Trước khi trút hơi thở cuối cùng trên giường bệnh lạnh lẽo, em cố viết nốt vài dòng thư ngắn ngủi để gửi tới họ:
“Con muốn được một lần nghe mẹ nói yêu con”.
Nhà triết gia người La Mã Marcus Cicero từng nói rằng:
“Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương mà cha mẹ dành cho con của mình”.
Thế nhưng, cậu bé nhỏ Ivan – một đứa trẻ bị chính đấng sinh thành bạo hành đến chết lại chẳng bao giờ dám mơ tưởng tới điều viển vông đó.
Trước đây, thay vì được cha mẹ nâng niu thì Ivan thường xuyên phải làm bạn với những trận đòn roi khủng khiếp từ họ. Và càng khó tin hơn khi em vẫn cố gắng vượt qua cơn ác mộng triền miên, hay thậm chí là nỗi đau đớn tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần chỉ để giành lấy thứ tình cảm “xa xỉ” bị cha mẹ lãng quên.
Dẫu chịu ngàn vết thương cứa vào da thịt, cứa vào tâm hồn đầy non nớt như thế, song Ivan lại không ngừng xin lỗi vì chưa thể làm cha mẹ hài lòng.
Ngay cả khi nằm đơn độc một mình trên chiếc giường trắng muốt, ngửi mùi thuốc kháng sinh nồng nặc và cảm nhận trái tim yếu ớt sắp ngừng đập, cậu bé 7 tuổi vẫn dồn chút sức lực cuối cùng để bày tỏ tình yêu thương đối với những người quan trọng nhất cuộc đời thông qua bức thư còn dang dở.
“Con xin lỗi. Con thật ngốc nghếch vì chưa thể làm hài lòng mọi người. Con chẳng bao giờ…”
Đó là câu chuyện đầy chua xót về một cậu bé có trái tim vĩ đại. Dĩ nhiên, nội dung của nó cũng liên quan tới hàng triệu đứa trẻ khác trên thế giới này – những đứa trẻ đang phải trải qua cơn ác mộng kinh hoàng do chính cha mẹ ruột gây nên.
Mặc dù được thầy cô hết mực yêu quý nhưng Ivan, 7 tuổi lại có một cuộc đời trái ngược với những gì đang hiện hữu trước mắt: Em thường xuyên bị cha mẹ đánh đập, bị ép phải mặc bộ trang phục cũ kĩ và đi đôi dép rách tới trường.
Điều này khiến cậu bé đáng thương luôn trở thành tâm điểm trêu chọc của bạn bè xung quanh, thậm chí còn bị cô lập vì “chúng nói rằng con thật đáng ghê tởm” nên không muốn chơi cùng.
Ivan từng viết: “Con rất yêu quý các bạn học của mình, song thực tế con lại chẳng có người bạn nào cả. Con đã cố gắng làm quen bằng tấm lòng chân thành, vậy mà tất cả đều thẳng thừng từ chối khiến con rất buồn.
Chúng hay đem con ra làm trò cười bởi mỗi ngày đến lớp, trang phục của con vẫn không hề thay đổi với chiếc quần jeans cũ, áo phông rách cùng đôi giày đứt quai. Con chỉ biết ngồi lặng lẽ một mình trong phòng học trống vắng vào mỗi giờ giải lao”.
Rồi một hôm lạnh giá, Ivan phải cầm tạm chiếc áo khoác đầy bụi dưới hộc bàn và cố gắng rảo bước về nhà giữa cơn bão tuyết lớn. Nhưng khi đang run rẩy trước từng đợt gió lạnh thì em bất ngờ bị đẩy ngã, bị ấn mặt xuống lớp tuyết dày cộp kèm theo lời miệt thị đầy cay nghiệt từ bạn bè xung quanh: “Thằng ngu! Chẳng ai ưa được mày”.
“Những đứa trẻ tiếp tục đánh đập con trước khi bỏ chạy. Con bỗng nhiên òa khóc vì không bạn nào đối xử tốt với mình, cho dù con có yêu quý họ tới đâu”.
