Sự việc diễn viên Ngọc Lan livestream thể hiện sự bức xúc liên quan đến hợp đồng bảo hiểm nhân thọ ký với Công ty MVI Life đang nhận không ít sự chú ý từ dư luận và cả các cơ quan quản lý.
Nữ diễn viên cho biết cô “vỡ mộng” và sốc vì phát hiện những điều kiện đóng phí và số tiền được nhận không như thông tin ban đầu của tư vấn viên.
Trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường có nhiều điều khoản yêu cầu người mua phải đáp ứng mới có thể hưởng quyền lợi. Ảnh: Hoàng Hà.
Trước sự việc này, nhiều chuyên gia, tư vấn viên bảo hiểm đã đưa ra những lưu ý cho người có nhu cầu tham gia bảo hiểm nhân thọ để tránh vấp phải những “bẫy ngầm”.
“Bẫy” cam kết lợi nhuận
Cam kết lợi nhuận: Một trong những hiểu nhầm phổ biến nhất mà nhiều khách hàng vướng phải khi mua bảo hiểm nhân thọ là lời hứa hẹn về lợi nhuận được đảm bảo. Nhiều tư vấn viên bảo hiểm sử dụng chiêu trò này để thu hút khách hàng đang tìm kiếm các khoản đầu tư an toàn với lợi nhuận đảm bảo, tỷ lệ hoàn vốn cố định. Tuy nhiên, điều mà người mua không nhận ra là bảo hiểm nhân thọ đề cao tính bảo vệ sức khỏe, chứ không phải thu nhập hay lợi tức.
Vì vậy, số lợi nhuận được trả đi kèm chỉ đến sau khi người mua đã tham gia bảo hiểm trong một thời gian đủ dài, thường là 10-20 năm.
Trong một số trường hợp, tư vấn viên sẽ đưa lời hứa về “lợi ích gấp ba” khi mua bảo hiểm nhân thọ. Tức là ngoài lợi ích bảo vệ còn có lợi ích kép khác như chi trả phí giáo dục cho con trẻ, lợi nhuận từ đầu tư… Điều này dẫn tới xu hướng người mua vội vàng tham gia mà không đánh giá được mức cần thiết của các sản phẩm gia tăng này.
Không phải hợp đồng nào cũng được hoàn lại tiền: Người mua thường không tìm hiểu kỹ điều khoản này và phải chịu nhiều thiệt thòi khi dừng hợp đồng trước thời hạn.
Theo đó, không phải sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nào cũng có giá trị hoàn lại. Người mua bảo hiểm chỉ được nhận giá trị của hợp đồng nếu có thời gian đóng phí từ 2 năm trở lên. Các hợp đồng có thời gian đóng phí dưới 2 năm sẽ không có giá trị hoàn lại.
Việc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trước thời hạn cũng khiến người mua chịu nhiều thiệt thòi như không nhận được giá trị hoàn lại (sản phẩm không có giá trị hoàn lại) hoặc nhận được nhưng giá trị thấp hơn số phí đã đóng. Đặc biệt là các quyền lợi bảo hiểm như bảo vệ trước rủi ro, đầu tư… sẽ không còn hiệu lực.
Tư vấn viên thiếu chuyên nghiệp: Thực tế, hầu hết vấn đề phát sinh giữa người công ty bảo hiểm và khách hàng đều phát sinh từ việc tư vấn viên truyền đạt thông tin thiếu/sai hoặc cố tình đánh lừa khách hàng bằng cách nói tránh/giả mạo thông tin, mục đích cuối cùng là để bán được bảo hiểm và hưởng hoa hồng. Cũng có một số trường hợp, nhân viên vì mức phí hoa hồng mà cố gắng bán những hợp đồng có giá trị cao nhất có thể cho người mua, thay vì bán những sản phẩm phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng. Điều này dẫn đến người mua bảo hiểm khó theo lâu dài với hợp đồng làm mất đi ý nghĩa bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ.
Nhập nhèm trong thanh toán và thời hạn của hợp đồng: Hợp đồng bảo hiểm thường được “cài cắm” những điều khoản khó hiểu hoặc dài dòng khiến người mua khó lòng nắm hết.
Chỉ tới khi sự kiện xảy ra, người mua yêu cầu quyền lợi thì bên bán mới thông tin, giải thích kỹ từng trường hợp. Điều tương tự cũng xảy ra với điều khoản về thời hạn của hợp đồng.
Vì vậy, người mua cần lưu ý tới những điều khoản loại trừ trong hợp đồng bảo hiểm do bên bán thường bám vào các điều khoản này để từ chối thanh toán.
Mua bảo hiểm nhân thọ sao cho đúng
Theo chia sẻ của các chuyên viên tư vấn bảo hiểm và tài chính, người mua bảo hiểm vẫn có nhiều cách hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có vai trò như một khoản đầu tư có lời.
Nên mua khi còn trẻ và khỏe: Một trong những yếu tố quyết định phí đóng cho khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ chính là độ tuổi. Tuổi càng cao thì mệnh giá bảo vệ càng thấp, phí đóng càng cao, rủi ro trừ đi hàng tháng cũng ở mức cao. Điều này đồng nghĩa với việc số tiền còn lại để tích lũy và sinh lãi sẽ càng thấp. Chưa kể, việc tham gia khi còn trẻ với sức khỏe tốt, khách hàng sẽ không rơi vào trường hợp bị tăng phí rủi ro, làm giảm số tiền tích lũy và sinh lãi.
Không ghép nhiều người vào chung một hợp đồng bảo hiểm: Nhiều khách hàng cho rằng để tất cả thành viên gia đình vào chung một hợp đồng là tối ưu và có lợi, nhưng thực tế là ngược lại.
Trong một hợp đồng chỉ có một người được bảo hiểm chính, những người còn lại là phụ và chỉ tham gia sản phẩm bổ trợ. Càng gắn thêm nhiều người thì càng nhiều sản phẩm bổ trợ và chính sản phẩm bổ trợ này sẽ làm giảm số tiền tích lũy, ảnh hưởng tới dòng tiền sinh lời sau này. Để tối ưu lợi nhuận thì một hợp đồng chỉ nên có một người được bảo hiểm, hoặc kèm theo 1-2 người phụ thuộc là con nhỏ. Trong đó, các sản phẩm bổ trợ nên được thiết kế vừa đủ, chiếm khoảng 30% tổng phí đóng cả hợp đồng.
Lựa chọn sản phẩm bảo hiểm có liên kết đầu tư: Bảo hiểm liên kết đầu tư là loại hình bảo hiểm nhân thọ vừa giúp bảo vệ sức khỏe trước rủi ro khách quan trong cuộc sống, vừa có thêm cơ hội gia tăng tài sản trong tương lai.
Phí bảo hiểm mà người mua đóng vào hàng năm, sau khi trừ đi các phí bảo hiểm đã quy định thì phần còn lại sẽ được đầu tư vào chứng chỉ quỹ. Tuy nhiên, trong đầu tư lãi suất càng cao rủi ro càng lớn, vì vậy người mua cần xem xét mức độ chấp nhận rủi ro của mình, cũng như yêu cầu tư vấn viên tư vấn thật kỹ để có phương án tài chính phù hợp.
Tham gia lâu dài: Bảo hiểm nhân thọ là sản phẩm với kế hoạch lâu dài, ở những năm đầu, tỷ lệ phí hủy hợp đồng rất cao, lên tới 60-80%. Thậm chí, trong 2 năm đầu tham gia đã dừng khách hàng sẽ không nhận được khoản tiền hoàn trả nào.
Nếu hủy hợp đồng sau 2 năm tham gia, người mua có thể nhận được giá trị hoàn lại, nhưng số tiền này sẽ thấp hơn rất nhiều so với khoản phí đã đóng trước đó.
Tham gia càng lâu, phí bảo hiểm càng giảm, do đó số tiền tích lũy và sinh lời càng cao. Đặc biệt với các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư còn sinh lãi kép. Do đó, người mua tham gia lâu dài sẽ đảm bảo được thời gian bảo vệ sức khỏe lâu hơn cũng như đảm bảo dòng tiền nhận lại sau này.
Theo chuyên gia tài chính Thu Giang của FIDT, trong 3 năm đầu, khoản tích lũy từ đóng bảo hiểm nhân thọ là không đáng kể. Nhưng từ năm thứ 4, khoản tích lũy này sẽ bắt đầu tăng nhanh hơn.
Việc người mua muốn sinh lời tốt từ hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ tùy thuộc vào việc khi ký hợp đồng chọn sản phẩm liên kết chung hay liên kết đơn vị.
Nếu có khẩu vị an toàn, người mua nên chọn sản phẩm liên kết chung. Khi đó, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ sẽ được công ty mang tiền đầu tư chủ yếu vào trái phiếu Chính phủ.
Ngược lại, hiện nay đa số mọi người quan tâm đến đầu tư và sinh lời nên tỷ lệ tham gia sản phẩm liên kết đơn vị nhiều hơn. Khi tham gia sản phẩm này, người mua có thể lựa chọn các quỹ khác nhau, mỗi quỹ đều có quy định về tỷ trọng tài sản trong quỹ bao nhiêu % là tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu.
Với các quỹ có tỷ trọng cổ phiếu 50% trở lên, trong điều kiện thị trường chứng khoán trung tính hoặc lạc quan, hợp đồng hoàn toàn có thể đạt tỷ suất lợi nhuận 8-9%/năm hoặc cao hơn. Tuy nhiên, khi thị trường diễn biến tiêu cực, khoản đầu tư trong năm đó có thể mang hiệu suất âm.
Nguồn:Zing
© 2025 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC