Phần lớn trong hơn 200 bình luận dưới bài viết “ Nhà chùa xin hãy đừng tổ chức nghi lễ phóng sinh nữa ” đều phản đối việc thực hiện nghi lễ phóng sinh mang nặng tính hình thức bằng những con vật được đánh bẫy, săn bắt cho mục đích này.
Săn bắt để phóng sinh là giả nhân giả nghĩa
“Về bản chất, việc đánh bẫy, bắt chim trời về bán cho những người cần thực hiện nghi lễ phóng sinh để cầu phúc, cầu tài lộc thì có khác gì đẩy ai đó xuống sông sâu, vào chỗ nước sôi lửa bỏng để sau đó vớt lên và nhận lấy phần thưởng của việc ‘cứu người’ ấy. Đùa bỡn với sinh mạng, dùng sinh linh khác làm phương tiện cầu lợi lộc cho mình, như thế vừa ác vừa giả nhân giả nghĩa “ , độc giả Vĩnh Hòa viết.
Độc giả Lê Hoàng bày tỏ thái độ cực lực phản đối những chùa hay bất cứ ai tổ chức các hoạt động phóng sinh hình thức bởi: “Đây chính là nguồn gốc dẫn đến việc hàng ngàn, hàng vạn con chim bị bắt để bán cho các lễ hội phóng sinh và khi thả ra thì chúng hoặc bị bắt lại để bán, hoặc sẽ bị chết vì bị cắt lông cánh (nhằm dễ bắt lại bán cho người khác).
Tương tự, thả cá vào những ao, sông, kênh bị ô nhiễm nồng nặc thì cá cũng bị chết hết. Mong rằng cộng đồng chúng ta hãy phản đối các lễ phóng sinh đã giết chết hàng triệu động vật, tàn phá thiên nhiên, môi trường sinh thái thế này!”.
Lê Hoàng cũng cho rằng, hoạt động phóng sinh xưa kia là hành động thả những động vật bị giam giữ về môi trường thiên nhiên, và đó là việc thiện lành. Tuy nhiên ngày nay, nó bị biến tướng thành những lễ hội phóng sinh để quảng cáo và thu tiền quyên góp.
Theo độc giả này, đã là từ tâm thì chỉ cần kêu gọi để mọi người nếu nuôi nhốt động vật hoang dã thì thả về nơi phù hợp để chúng sống chứ không cần hô hào góp quỹ mua hàng nghìn con chim, con cá để làm lễ hội phóng sinh hoành tráng để quảng bá vì sẽ làm phát triển dịch vụ đánh bắt chim trời phục vụ các lễ hội này.
Ảnh này được chụp ở một ngôi chùa tại quận 3, TP.HCM trong dịp thực hiện nghi lễ phóng sinh. Hai chú chim nằm chết trên đất, đầu bị kiến lửa bu kín. (Ảnh: VnExpress).
Phạm Thị Gấm viết: “Không sát sinh, ngăn cản sát sinh tức là phóng sinh rồi. Không nên làm trò cầm tù sinh linh rồi lại thả đi, khiến chúng sinh sợ hãi, uy hiếp đến cuộc sống yên bình của vạn vật. Thất đức đấy”.
Độc giả tên Hoa phẫn nộ: “Con chim đang tung tăng bay lượn đem bắt nhốt lại, có con đã chết khi chưa kịp được phóng sinh; có con xù lông, kiệt sức, thả ra cũng chết. Vậy là có đạo đức ư?”.
Bạn đọc tên Giang gọi những lễ phóng sinh như vậy là “việc làm giả dối ngay từ trong tâm”. Còn độc giả Phan Ngọc Bình thẳng thắn: “Mua động vật để phóng sinh chẳng khác nào tiếp tay cho người khác sát sinh, mà chính ta cũng là người gián tiếp”.
Hãy thả chúng ra, không cần làm lễ
Nhiều người cho rằng, nếu thực sự muốn cứu những động vật đang bị bắt nhốt thì chỉ cần thả chúng về môi trường thích hợp càng sớm càng tốt, sao cho chúng có khả năng sống sót cao nhất, chứ không cần thực hiện các nghi lễ.
“Những con cua bị bắt lên yếu lắm. Chúng cần được thả ngay để có cơ hội sống chứ đâu cần tham dự lễ lạt hay nghe đọc kinh. Nếu thương chúng thì phóng thích luôn, đừng mất thời gian làm lễ nữa” , bạn Duyên An bình luận.
Cùng quan điểm, bạn Tam Nhan viết: “Cá nhân nào muốn phóng sinh thì cứ việc ra ngay chỗ bán chim mua xong rồi thả ngay luôn tại chỗ, thế là đã tạo phước rồi chứ cần gì phải đem tới chùa nhờ đọc kinh chi cho màu mè!
Đã là phóng sinh thì có thể làm bất cứ lúc nào, không cần một buổi lễ, không cần ai chứng kiến, vậy mới là phóng sinh”.
Độc giả Nguyễn Lâm nêu ý kiến: “Nhà chùa và các thầy nên khuyên khích người dân mua tôm cá ở trại giống và thả ra môi trường, hoặc là ra chỗ bán chim cá tự nhiên, mua xong thả luôn, không mang về chùa để cúng bái làm chi cả. Cúng trước, xin trước đi. Phật từ bi sẽ ủng hộ việc làm đúng và nhân văn của con người.
Khi ra môi trường, con vật sẽ phải tự thích nghi, sinh thái sẽ tự cân bằng. Ở nước ngoài, các trang trại thường thể hiện trách nhiệm với tự nhiên bằng việc mỗi năm sẽ thả một cơ số con giống để duy trì sự sống của muôn loài”.
Chấm dứt ngay phóng sinh kiểu biến tướng
“Thấy sai mà không chấn chỉnh được thì nên chấm dứt tục lệ đi, đừng để tục lệ biến tướng ảnh hưởng đến môi sinh, thậm chí hủy hoại môi trường” , bạn đọc Huy Cao viết. Nhiều người khác có chung quan điểm này.
“Cám ơn người viết bài dám nói lên một sự thật đau lòng, đó là hình thức phóng sinh cầu lợi một cách giả dối. Khó mà chấm dứt chuyện đó khi nhà chùa vẫn chấp nhận thực hiện nghi lễ này”, Phan Dung bình luận.
My A bày tỏ quan điểm: “Thật sự, đây không phải là phóng sinh. Những người phóng sinh kiểu này chưa hề biết và hiểu về ý nghĩa 2 từ phóng sinh. Mỗi lần thấy cảnh phóng sinh kiểu này mình rất ghét, một hành động không nhân văn, trí tuệ gì cả”.
Đặng Quang Thái đề nghị: “Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần vào cuộc một cách nghiêm khắc với các nhà sư thực hành hoặc khuyến khích phóng sinh như bài viết trên, bởi chúng sinh chưa thấu về giáo lý nhà Phật thì các vị đó có trách nhiệm giảng giải,định hướng. Cá nhân tôi thấy việc phóng sinh như trên là tàn ác và mê muội”.
Nhiều độc giả cũng nêu những cách phóng sinh thiết thực, ý nghĩa mà họ chứng kiến. Lê Triều kể: “Tôi thấy chùa gần chỗ tôi phóng sinh hàng tháng, nhưng không phải mua ở những nơi như vậy (nơi săn bắt chim cá để bán cho người phóng sinh).
Sư phụ chùa ấy chọn một ngày bất kỳ trong tháng, sáng sớm ra chợ lớn, mua cá, lươn, cua, ốc... để đem ra sông thả. Những con vật ấy nếu hôm đó không được thả sẽ chết trên thớt và vào bao tử nhiều người. Thời tụng kinh trước khi thả chỉ kéo dài 15 phút, chủ yếu là chú nguyện cho những sinh vật ấy”.
Độc giả Quốc Cường cho rằng, những ngôi chùa lớn có tiếng không phóng sinh kiểu hình thức, giả dối. “Ở Ban Mê Thuột, Đắk Lắk, chùa Khải đoan mua cá ở các trại cá giống, sau đó mang thả ở các hồ. Những việc làm như vậy cần khuyến khích”.
Nhìn chung, mọi người đều cho rằng phóng sinh vốn là việc thiện lành, nên được thực hiện với mục đích trong sáng, như ý kiến của độc giả Trương Ngọc Rạng: “Phóng sinh có chủ ý, mưu cầu, mục đích thì còn gì phước báo. Chỉ khi phóng sinh với một tấm lòng từ bi, không có chủ đích, mưu cầu thì mới có phước báo cho bản thân”.
Theo VTC
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC