Bạn đọc không đồng tình kiểu lập luận 'biển động, giá tăng' của lãnh đạo Phú Quốc

Bạn đọc không đồng tình kiểu lập luận 'biển động, giá tăng' của lãnh đạo Phú Quốc

Nhiều bạn đọc cho rằng thay vì tìm ra giải pháp để vực dậy ngành du lịch, đằng này lãnh đạo đảo ngọc Phú Quốc lại đổ thừa do hoàn cảnh khách quan. Và như vậy, du lịch nơi này tiếp tục thua trên sân nhà.

1 Ban Doc Khong Dong Tinh Kieu Lap Luan Bien Dong Gia Tang Cua Lanh Dao Phu Quoc

Vật giá leo thang khiến khách du lịch đến Phú Quốc trong thời gian qua bị sụt giảm - Ảnh: CHÍ CÔNG

Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Ngày 31-10, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc - cho biết lượng khách du lịch đến Phú Quốc không nhiều như kỳ vọng một phần là do sụt giảm, một phần do cách tính toán giữa 3 đơn vị: Công an, Sở Du lịch và các doanh nghiệp du lịch còn lệch nhau.

Tôi cứ ngỡ bao nhiêu cuộc họp, bao ý kiến của chuyên gia, du khách, cơ quan truyền thông... thì chính quyền địa phương sẽ nhìn ra những mặt tồn tại để cùng người dân, doanh nghiệp làm cuộc cải cách, từng bước lấy lại vị thế của hòn đảo. Quả thật thất vọng trước những bao biện này..."Ý kiến bạn đọc Thomas

Nói về việc du khách than phiền thời gian qua vật giá Phú Quốc cao hơn một số điểm du lịch khác, ông Nghiệp thừa nhận: "Thực tế giá cả ở Phú Quốc cao hơn những nơi khác là đúng. Vì chi phí đầu vào đã cao hơn rồi. Phải sống ở Phú Quốc mới hiểu vì sao giá cao hay thấp. Thậm chí chỉ cần có biển động vài ngày thì giá hải sản tăng 2 - 3 lần là bình thường".

Không chịu nhìn nhận sự yếu kém thì còn lâu lắm mới phát triển

Và, như trên đã nói, đây không phải lần đầu đề cập đến du lịch Phú Quốc. Trước đó, vào ngày 14-10, UBND tỉnh Kiên Giang có buổi làm việc với các doanh nghiệp làm dịch vụ du lịch địa phương, Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc, các hãng hàng không về cơ chế vé máy bay và giải pháp kích cầu du lịch Phú Quốc.

"Thay vì cứ đổ thừa, Phú Quốc nên lấy khách hàng làm trung tâm và lắng nghe một cách cầu thị góp ý của họ trên các bài báo trước" - bạn đọc Minh Tâm viết.

Theo bạn đọc này, việc đầu tiên mà lãnh đạo Phú Quốc cần làm là: "Hãy có giải pháp căn cơ cải thiện nạn "chặt chém", vệ sinh môi trường, an ninh trật tự và hãy trả lại bờ biển cho du khách".

"Mệnh danh là đảo ngọc mà không có bờ biển đi dạo. Và đã có hàng trăm góp ý của độc giả trong các bài báo trước mà chưa hề thấy lãnh đạo nơi đây đề cập về việc này", bạn đọc Minh Tâm bức xúc.

Về cách biện luận "Phải sống ở Phú Quốc mới hiểu vì sao giá cao hay thấp. Thậm chí chỉ cần có biển động vài ngày thì giá hải sản tăng 2 - 3 lần là bình thường", như lời ông Phạm Văn Nghiệp - phó chủ tịch UBND TP Phú Quốc, bạn đọc Phong Vu nhận xét: "Đây là tư duy cơ hội, lợi hôm nay nhưng hại lâu dài. Tư duy điều hành giá hải sản trên đảo cần thay đổi, cần làm như cách quản lý giá xăng dầu, cấm "chặt chém", cơ hội".

Phong Vu phân tích thêm: "Phần 'bình thường' chỉ đúng một nửa, là khi biển động ghe thuyền không ra đánh bắt khiến một vài ngày không có hải sản đầu vào. Phần tăng giá khủng 2 - 3 lần là không bình thường.

Vừa nghe tin gió lớn ghe thuyền phải ngưng ra khơi đánh bắt hải sản thì các vựa đầu mối tăng vọt giá lên gấp đôi, và nhà hàng tăng lên gấp ba. Tất cả hùa nhau tận dụng cơ hội khan hàng để "chặt chém" thu lợi. 

Theo tôi, Phú Quốc cần ra lệnh cho các vựa đầu mối và nhà hàng khi có biển động không được tăng giá hải sản, phải giữ nguyên giá và cấm ghim hàng đầu cơ".

Khách quốc tế trở lại là tín hiệu vui, nhưng nên lắng nghe góp ý của khách nội địa

Theo nhiều bạn đọc, thực tế cho thấy thời gian qua có nhiều đoàn khách quốc tế đến Phú Quốc là một tín hiệu vui bởi hòn đảo này có sức hấp dẫn. Tuy nhiên, không thể vì thế mà Phú Quốc lơ là những góp ý của khách nội địa.

Về ý này, bạn đọc Huỳnh Tân viết: "Nên nhớ, khách nội địa vẫn chiếm tỉ trọng cao. Nếu chính quyền Phú Quốc không hành động chấn chỉnh thì lại thua trên sân nhà. Nhìn thống kê 'Khách Việt đi Thái cao gần gấp đôi khách Thái sang Việt' mà chạnh lòng".

Đưa ra một so sánh đáng suy ngẫm, bạn đọc Hồng Vân góp ý: "Lãnh đạo đảo Phú Quốc nên đi đảo Jeju của Hàn Quốc, cũng là đảo nhưng giá các mặt hàng bán tương đương như trong đất liền. 

Cửa hàng nào bán quá giá bị phản ảnh là bị phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh. Đó là lý do ngày nào cũng có nhiều du khách đến thăm đảo, mang lại doanh thu khủng khiếp cho đất nước họ".

Góp thêm góc nhìn, bạn đọc Nguyen Chau phân tích: "3 yếu tố làm nên thành công cho du lịch đó là: THIÊN THỜI - ĐỊA LỢI - NHÂN HÒA.

Ở Phú Quốc thiên nhiên ưu đãi đã tạo nên "đảo ngọc". Yếu tố thứ hai "địa lợi" chưa tốt do hàng không cản trở khách ra đảo với giá vé không dễ chịu. Yếu tố còn lại "nhân hòa" hiện Phú Quốc cũng làm chưa tốt.

Là người từng du lịch ở Phú Quốc, tôi góp ý rằng nhà hàng, khách sạn tại đây không để lại hình ảnh đẹp trong lòng du khách. Bị "chặt chém" với giá trên trời thì làm sao du khách còn muốn quay lại nữa?".

Suy nghĩ tương tự, bạn đọc Lại Quang Tấn bổ sung: "Những lãnh đạo ở Phú Quốc không chịu nhìn nhận sự yếu kém của mình thì còn lâu lắm Phú Quốc mới phát triển".

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online


© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC



 

Bài liên quan