(Ảnh: RK1979, Shutterstock)
Tạo khẩu nghiệp
Cổ ngữ có câu: “Dao sắc cứa vào thân thể, vết thương dễ lành; lời ác độc gây tổn thương, khiến người khác uất hận mãi không nguôi”. Tục ngữ cũng có câu: “Phúc theo miệng vào, họa theo miệng ra”. Lời độc ác, không chỉ làm tổn thương đến người khác, mà cuối cùng còn làm tổn hại đến bản thân mình.
Những người ác khẩu sẽ khiến những thành viên gia đình buồn phiền. Ngoài ra người ác khẩu còn đắc tội với rất nhiều người, nên gia đình họ tự nhiên cũng không được người khác yêu mến, sao không thể suy bại được đây?
Cuộc đời của một phúc nhân, thông thường là tích đức hành thiện cả một đời, họ tuyệt đối không dễ dàng bình luận chuyện thị phi về người khác, cũng không đi khắp nơi sinh chuyện thị phi.
Có câu “Tĩnh toạ thường tư kỷ quá, nhàn đàm mạc luận nhân phi”, tĩnh toạ thường nghĩ về sai sót của bản thân, khi nhàn rỗi đừng bàn luận chuyện thị phi của người khác. Trên thế giới này, vốn không có người hoàn thiện, vậy nên bàn luận sau lưng người khác chi bằng tự xét lỗi bản thân, tích phúc cho bản thân và con cháu.
Tham dục
Tự cổ chí kim, vì nhất thời tham dục, con người làm ra những việc hại mình hại người quả thực không ít, thông thường cũng làm liên lụy tới gia đình. Dục vọng có thể khiến con người được thoả mãn nhất thời, nhưng thường để lại hậu hoạ khôn lường. Trừ bỏ tâm tham dục thì bản thân và gia đình mới ngày càng có phúc.
Ngoài ra, tham dục ấy kỳ thực cũng là để cuối cùng bản thân và người trong gia đình hưởng thụ. Nhưng trong quá trình đeo đuổi lấy giấc mơ ấy, người ta chưa bao giờ tĩnh tâm ngừng lại tự hỏi xem đến cùng bản thân và gia đình cần những gì.
Từ xưa đến nay, có bao nhiêu người cả đời lao tâm lao lực, đến lúc vinh hoa phú quý, công thành danh toại, tưởng rằng như thế là bản thân sắp có được hạnh phúc, khoái hoạt rồi. Nhưng quay đầu lại nhìn thì hóa ra, hạnh phúc lại không phải ở nơi ấy! Người như vậy ở nơi nào cũng có, họ rốt cuộc là thành công hay thất bại đây?
“Cao ốc ngàn gian, đêm nằm ngủ cũng không quá hai mét, ruộng tốt vạn khoảnh, ngày ăn cũng không quá ba bữa”, hà cớ gì người ta phải truy cầu nhiều thứ như vậy? Huống chi, tiền tài dù nhiều đến mấy, chức vị dù cao đến đâu đi nữa cuối cùng đến lúc sinh mệnh lìa đời thì đâu còn ý nghĩa gì.
Oán hận
Đời người có tới tám, chín phần là không như ý, vậy nên nếu bản thân luôn chìm đắm trong cảm giác bất bình, oán hận, thì cảm giác đó không chỉ dày vò khiến bạn thống khổ, mà còn khiến tâm trạng đó lan ra khắp gia đình. Tâm lý oán hận sẽ dễ dàng khiến người ta bực tức, nóng giận, thậm chí “giận cá chém thớt”, khiến người thân phải oan uổng chịu đựng cùng.
Học trò của Khổng Tử là Tử Cống từng hỏi ông rằng: “Thưa thầy! Có hay không có một chữ mà có thể làm nguyên tắc khiến con người cả đời làm theo?”
Khổng Tử nói: “Chính là chữ Thứ”.
Chữ ‘Thứ’ này chính là mang ý nghĩa khoan dung, độ lượng. Người đối tốt với ta, ta cũng đối tốt với người; người không đối tốt với ta, ta vẫn đối tốt với người.
Trong cuộc sống con người cần học cách “tri túc vi lạc”, trân trọng và cảm ơn những điều tốt đẹp, điều chỉnh lại tâm thái, thì cuộc sống mới trở nên ý nghĩa hơn, phúc phận cũng theo đó mà tới. Một người có phúc cũng khiến gia đình họ gặp nhiều may mắn và ngày càng hưng vượng.
Theo Vision Times
Thiên Cầm biên tập
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC