể gây "hiệu ứng dây chuyền" đối với tình hình năng lượng toàn cầu. Ông Austin đề nghị Ukraine nên tập trung vào các mục tiêu chiến thuật và chiến lược khác có ảnh hưởng trực tiếp hơn đến chiến trường.
Một vụ hỏa hoạn tại một cơ sở năng lượng của Nga sau cuộc không kích của Ukraine, Yartsevo, Nga, tháng 4 năm 2024 Reuters
Những chỉ trích của Washington liệu có hợp lý?
Những lo ngại của Washington là không cần thiết. Các cuộc tấn công nhằm vào các nhà máy lọc dầu của Nga sẽ không làm gián đoạn thị trường năng lượng toàn cầu như các quan chức Mỹ lo ngại. Thay vì ảnh hưởng đến khả năng khai thác hoặc xuất khẩu dầu thô, các cuộc tấn công chỉ làm giảm năng lực lọc dầu của Nga.
Điều này có nghĩa là Nga sẽ buộc phải xuất khẩu nhiều dầu thô hơn thay vì giảm lượng xuất khẩu, dẫn đến giá dầu thô toàn cầu có thể giảm, chứ không tăng. Thực tế, các công ty Nga đã bắt đầu bán thêm dầu thô chưa tinh chế ra thị trường quốc tế.
Những cuộc tấn công này cũng gây ra thiệt hại lớn cho nước Nga, nơi giá các sản phẩm dầu tinh chế như xăng và dầu diesel đã bắt đầu tăng mạnh. Chiến dịch của Ukraine đã đạt được mục tiêu mà các lệnh trừng phạt và chính sách giới hạn giá dầu của Nga không thể đạt được: làm suy yếu khả năng tài chính và hậu cần của Nga để tiếp tục chiến tranh, trong khi hạn chế thiệt hại đến nền kinh tế toàn cầu.
Chiến lược tấn công có mục tiêu
Cho đến nay, Ukraine tập trung tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga, thay vì các mỏ dầu hoặc cơ sở hạ tầng xuất khẩu dầu thô. Sự khác biệt này mang tính chiến lược. Dầu thô được khai thác từ giếng dầu sẽ được vận chuyển đến các nhà máy lọc dầu, nơi nó được tinh chế thành các sản phẩm như xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Theo ước tính năm 2023, Nga khai thác khoảng 10,1 triệu thùng dầu mỗi ngày. Một nửa lượng dầu này được xuất khẩu sang các nhà máy lọc dầu ở nước ngoài, trong khi nửa còn lại được tinh chế trong nước.
Một phần lớn các sản phẩm tinh chế này được dùng để cung cấp năng lượng cho quân đội Nga. Các cuộc tấn công của Ukraine đã làm giảm công suất lọc dầu của Nga xuống 900.000 thùng mỗi ngày. Việc sửa chữa các nhà máy này sẽ mất nhiều năm do các lệnh trừng phạt của phương Tây khiến Nga khó tiếp cận các thiết bị và linh kiện cần thiết.
Khi các nhà máy lọc dầu bị hư hại, Nga chỉ còn hai lựa chọn: tăng xuất khẩu dầu thô hoặc giảm sản lượng khai thác. Cả hai đều gây thiệt hại cho Nga, nhưng việc tăng xuất khẩu ít tổn hại hơn. Nga hiện chỉ có thể bán dầu thô cho một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ – những nước có đủ cơ sở lọc dầu để xử lý loại dầu này – với giá thấp hơn thị trường.
Hiệu quả chiến lược
Dữ liệu cho thấy Nga đang xuất khẩu nhiều dầu thô hơn trong khi lượng nhiên liệu tinh chế xuất khẩu giảm mạnh. Điều này đã đẩy giá bán buôn xăng và diesel ở Nga tăng cao, gây áp lực lớn lên nền kinh tế. Các công ty dầu mỏ Nga đang chịu lợi nhuận giảm, trong khi chính phủ buộc phải tăng trợ cấp nhiên liệu để giữ giá bán lẻ ổn định, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn ngân sách cho chiến tranh.
Ukraine nên tiếp tục chiến dịch này để làm suy yếu khả năng chiến tranh của Nga và thúc đẩy điều kiện thuận lợi cho đàm phán hòa bình trong tương lai.
Biên dịch - Thu Phương
Michael Liebreich, Lauri Myllyvirta, và Sam Winter-Levy
Theo foreign affairs
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC