Sản xuất mành trúc tại Công ty TNHH MTV thủ công mỹ nghệ Thanh Trúc ở xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi, TP.HCM. Sản phẩm chủ yếu xuất khẩu đi châu Âu, Mỹ, Úc... - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Theo dự thảo thông tư của Bộ Công thương, những hàng hóa được coi là có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam là:
- Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng (được trồng và thu hoạch tại Việt Nam), động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại Việt Nam.
- Các sản phẩm thu được từ săn bắn, đặt bẫy, đánh bắt, nuôi trồng, thu lượm hoặc săn bắt tại Việt Nam.
- Các sản phẩm lấy từ nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, nơi Việt Nam có quyền khai thác đối với vùng nước, đáy biển và dưới đáy biển theo luật pháp quốc tế.
- Các sản phẩm đánh bắt và các hải sản khác đánh bắt từ vùng biển quốc tế bằng tàu được đăng ký ở Việt Nam hoặc được phép treo cờ của Việt Nam.
Với hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam sẽ được coi là hàng hóa của Việt Nam nếu đáp ứng tiêu chí với những quy tắc cụ thể.
Với công thức tính được Bộ Công thương đưa ra, hàng hóa được xác định là có xuất xứ Việt Nam khi có trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam chiếm 30% giá trị xuất xưởng của hàng hóa đó.
Tuy nhiên không phải cứ đạt trị giá nguyên liệu đầu vào xuất xứ tại Việt Nam đạt 30% là hàng hóa đó được xác nhận hàng Việt. Đặc biệt, với hàng hóa có công đoạn gia công, chế biến đơn giản thì không được coi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam.
Với tiêu chí "hàm lượng giá trị gia tăng" sẽ có các công thức để tính. Nhưng đơn giản nhất là lấy trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam chia cho trị giá xuất xưởng của hàng hóa nhân với 100%.
Trong đó, "trị giá nguyên liệu đầu vào có xuất xứ Việt Nam" bao gồm trị giá của nguyên liệu mua của nhà sản xuất trong nước hoặc do tổ chức, cá nhân tự sản xuất; chi phí nhân công trực tiếp, chi phí phân bổ trực tiếp, các chi phí khác và lợi nhuận.
"Giá xuất xưởng" = Chi phí nguyên liệu + Chi phí nhân công trực tiếp + Chi phí phân bổ trực tiếp (gồm chi phí nhà xưởng có liên quan đến quá trình sản xuất, các nhu yếu phẩm cho quá trình sản xuất như điện, tiền bản quyền sáng chế...) + Lợi nhuận của nhà sản xuất.
Hàng "made in USA" quy định thế nào?
Tại Mỹ, theo quy định của Ủy ban Thương mại liên bang (FTC), hàng hóa muốn dán nhãn "made in USA" phải được sản xuất tại Mỹ, cụ thể là tất cả chi tiết, công đoạn chế tạo quan trọng của sản phẩm này đều phải có nguồn gốc từ Mỹ.
Do đó, các sản phẩm không được chứa hoặc có một tỉ lệ không đáng kể các bộ phận từ nước ngoài. Khâu hoàn thiện hoặc xử lý cuối cùng phải diễn ra tại Mỹ.
Việc đánh giá tiêu chuẩn "made in USA" cũng xem xét kỹ yếu tố chi phí, bao gồm nguyên liệu và lao động, do trong một số trường hợp, chi phí gia công ở nước ngoài chỉ chiếm phần nhỏ trong chi phí nhưng lại chiếm phần lớn quy trình chế tạo.
Tuy nhiên, Mỹ cũng có nhiều quy định chồng chéo về vấn đề này, chẳng hạn luật mua sắm Mỹ đối với mua sắm chính phủ, một sản phẩm chỉ cần có hơn 50% linh kiện được làm tại Mỹ là đủ chuẩn "made in USA".
Canada cũng phân biệt rõ "made in Canada" với "product of Canada (sản phẩm của Canada)". Theo đó, trong khi nhãn "product of Canada" yêu cầu 98% tổng chi phí sản xuất trực tiếp hoặc sản xuất hàng hóa thực hiện ở Canada thì "made in Canada" chỉ yêu cầu tỉ lệ 51%. Ngoài ra, công đoạn gia công, chế biến cuối cùng của hàng hóa phải được thực hiện ở Canada.
Thụy Sĩ, xứ sở nổi tiếng với những đồng hồ "Swiss made" từ năm 2017 đã tăng tỉ lệ chi phí sản xuất và các công đoạn gia công quan trọng được thực hiện tại Thụy Sĩ từ 50% lên ít nhất 60% đối với các sản phẩm công nghiệp để đạt chuẩn "made in Switzerland". Với các mặt hàng thực phẩm, tỉ lệ nguyên liệu thô và quá trình sản xuất thiết yếu tại nội địa phải đạt ít nhất 80%.
NGÔ HẠNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online
© 2024 | Tạp chí NƯỚC ĐỨC