Khoảng vài phút sau, Ivan quyết định gạt nước mắt và cố gắng đứng dậy. Cậu bé luôn hy vọng sẽ được sà vào lòng mẹ để trút hết nỗi buồn, tuy nhiên khi vừa về tới nhà, bà lại túm tóc em và nghiến răng chì chiết: “Mày vừa đi đâu? Vì sao mày lại bẩn thỉu như thế này? Tao phải cho mày nhịn bữa tối để chừa thói hư đốn, còn bây giờ hãy cút vào phòng rồi ở nguyên trong đó”.
Ivan đã làm đúng như lời mẹ nói, đi vào phòng rồi ở lỳ như thế cho đến ngày hôm sau dẫu rất đói và lạnh.
Do điểm số ngày càng tồi tệ nên Ivan thường xuyên bị cha mình đánh đập tới nỗi không thể cử động nổi ngón tay trỏ nữa. Và bộ phận này cũng chẳng lành lại được, rồi đám trẻ ở trường tiếp tục có lý do để trêu chọc cậu bé nhiều hơn.
Tuy dòng chữ nguệch ngoạc trong bức thư cuối cùng mà Ivan viết rất khó đọc, song tất cả mọi người đều có thể hiểu và cảm nhận hết nỗi đau đớn tột cùng ấy: “Thời gian dần trôi qua, con bỗng thấy ngực mình đau nhói. Nằm trên giường, con chỉ ước mau khỏi bệnh thật nhanh để cha mẹ đừng chau mày khó chịu và sẽ dành chút tình cảm nào đó cho con”.
Khi đi học, cô giáo yêu cầu cả lớp hãy vẽ ra mơ ước lớn nhất của bản thân. Trong lúc những đứa trẻ khác dùng bút tô màu xe hơi, tên lửa cùng nhiều con búp bê xinh đẹp thì cậu bé tội nghiệp lại phác họa bức tranh về một gia đình với người cha hiền hậu, người mẹ dịu dàng cùng đứa con trai nhỏ đang quây quần hạnh phúc.
“Con vừa vẽ, vừa thầm rơi nước mắt. Con rất muốn cảm nhận tình yêu thương từ cha mẹ, vậy mà còn chưa từng được ôm ấp hay vỗ về an ủi mỗi khi con buồn”.
Lúc tới lượt Ivan trình bày bức tranh trước lớp, cậu bé đã nói mong ước lớn nhất của mình là có một gia đình đầm ấm.
Vậy mà lũ trẻ bên dưới lại cố tình cười nhạo khiến em chỉ biết cúi mặt và nghẹn ngào nói tiếp bằng sự chua xót: “Tớ chỉ muốn được cha mẹ ôm hôn và tới đón sau mỗi giờ tan trường. Tớ biết bản thân mình rất yếu đuối và xấu xí, thậm chí còn có một ngón tay dị tật nhưng xin các bạn đừng cười nhạo tớ”.
Ngày nọ, khi cô giáo trả bài kiểm tra, Ivan thấy mình bị điểm kém nên rất sợ về nhà. Do chẳng còn nơi nào khác để đi nên cậu bé đành cố lê từng bước nặng nhọc cho tới khi về đích.
“Mẹ vô cùng giận dữ. Có lẽ vì quá tức giận, mẹ đã đẩy con ngã xuống nền đất cứng nhắc rồi đánh mạnh vào đầu con. Mặc cho con cảm thấy đau đớn nhưng mẹ vẫn quay lưng bỏ đi và để mặc con nằm đấy trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê”
Một lúc sau, bà mẹ trẻ liền quay trở lại, đồng thời yêu cầu Ivan phải dọn sạch những thứ bừa bộn vừa bày ra nếu không muốn bị người cha nghiêm khắc trừng phạt. Tuy nhiên, ông ta lại về sớm hơn mọi khi và chứng kiến toàn bộ câu chuyện vừa xảy ra.
“Cha giang tay tát thẳng vào mặt con, thế rồi từng trận đòn ập xuống làm con chìm hẳn vào cơn mê. Khi tỉnh dậy, con thấy mình đang nằm trong bệnh viện và chẳng thể cử động bất kì ngón tay nào”.
Bất giác, Ivan đảo ánh nhìn khó nhọc ra phía cửa sổ. Nước mắt cứ thế lăn dài trên gò má tiều tụy của cậu bé 7 tuổi. Thì ra, em nhìn thấy nhiều ông bố bà mẹ đang chơi đùa cùng con mình và ôm nhau đầy thân mật ngoài kia.
Vì nó chợt nhớ ra mình chưa bao giờ nhận được cử chỉ yêu thương nào từ cha mẹ ruột, ngoại trừ việc bị đánh mắng thậm tệ ngay trong căn nhà nhỏ nằm ở vùng ngoại ô yên bình. Nó luôn nỗ lực để họ đừng đối xử tàn tệ, đừng hành hạ mình như một kẻ hư đốn nhưng nhận lại chỉ là nỗi thất vọng ê chề.
“Cơn đau tại lồng ngực bỗng dồn dập hơn bao giờ hết. Con phải nhập viện mà chẳng có ai tới thăm cả. Con cứ thế chờ đợi suốt từ ngày này qua tháng khác mặc dù đã biết trước kết quả. Dẫu vậy, con vẫn rất yêu thương cha mẹ”.
Hai ngày sau, Ivan qua đời vì những vết thương quá nặng trên cơ thể. Trong tay cậu bé các bác sĩ đã tìm được một bức thư viết dở có nội dung: “Thưa cha mẹ, con rất buồn bởi bản thân mình xấu xí, ghê tởm và ngốc nghếch. Con xin lỗi vì chưa thể làm cha mẹ yêu thương con – dù chỉ là một lần duy nhất.
Tất cả những gì con muốn là được mẹ ôm chặt trong vòng tay rộng lớn, được một lần nghe mẹ nói yêu con rất nhiều. Cha, con chỉ muốn cha chơi đùa cùng con, nắm tay con đi dạo hay hát một ca khúc nhẹ nhàng mà thôi.
Và rồi, trái tim nhỏ bé của Ivan đã ngừng hẳn nhịp đập. Em sẽ chẳng phải sống trong cơn ác mộng triền miên với những lời mắng chửi hay đay nghiến từ cha mẹ và bạn bè nữa, sẽ chẳng phải rơi thêm bất cứ giọt nước mắt đau buồn nào hết…
Tạm biệt cậu bé nhỏ kiên cường, Ivan!
Là một người biên dịch, tôi không chắc tất cả những chi tiết trong câu chuyện này đều là sự thật. Nhưng tôi dám khẳng định rằng: Nó đã đem lại cho mỗi chúng ta một cái nhìn riêng, một cảm xúc riêng và một nhận định chung.
Đó là mỗi đứa trẻ trên khắp Thế giới đều có quyền được nhận sự yêu thương từ cha mẹ mình. Tuy vậy, nạn bạo hành trẻ em vẫn diễn ra từng ngày, từng giờ tại tất cả các quốc gia, các thành phố cùng hàng loạt trường học khác nhau.
Bạn nên biết, trẻ nhỏ không cần một cuộc sống giàu có mà chỉ mong cha mẹ bày tỏ sự thương yêu bằng cái ôm trìu mến hay nụ cười đôn hậu mà thôi. Chúng luôn muốn trải nghiệm quãng thời gian thơ ấu trong sự bao bọc của người thân, được cười đùa hạnh phúc dưới mái nhà nhỏ theo lẽ tự nhiên nhất.
Dĩ nhiên, với tâm hồn thơ ngây và thánh thiện, các em có thể tha thứ mọi lỗi lầm của cha mẹ và không bao giờ đề cập tới nó dù là một, hai hay nhiều sai lầm – giống như những gì mà cậu bé Ivan đã từng!
Theo Trí thức trẻ
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC